Tên lửa hạt nhân bị rò rỉ nhiên liệu ở Nga
Nhiên liệu tên lửa hạt nhân bị rò rỉ (khói vàng), và lực lượng cứu hộ phun nước xử lý - Ảnh: express-kamchatka.com
Theo trang tin Lenta, tên lửa bị rò rỉ nhiên liệu khi đang bốc dỡ lên bờ để xử lý là loại R-29R (NATO gọi là SS-N-18). Trang tin địa phương Kam24.ru đăng các bức ảnh cho thấy có khói màu vàng bốc lên khi cần cẩu đưa tên lửa lên bờ, sau đó các đơn vị đặc biệt đã phun nước và chất hóa học để xử lý.
Thời gian xảy ra tai nạn vào lúc 18 giờ chiều 20/8 (giờ địa phương). Vilyuchinsk nằm trên vịnh Kolan, nơi bố trí các tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân chiến lược của Nga, loại tàu lớp 667BDR Kalmar (Squib, hay Delta III).
Suốt đêm 20 đến sáng nay 21/8, việc đo lường không khí, nước cho thấy không có hóa chất độc cũng như phóng xạ lan tỏa, theo TASS. Tuy nhiên chính quyền địa phương yêu cầu cư dân đóng các cửa sổ và không rời khỏi nhà, theo Lenta.
Quân đội Nga và Bộ Tình trạng khẩn cấp đã cùng phối hợp xử lý vụ việc và khẳng định cư dân không phải lo ngại về sự cố này và cũng không có chuyện phải sơ tán.
Xử lý tên lửa hạt nhân bị rò rỉ nhiên liệu chiều 20/8 - Ảnh: express-kamchatka.com
Căn cứ tàu ngầm ở Vilyuchinsk, Kamchatka, Nga - Ảnh: Kommersant
Theo fas.org, tên lửa liên lục địa R-29R (SS-N-18) là loại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân phóng từ tàu ngầm, cải tiến từ loại R-29 đầu tiên của Liên Xô (mang 1 đầu đạn hạt nhân). Mỗi tên lửa R-29R có thể mang từ 3 - 7 đầu đạn, tầm bắn từ 6.500 - 8.000 km. Do quy định của Hiệp ước hạn chế tên lửa đạn đạo START-1 giữa Nga và Mỹ, mỗi tên lửa R-29R của Nga chỉ mang khoảng 4 đầu đạn hạt nhân.
Lớp tàu ngầm hạt nhân 667BDR (Delta III) được vũ trang loại tên lửa này (16 quả/tàu). Delta III là lớp tàu ngầm đầu tiên có thể khai hỏa tất cả tên lửa cùng lúc.