3 triệu người chết mỗi năm do ô nhiễm không khí

(VOH) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 27/9 đã công bố báo cáo tình hình ô nhiễm không khí.

Tình trạng ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh (Ảnh: theguardian)

Báo cáo nêu rõ, tình trạng ô nhiễm do bụi PM2,5 đang lan rộng trên toàn cầu. Mỗi năm có khoảng 3 triệu người chết vì ung thư phổi và các bệnh liên quan. Ô nhiễm không khí đã trở thành mối đe dọa đối với sức khỏe con người.

Theo báo cáo, tình trạng ô nhiễm không khí tại những nước có thu nhập thấp ở châu Á và Trung Đông là khá nghiêm trọng.

WHO đã tiến hành phân tích những hình ảnh từ vệ tinh cũng như những kết quả đo được tại khoảng 3.000 địa điểm trên mặt đất. Kết quả cho thấy, 92% dân số trên thế giới sinh sống tại những khu vực có nồng độ bụi PM2,5 vượt mức cho phép của WHO.

WHO cho biết, năm 2012 ước tính có khoảng 3 triệu người chết do ô nhiễm không khí ngoài trời. Nếu tính cả số người chết do ô nhiễm không khí trong nhà, con số trên sẽ tăng lên đến 6,5 triệu người và xu hướng này vẫn đang tiếp tục.

WHO cho rằng “cần có những đối sách ở cấp quốc gia, ví dụ như sử dụng nhiên liệu giao thông sạch hơn, hạn chế việc phát điện bằng than...”.

Bụi PM2,5 là gì?

Bụi PM2,5 còn gọi là bụi mịn, là thuật ngữ dùng để chỉ những hạt bụi li ti trong không khí có kích thước 2,5 micron trở xuống. 1micron (micromet) bằng 1/1000mm. Như vậy, bụi PM2,5 có kích thước nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc người.

Những ảnh hưởng của bụi PM2,5 đến sức khỏe con người

Các hạt bụi trong phạm vi kích thước PM2,5 có thể đi sâu vào đường hô hấp và tới phổi. Nếu phơi nhiễm với bụi PM2,5 có thể gây ra những tác động tức thời đến sức khỏe như kích ứng mắt, mũi, họng và phổi, ho, hắt hơi, chảy nước mũi và khó thở.

Phơi nhiễm với bụi PM2,5 cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng của phổi và khiến tình trạng mắc bệnh hen và bệnh tim trở nên nặng hơn.

Nghiên cứu đã cho thấy mối liên quan giữa tăng tiếp xúc hàng ngày với bụi PM2,5 với tăng số ca nhập viện do bệnh hô hấp và tim mạch, tăng số lượt khám cấp cứu và tử vong.

Phơi nhiễm lâu dài với bụi PM2,5 cũng có liên quan với tăng tỷ lệ viêm phế quản mạn tính, suy giảm chức năng phổi và tăng tỷ lệ tử vong do ung thư phổi và bệnh tim. Những người có bệnh hô hấp và bệnh tim, trẻ em và người cao tuổi đặc biệt nhạy cảm với bụi PM2,5.

Cách nhận biết nồng độ bụi PM2,5 đang hoặc sẽ tăng ở ngoài trời?

Nồng độ bụi mịn trong không khí ngoài trời thường tăng khi không khí bị tù đọng, khi khói bụi không được gió thổi đi, hoặc khi gió đưa không khí ô nhiễm từ nơi khác tới. Nói chung, khi nồng độ bụi PM2,5 trong không khí ngoài trời tăng lên, không khí sẽ có vẻ mờ đi và tầm nhìn bị giảm.