Những quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/5/2018

(VOH) - Tự gây thiệt hại để nhận tiền bảo hiểm bị phạt 100 triệu đồng, Giảm giá cước kết nối giữa các mạng di động ... là những quy định nổi bật, có hiệu lực từ tháng 5/2018.

Giảm giá cước kết nối giữa các mạng di động

Từ 1/5, mức cước kết nối giữa các nhà mạng di động với nhau sẽ giảm 20% so với trước đây.

Cụ thể, người dùng gọi tới số thuê bao của nhà mạng Viettel sẽ phải trả cước còn 400 đồng/ phút. Tương tự với các nhà mạng Mobifone, Vinafone, VietnamMobile, GtelMobile, người dùng phải trả cho các nhà mạng này 440 đồng/phút.

Giảm giá cước kết nối giữa các mạng di động

Ảnh minh họa

Ngoài ra, giá cước kết nối cuộc gọi thoại từ mạng nội hạt vào mạng di động giảm còn 320 đồng/phút (Quy định hiện nay là 415 đồng/phút).

Nội dung này được quy định tại Thông tư số 48/2017 của Bộ Thông tin và Truyền Thông.

Bãi bỏ quy định sử dụng máy photocopy màu phải đăng ký

Theo Nghị định 25/2018 của Chính phủ, từ 1/5, bãi bỏ quy định máy photocopy màu chỉ được sử dụng phục vụ công việc nội bộ của cơ quan, tổ chức.

Như vậy, các tổ chức, cá nhân sử dụng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu sẽ không phải đăng ký với UBND cấp tỉnh trước khi sử dụng. Cơ sở in, cơ sở dịch vụ photocopy hoạt động theo loại hình doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm báo cáo định kỳ 1 năm/lần thay vì 6 tháng/lần như trước đây.

Người bán hàng đa cấp được trả lại hàng trong 30 ngày

Từ ngày 2/5, người tham gia bán hàng đa cấp có quyền trả lại hàng hóa đã mua từ doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Thời hạn là 30 ngày kể từ ngày nhận hàng.

Cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thu tiền đặt cọc của người tham gia. Cấm doanh nghiệp cho người tham gia nhận tiền từ việc giới thiệu khách hàng mới.

Đây là nội dung được quy định trong Nghị định số 40/2018 của Chính phủ. Nghị định này cũng quy định, các tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp phải đáp ứng những điều kiện sau: Là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo quy định và chưa từng bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; Vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên; Có mẫu hợp đồng tham gia bán hàng, quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng, chương trình đào tạo cơ bản rõ ràng, minh bạch và phù hợp với quy định...

Tự gây thiệt hại để nhận tiền bảo hiểm bị phạt 100 triệu đồng

Theo Nghị định 48/2018 của Chính phủ, từ ngày 10/5, hành vi tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm sẽ bị phạt từ 90-100 triệu đồng.

Những quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/5

Ảnh minh họa

Mức phạt này còn áp dụng đối với hành vi thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật. Đặc biệt, hành vi ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức sẽ bị phạt tiền từ 40-50 triệu đồng.