Thủ đoạn giả danh Công an gọi điện thoại để lừa đảo

(VOH) - Trong năm 2020, CA TPHCM ghi nhận xảy ra 97 trường hợp có liên quan tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua các giả danh các cơ quan tư pháp trên địa bàn TP.

Theo Phòng Tham mưu CA TPHCM, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo với nhiều hình thức về loại tội phạm giả danh cơ quan tư pháp gọi điện thoại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Tuy nhiên tình hình hoạt động của loại tội phạm trên còn diễn biến phức tạp, vẫn có nhiều người dân bị mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.

Trong năm 2020, Công an thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận xảy ra 97 trường hợp có liên quan tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức gọi điện thoại giả danh các cơ quan tư pháp trên địa bàn thành phố.

mạo danh công an
Ảnh minh họa: Pexels 

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này có đặc điểm chung là sử dụng phần mềm công nghệ cao (Voice over IP – cách gọi sử dụng ứng dụng truyền tải giọng nói qua mạng máy tính, giả số điện thoại hiện trên màn hình) giả số điện thoại công khai của các cơ quan Công an, Tòa án, Viện kiểm sát và giả danh nhân viên các cơ quan tư pháp để gọi vào điện thoại bàn, điện thoại di động của người dân nói có liên quan đến vụ án, chuyên án đang điều tra để hù dọa làm cho người dân hoang mang, lo sợ để khai thác thông tin cá nhân.

Sau đó, các đối tượng tội phạm yêu cầu kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng để chuyển vào tài khoản định sẵn của đối tượng lừa đảo hoặc cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản của chúng với vỏ bọc xác minh, điều tra; đồng thời, yêu cầu nạn nhân giữ bí mật với gia đình, kể cả nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền để chiếm đoạt.

Công an TPHCM khuyến cáo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác đối với loại tội phạm này, cảnh giác với các cuộc gọi điện thoại thông báo nợ cước điện thoại vào các thuê bao cố định (điện thoại bàn). Không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, lai lịch, chứng minh nhân dân, số điện thoại, thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng (tên người dùng, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực giao dịch OTP, địa chỉ email…) cho bất kỳ ai và với bất kỳ hình thức nào. 

Đối với nhân viên ngân hàng, cần chú ý quan sát, phát hiện những biểu hiện bất thường về tâm lý của khách hàng (thái độ lo lắng, gấp rút, thường xuyên nghe điện thoại, rút tiền với số lượng lớn sau đó chuyển tiền vào nhiều tài khoản khác nhau với nội dung chuyển khoản không rõ ràng). Tìm hiểu về mục đích chuyển tiền, số tài khoản chuyển tiền đến, nhất là khách hàng rút hết tiền gửi trước thời hạn để chuyển vào một tài khoản khác thì chủ động thông báo ngắn gọn cho khách hàng về phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này để cảnh giác, không bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Khi phát hiện khách hàng bị các đối tượng lừa đảo hù dọa, yêu cầu chuyển tiền thì thông báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để phối hợp giải quyết.