Picture of the author
Picture of the author
SGK Sinh Học 12»Di Truyền Học Người»Dùng di truyền học để bảo vệ vốn gen của...

Dùng di truyền học để bảo vệ vốn gen của loài người

Tìm hiểu phương pháp dùng di truyền học để bảo vệ vốn gen của loài người và một số vấn đề xã hội của di truyền học ngắn gọn, đầy đủ, dễ hiểu

Xem thêm

Di truyền học đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ vốn gen của loài người. Nó giúp phát hiện và điều trị các bệnh di truyền, tăng cường kiểm soát di truyền, và nghiên cứu về tiến hóa và bảo tồn di truyền. Tìm hiểu chi tiết hơn, mời các em học sinh tham khảo bài viết dùng di truyền học để bảo vệ vốn gen của loài người sau đây nhé:


1. Bảo vệ vốn gen của loài người 

Gánh nặng di truyền là sự tồn tại trong vốn gen của quần thể người các đột biến gây chết, nửa gây chết… mà khi chúng chuyển sang trạng thái đồng hợp tử → chết hay làm giảm sức sống. Để giảm bớt gánh nặng này cần tiến hành các biện pháp bảo vệ vốn gen của loài người. 

1.1 Tạo môi trường sạch  

Mục đích: Hạn chế các loại tác nhân đột biến, bảo vệ con người.

Phương pháp

  • Bảo vệ môi trường nước, đất, không khí...
  • Sử dụng hợp lí thuốc bảo vệ thực vật, chất diệt cỏ, chất kích thích sinh trưởng...

1.2 Tư vấn di truyền 

Mục đích

  • Tránh sinh ra những con người có khuyết tật di truyền trước khi mang thai. 
  • Phát hiện nguy cơ sinh con có khuyết tật di truyền. 
  • Đưa ra các tiên đoán và cho lời khuyên về khả năng mắc một bệnh di truyền nào đó ở đời con. 
  • Giúp các cặp vợ chồng quyết định có sinh con tiếp hay không? Nếu có thì cần phải làm gì để tránh cho ra đời những trẻ tật nguyền.

Phương pháp

  • Chẩn đoán đúng bệnh. 
  • Xác định bệnh di truyền do đột biến gen trội hay lặn qui định, liên kết giới tính hay không...
  • Tính xác suất sinh ra người con bị bệnh.
  • Đưa ra lời khuyên cho người được tư vấn.
  • Xây dựng phả hệ của người bệnh.
tim-hieu-nhung-phuong-phap-bao-ve-von-gen-cua-loai-nguoi-voh-0
Xây dựng phả hệ của người bệnh 

1.3 Sàng lọc trước sinh

Mục đích

  • Tránh sinh ra những con người có khuyết tật di truyền khi đã có thai.
  • Đối với những người có nguy cơ sinh con bị các khuyết tật di truyền mà vẫn muốn sinh con thì việc làm các xét nghiệm trước sinh để biết xem thai nhi có bị bệnh di truyền nào đó hay không là hết sức cần thiết.
  • Đối với các bệnh không chữa được: cho ngưng thai kì (phá thai) vào lúc thích hợp, giảm thiểu việc sinh ra những trẻ tật nguyền.
  • Đối với bệnh di truyền phân tử làm rối loạn chuyển hoá: việc phát hiện sớm có thể hạn chế tối đa hậu quả xấu của các gen đột biến đối với trẻ. 

Phương pháp

Chẩn đoán trước sinh được tiến hành khi cơ thể còn ở trong bụng mẹ. 2 kĩ thuật phổ biến: 

tim-hieu-nhung-phuong-phap-bao-ve-von-gen-cua-loai-nguoi-voh-1
Phương pháp chọc dò dịch ối 
tim-hieu-nhung-phuong-phap-bao-ve-von-gen-cua-loai-nguoi-voh-2
Phương pháp sinh thiết nhau thai 

1.4 Chương trình kiểm tra trẻ sơ sinh 

Mục đích: Phát hiện sớm các khuyết tật di truyền ở trẻ em khi vừa mới sinh ra để có biện pháp chăm sóc, chữa trị sớm giúp hạn chế tối đa tác động xấu của các khuyết tật di truyền đối với trẻ bị bệnh.

Phương pháp: Đề ra các chương trình để kiểm tra trẻ sơ sinh.

tim-hieu-nhung-phuong-phap-bao-ve-von-gen-cua-loai-nguoi-voh-3
Phương pháp sàng lọc sơ sinh 

1.5 Liệu pháp gen – kĩ thuật của tương lai

Mục đích: Chữa trị bệnh

Phương pháp:

  • Thay thế các gen đột biến gây bệnh bằng các gen lành nhờ công nghệ gen.
  • Tuy nhiên, nếu virut không thể chèn gen lành vào đúng vị trí của gen vốn có trên NST nên có thể gây hư hổng các gen khác.

2. Một số vấn đề xã hội của di truyền học 

2.1 Tác động xã hội của việc giải mã bộ gen người

Việc giải mã bộ gen người ngoài những việc tích cực mà nó đem lại cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề tâm lí xã hội như:

  • Những hiểu biết về hồ sơ di truyền của mỗi cá nhân có cho phép tránh được bệnh tật di truyền hay chỉ đơn thuần thông báo về cái chết sớm có thể xảy ra và không thể tránh khỏi.
  • Hồ sơ di truyền của mỗi người liệu có bị xã hội sử dụng để chống lại chính họ hay không? (xin việc làm, hôn nhân, bảo hiểm…)

2.2 Vấn đề phát sinh do công nghệ gen và công nghệ tế bào

Vấn đề phát sinh do công nghệ gen: Việc ăn các sản phẩm từ sinh vật biến đổi gen liệu có an toàn cho sức khỏe con người và có ảnh hưởng tới hệ gen của người không?

