Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ bị tố cung cấp vũ khí cho các phần tử khủng bố

(VOH) - Ông Bashar al Jaafari, đại diện thường trực của Syria tại Liên Hợp Quốc cho biết, binh lính Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp vũ khí đạn dược cho các phần tử khủng bố ở tỉnh Aleppo, phía bắc Syria.

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tràn qua biên giới Syria (Ảnh: NBC News)

Trong bức thư gửi đến Chủ tịch và Tổng thư ký Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, ông Jaafari cáo buộc nhóm binh lính Thổ Nhĩ Kỳ đột nhập vào phía bắc Aleppo “đang xây dựng kho vũ khí”.

Bức thư nêu rõ: “Họ đã cung cấp vũ khí đạn dược trong những kho vũ khí này cho các chiến binh của nhóm khủng bố Jaish al-Fath, nhóm phiến quân Mặt trận al-Nusra và phong trào Ahrar al-Sham. Ngoài ra, nhóm binh lính Thổ Nhĩ Kỳ này còn bí mật cung cấp vũ khí đạn dược tại nước họ cho các nhóm vũ trang khủng bố tại Aleppo”.

Ông Jaafari còn cho biết “đoàn xe chở những phần tử khủng bố” đã di chuyển qua một trạm kiểm soát tại khu vực biên giới giữa Syria với Thổ Nhĩ Kỳ ở tỉnh Idlib.

Giới chức ngoại giao Syria kêu gọi HĐBA LHQ “buộc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa biên giới đối với các nhóm vũ trang khủng bố và chấm dứt việc cung cấp vũ khí và viện trợ tài chính cho các nhóm này”.

Nhà chức trách Syria cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn chặn “hành động sai trái và phạm tội” mà Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành đối với Syria và những người tị nạn Syria.

Ông Jaafari còn nhấn mạnh rằng, kể từ khi xảy ra cuộc nội chiến tại Syria, chính phủ nước ông đã gửi hơn 600 bức thư đến Tổng thư ký LHQ và HĐBA LHQ nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ thư hồi âm nào.

Trong một diễn biến khác, Giám đốc điều hành của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), ông Anthony Lake ngày 27/8 cho biết, tỉnh Aleppo ở Syria đang rất cần một lệnh ngừng bắn nhân đạo.

UNICEF đã nêu rõ trong một tuyên bố rằng, “những trẻ em ở Aleppo không thể tiếp tục sống trong nỗi sợ hãi về những vụ tấn công thường xuyên xảy ra. Điều này đã trở thành một trong những sự kiện nguy hiểm nhất thế giới, nhưng giữa lúc chưa có được sự hòa bình, chúng tôi rất cần một lệnh ngừng bắn nhân đạo, đồng thời hy vọng sẽ luôn có cơ hội để cứu lấy những sinh mạng tại nơi đây”.

Theo ông Lake, khoảng 35.000 trẻ em ở khu vực phía đông thành phố Aleppo đã được di tản.

Nhiều tòa nhà bị phá hủy kể từ khi chiến sự xảy ra ở Aleppo (Ảnh: Getty)

Hồi tuần trước, UNICEF cho biết khoảng 100.000 trẻ em vẫn còn ở lại Aleppo và bị mắc kẹt tại thành phố này.

Đặc sứ Liên hiệp quốc về Syria Staffan de Mistura ngày 25/8 khẳng định, một khi các bên liên quan đều ủng hộ lệnh ngừng bắn nhân đạo 48 giờ, LHQ đã sẵn sàng đưa lực lượng cứu trợ và hàng cứu trợ nhân đạo đến Aleppo.

Ông Mistura cho biết LHQ đã nhận được sự bảo đảm từ Nga cho lệnh ngừng bắn kéo dài 48 giờ mỗi tuần.

LHQ đang đóng vai trò trung gian để thúc đẩy một lệnh ngừng bắn ở Aleppo nhằm cứu trợ cho gần 2 triệu người dân đang bị mắc kẹt khi lực lượng chính phủ bao vây nhằm tái chiếm thành phố này từ phe đối lập.

Kế hoạch nhân đạo sẽ bao gồm việc vận chuyển thực phẩm đến cả khu vực phía đông do phiến quân kiểm soát và khu vực phía tây mà chính phủ nắm giữ, cũng như sửa chữa hệ thống điện ở khu vực phía nam đang tranh chấp, nơi cung cấp điện cho các trạm bơm nước phục vụ 1,8 triệu người dân.