Người dân tại châu Âu đổ xô mua vũ khí phòng thân

(VOH) - Kể từ khi các vụ tấn công khủng bố liên tiếp xảy ra tại các thành phố lớn ở châu Âu như Paris, Brussel, Nice và Munich…nhiều người dân tại châu Âu bắt đầu cảm thấy lo lắng về sự an toàn của bản thân và họ đã đổ xô đi mua súng hoặc bình xịt hơi cay để phòng thân.

Một cửa hàng bán vũ khí tại Thụy Sĩ (ảnh: Reuters)

Theo Chinanews, tại một số nước như Thụy Sĩ, Áo và CH Séc, số lượng đơn xin cấp phép mua súng đang tăng vọt. Còn tại Đức, tuy chưa xuất hiện tình trạng này nhưng số người xin phép được sở hữu những thiết bị có tính răn đe như súng mô phỏng đã tăng lên gần 50%.

Ông Daniel Wyss, Chủ tịch Hiệp hội các nhà buôn bán súng Thụy Sĩ cho biết: "Không một ai tự nói rằng “Tôi mua súng vì xảy ra các cuộc tấn công ở Nice (Pháp) hay Munich (Đức)” nhưng những vụ tấn công này khiến người ta cảm thấy thiếu an toàn".

Theo một số nhà bán lẻ súng đạn cho biết, ngoài các vụ tấn công khủng bố, làn sóng người tị nạn ồ ạt tràn vào châu Âu gây nên mối lo về mặt an ninh cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân muốn mua súng phòng thân.    

Lý giải cho quyết định mua khẩu súng đầu tiên trong đời, một người đàn ông 55 tuổi ở Thụy Sĩ cho biết, anh mua súng vì cảm giác bất an trước các cuộc tấn công khủng bố và các vụ trộm cắp, cướp giật do những người tị nạn đến từ vùng Maghreb ở Bắc Phi tiến hành liên tiếp xảy ra. Chính vì vậy, anh đã mua súng để phòng thân.

Được biết, việc kiểm soát súng đạn tại châu Âu khá nghiêm ngặt, tỷ lệ người dân sở hữu súng đạn tại châu lục này tương đối thấp.

Tại Mỹ, mỗi 100 người dân có đến hơn 100 khẩu súng. Còn tại Thụy Sĩ, tỷ lệ người dân sở hữu súng chỉ bằng một nửa so với tại Mỹ. Trong khi đó tại Áo, Đức và Pháp, tỷ lệ người dân sở hữu súng còn thấp hơn, chỉ bằng 1/3 so với tại Mỹ.

Từ trước đến nay, chính phủ các nước châu Âu không khuyến khích người dân sở hữu vũ khí. Nhưng kể từ sau vụ một thanh niên 18 tuổi có tiền sử bệnh tâm thần xả súng giết chết 9 người ở thành phố Munich của Đức hồi tháng 7, Tổng thống CH Séc Milos Zeman đã tuyên bố "người dân nên tự trang bị vũ khí cho bản thân để chống lại những kẻ khủng bố".

Trong 5 tháng đầu năm 2016, số lượng người có giấy phép sử dụng súng tại CH Séc đã tăng thêm 6.000 người, lên đến 300.000 người, sau nhiều năm suy giảm trước đó.

Tại Thụy Sĩ, có đến 12 bang trong tổng số 26 bang của quốc gia Tây Âu này ghi nhận số lượng đơn xin cấp phép mua súng trong năm 2015 đã tăng mạnh và xu hướng này tiếp tục trong năm 2016.

Thông thường, người dân tại Thụy Sĩ khi xin cấp phép mua súng phần lớn đều được phê chuẩn ngoại trừ những người từng phạm những tội nghiêm trọng hoặc những người có bệnh tâm thần.

Thụy Sĩ là quốc gia không có quân đội nhưng mỗi người dân đều là một người lính. Tất cả người dân Thụy Sĩ đều là thành viên của lực lượng dân quân có tên là “Quân đội nhân dân” và với lý do này mỗi người dân Thụy Sĩ đều có thể sở hữu súng đạn tại nơi ở của mình nhưng không được mang súng đã được gắn băng đạn khi ra khỏi nhà.

Tuy nhiên, khi mối đe dọa về khủng bố ngày càng gia tăng, nhiều người dân bắt đầu mong muốn nhà chức trách có thể xóa bỏ lệnh cấm mang súng khi đi ra ngoài.