Vấn đề phát sinh do công nghệ tế bào: Liệu con người có sử dụng kỹ thuật nhân bản vô tính để tạo ra người nhân bản hay không?

2.3 Vấn đề di truyền khả năng trí tuệ

Mục đích: Đánh giá khả năng trí tuệ của con người.

Phương pháp: IQ=  (Tuổi khôn (tuổi trí tuệ))/(Tuổi sinh⁡học )×100

Ví dụ:

Trẻ 6 tuổi trả lời được câu hỏi của trẻ 7 tuổi thì:

IQ=  7/6×100 =117

tim-hieu-nhung-phuong-phap-bao-ve-von-gen-cua-loai-nguoi-voh-4
Theo dõi biểu đồ có thể thấy tính di truyền có ảnh hưởng nhất định đến khả năng trí tuệ 

2.4 Di truyền học với bệnh AIDS (Hội chứng suy giảm miễn dịch tập nhiễm)

Bệnh AIDS là bệnh suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể do HIV gây ra.

Quá trình lây nhiễm: Bắt đầu khi HIV xâm nhập vào tế bào người.

→ ARN của HIV → Phân tử ADN virut kép → ADN virut nhân đôi cùng hệ gen người.

→ Tiêu diệt, làm giảm số lượng và chức năng của các tế bào bạch cầu, đại thực bào...

→ Cơ thể mất khả năng miễn dịch. 

→ Các vi sinh vật khác lợi dụng lúc cơ thể suy giảm miễn dịch để tấn công.

→ Cái chết.

3. Một số câu hỏi trắc nghiệm

Câu 1: Phương pháp nghiên cứu phả hệ là 

  1. Nghiên cứu những dị tật và những bệnh di truyền bẩm sinh liên quan tới các đột biến nhiễm sắc thể. 
  2. Nghiên cứu ảnh hưởng của môi trường đối với một kiểu gen đồng nhất. 
  3. Nghiên cứu những dị tật và những bệnh di truyền bẩm sinh liên quan tới các đột biến gen. 
  4. Theo dõi sự di truyền của một tính trạng nhất định trên những người thuộc cùng một dòng họ qua nhiều thế hệ. 
ĐÁP ÁN

D  

Câu 2: Biện pháp nào sau đây không được sử dụng để bảo vệ vốn gen của loài người? 

  1. Tư vấn di truyền và sàng lọc trước sinh. 
  2. Tăng cường sử dụng thuốc hoá học (thuốc trừ sâu, diệt cỏ) trong sản xuất nông nghiệp. 
  3. Tạo môi trường sạch nhằm hạn chế các tác nhân đột biến. 
  4. Liệu pháp gen.
ĐÁP ÁN

Câu 3: Chỉ số IQ là một chỉ số đánh giá 

  1. số lượng nơron trong não bộ của con người.     
  2. sự trưởng thành của con người. 
  3. chất lượng não bộ của con người.     
  4. sự di truyền khả năng trí tuệ của con người.
ĐÁP ÁN

D  

Câu 4: Hiện nay, liệu pháp gen đang được các nhà khoa học nghiên cứu để ứng dụng trong việc chữa trị các bệnh di truyền ở người, đó là 

  1. Đưa các prôtêin ức chế vào trong cơ thể người để các prôtêin này ức chế hoạt động của gen gây bệnh. 
  2. Thay thế các gen đột biến gây bệnh trong cơ thể người bằng các gen lành. 
  3. Loại bỏ ra khỏi cơ thể người bệnh các sản phẩm dịch mã của gen gây bệnh. 
  4. Gây đột biến để biến đổi các gen gây bệnh trong cơ thể người thành các gen lành. 
ĐÁP ÁN

B  

Câu 5: Phương pháp không được áp dụng trong nghiên cứu di truyền người là 

  1. Lai và gây đột biến.       
  2. Nghiên cứu tế bào. 
  3. Nghiên cứu trẻ đồng sinh     
  4. Nghiên cứu phả hệ. 
ĐÁP ÁN

Câu 6: Có thể phát hiện hội chứng 3X ở người bằng phương pháp 

  1. Nghiên cứu người đồng sinh cùng trứng.     
  2. Nghiên cứu phả hệ. 
  3. Nghiên cứu tế bào (di truyền tế bào).         
  4. Nghiên cứu người đồng sinh khác trứng.
ĐÁP ÁN

C

Câu 7: Khi nói về xét nghiệm trước sinh ở người, phát biểu nào sau đây không đúng?

  1. Xét nghiệm trước sinh là những xét nghiệm để biết xem thai nhi có bị bệnh di truyền nào đó hay không
  2. Xét nghiệm trước sinh đặc biệt hữu ích đối với một số bệnh di tuyền phân tử làm rối loạn quá trình chuyển hóa trong cơ thể
  3. Xét nghiệm trước sinh được thực hiện bằng hai kĩ thuật phổ biến là chọc dò dịch ối và sinh thiết tua nhau thai.
  4. Xét nghiệm trước sinh nhằm mục đích chủ yếu là xác định tình trạng sức khỏe của người mẹ trước khi sinh con.
ĐÁP ÁN

A  

Hy vọng bài viết này đã cung cấp thông tin hữu ích cho các em học sinh về chuyên đề dùng di truyền học để bảo vệ vốn gen của loài người. Chúc các em học tập tốt. 


Giáo viên biên soạn: Lê Thị Xuân

Đơn vị: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến

Tác giả: VOH

Di truyền y học là gì? Các ứng dụng của kiến thức di truyền y học