10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2016

(VOH) - Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) điểm qua 10 sự kiện thế giới nổi bật nhất.

Năm 2016 sắp trôi qua với nhiều thăng trầm, một năm không yên bình của thế giới khi tiếng súng chiến tranh vẫn vang lên ở nhiều khu vực, những vụ khủng bố kinh hoàng, bất ổn và căng thẳng địa chính trị gia tăng tại nhiều quốc gia ở các khu vực Trung Đông, Châu Phi, trên Biển Đông, làn sóng người di cư... Tuy nhiên giữa sự loạn lạc vẫn còn hy vọng nhiều điều tốt đẹp khi chứng kiến những nỗ lực để đem tới hòa bình, đoàn kết, phát triển cho thế giới.

1. Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần thứ 58, diễn ra vào ngày 8/11, tỉ phú 70 tuổi Donald Trump, ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa, vượt qua đối thủ nặng ký Hillafry Clinton để giành chiến thắng. Đây là lần đầu tiên nước Mỹ có tổng thống là một tỷ phú và chưa hề có kinh nghiệm chính trị. Mặc dù có nhiều cuộc biểu tình phản đối ông Trump sau bầu cử, nhưng cũng có những ý kiến cho rằng ông sẽ đem lại sự thay đổi cần thiết cho nước Mỹ. Sự kiện này cũng có tác động lớn đến bàn cờ chính trị thế giới.

Ông Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ. Ảnh: AP

2. Anh rời EU (Brexit)

Một sự kiện chính trị rất nổi bật của thế giới năm 2016 đó là cuộc trưng cầu dân ý về việc rời Liên minh châu Âu (EU) ở Vương quốc Anh. Ngày 23/6, sau cuộc trưng cầu dân ý, 52% người Anh bỏ phiếu ủng hộ Anh rời khỏi EU. Sau khi kết quả được công bố, Thủ tướng Anh lúc đó, David Cameron tuyên bố từ chức. Thủ tướng mới, bà Theresa May, lên cầm quyền và hứa rằng sẽ thực hiện Điều 50 của Hiệp ước Lisbon để hoàn thành việc rời khỏi EU trước ngày 31/3/2017.

Cuộc trưng cầu dân ý cho thấy vương quốc Anh bị chia rẽ sâu sắc. Ảnh: CBS News

3. Phán quyết Biển Đông

Sự kiện mấu chốt trong tình hình Biển Đông năm nay là phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực LHQ ngày 12/7. Trong phán quyết dài gần 500 trang, tòa án Trọng tài Thường trực LHQ kết luận “quyền lịch sử” trên phần lớn diện tích Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố là vô hiệu. Đồng thời, hoạt động bồi đắp và xây dựng trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông đã gây thiệt hại nặng nề cho môi trường biển.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario trình bày trong phiên khai mạc Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye. Ảnh: PCA

4. Lãnh tụ Cuba qua đời

Fidel Castro, cựu Chủ tịch và là biểu tượng cách mạng Cuba, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Cuba và thế giới qua đời vào ngày 25/11, hưởng thọ 90 tuổi, tạo nên làn sóng thương tiếc cho người dân trong và ngoài nước. Lãnh tụ Fidel Castro đã lật đổ chế độ độc tài quân sự Batisa, lên lãnh đạo Cuba từ năm 1959, tuyên bố đi theo con đường chủ nghĩa cộng sản từ cuối năm 1961. Fidel là người luôn đấu tranh vì tinh thần độc lập dân tộc, cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bình đẳng của người dân Cuba.

Cựu chủ tịch Fidel Castro, biểu tượng cách mạng Cuba, qua đời ở tuổi 90.

5. Khủng hoảng di cư thay đổi diện mạo thế giới và đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ

Khủng hoảng di cư thay đổi diện mạo thế giới. Từ tháng 2, "tuyến đường Balkan" nối từ Hy Lạp đến Đức - con đường mà hàng trăm ngàn người di cư vẫn đi vào năm ngoái - bị đóng cửa. Một tháng sau đó, Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận ngăn chặn dòng di cư đến châu Âu, đạt được thành công trong việc giảm số người vượt qua Biển Aegean giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Tuy nhiên, dòng di cư tới Ý qua biển Địa Trung Hải vẫn đạt mức kỷ lục, và ít nhất 4.700 người đã thiệt mạng hoặc mất tích. Ở Pháp, trại tị nạn "Rừng Calais" nổi tiếng gần cảng Calais cuối cùng cũng đóng cửa vào tháng 10, và chính quyền tiến hành di dời khoảng 7.000 người ở đây vào các khu tập trung mới để thực hiện các thủ tục tiếp nhận hoặc trục xuất họ. Bên cạnh đó, cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ trong 2 ngày 15/7 và 16/7 nhằm lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thất bại khiến hơn 37.000 người bị bắt và hàng chục ngàn người bị sa thải trong các cuộc thanh trừng sau đó.

Tuần hành ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ở Istanbul, hôm 16/7. Ảnh: Reuters

6. Các vụ khủng bố kinh hoàng lan rộng trên thế giới

Bất ổn an ninh tiếp tục ám ảnh toàn châu Âu: Hàng loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu xảy ra tại nhiều quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ…, với mức độ tàn bạo gia tăng, đã gây chấn động dư luận, đồng thời cho thấy những lỗ hổng an ninh cũng như sự hợp tác lỏng lẻo giữa các nước trong châu lục. Bên cạnh "bóng ma" khủng bố, cuộc khủng hoảng di cư dai dẳng, những rối ren chính trị sau cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với những lo ngại về chính sách của chính quyền mới tại Mỹ... đang đặt Liên minh châu Âu trước những thách thức an ninh được coi là lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. 

Các nước châu Âu siết chặt an ninh để ngăn ngừa các cuộc tiến công khủng bố. Ảnh: Reuters

7. Hồ sơ Panama khiến thế giới chấn động

"Hồ sơ Panama" khiến thế giới chấn động: Vụ rò rỉ tài liệu mật khổng lồ nhất từ trước tới nay, với hơn 11 triệu tài liệu được công bố, đã vén màn bí mật về các hoạt động trốn thuế và rửa tiền từ giữa thập niên 1970, liên quan tới hàng trăm nghìn công ty trên toàn cầu. Vụ việc đã gây chấn động cả thế giới, buộc chính quyền và cơ quan chức năng nhiều nước phải vào cuộc điều tra; nhiều quan chức, chính trị gia một số nước phải từ bỏ vũ đài chính trị.

Hồ sơ Panama đã tạo nên một cơn chấn động chưa từng có trên toàn thế giới. Ảnh: CNN

8. Tân Tổng thống Philippines và cuộc chiến chống ma túy

Năm 2016, thế giới cũng dồn sự chú ý vào một quốc gia châu Á. Philippines và Tổng thống đắc cử hồi tháng 5, ông Rodrigo Duterte, xuất hiện trên tiêu đề của nhiều báo quốc tế với chiến dịch càn quét tội phạm ma túy gây tranh cãi. Cho đến nay, hơn 5.900 người bị bắn chết bởi cảnh sát và những tay súng không xác định trong chiến dịch chống ma túy được khởi xướng bởi ông Duterte.

Ông Rodrigo Duterte - Tân Tổng thống Philippines.

9. Sự thay đổi ở Mỹ Latin

Tháng 7 năm nay, Peru bầu cựu Bộ trưởng Kinh tế Pedro Pablo Kuczynski, người theo đường lối cánh hữu làm Tổng thống. Một tháng sau đó, Brazil cũng đặt dấu chấm hết cho 13 năm lãnh đạo của phe cánh tả bằng việc luận tội Tổng thống Dilma Rousseff với các cáo buộc liên quan vụ tham nhũng khổng lồ Petrobras. Phó Tổng thống Michel Temer đã lên thay thế bà Rousseff. Ở Venezuela, khủng hoảng chính trị, tài chính đang diễn ra những người phản đối Tổng thống Nicolas Maduro huy động hơn một triệu người xuống đường biểu tình hồi đầu tháng 9 nhằm gây áp lực đòi ông Maduro phải từ chức.

Hàng trăm ngàn người biểu tình chống chính phủ đổ xuống đường phố thủ đô Caracas, Venezuela. Ảnh: NBCNews

10. Khủng hoảng chính trị Hàn Quốc

Chính trường Hàn Quốc đã bị rơi vào tình trạng hỗn loạn, sau khi Quốc hội nước này bỏ phiếu phế truất Tổng thống Park Geun-hye trong ngày 10/12. Trong vòng 6 tháng, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc sẽ quyết định liệu cuộc bỏ phiếu phế truất của Quốc hội có hiệu lực hay không. Sau sự kiện Quốc hội Hàn Quốc thông qua thủ tục luận tội, nền chính trị Hàn Quốc nhiều khả năng tiếp tục rơi vào các vòng hỗn loạn trong bối cảnh  đảng cầm quyền vốn dĩ đang rạn nứt chắc chắn sẽ đối mặt với sự chia rẽ sâu sắc hơn, còn các đảng đối lập sẽ bị cuốn vào cuộc đối đầu nội bộ trong việc lựa chọn ra người đại diện trong cuộc bỏ phiểu bầu tổng thống năm sau.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye. Ảnh: Reuters