Bình luận: ASIAD 18 - Hãy quyết đoán bởi thời gian không chờ đợi

(VOH) - Phiên giải trình của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội mới đây - tập trung vào việc đăng cai ASIAD 18 năm 2019 nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Một trong những vấn đề nóng nhất được đặt ra là việc tổ chức ASIAD 18 với tổng chi phí dự kiến 150 triệu USD - khoảng hơn 3.100 tỉ đồng - là không khả thi nếu không muốn nói là ảo tưởng.
Kinh phí để tổ chức Asiad 18 là vấn đề khiến chủ nhà Việt Nam lo lắng (Ảnh: Dân trí)

Theo Bộ Tài chính, ngân sách nhà nước phải bảo đảm kinh phí dự trù tổ chức ASIAD 18 là rất lớn, không phải 3.100 tỷ mà thậm chí còn lớn hơn nhiều so với con số 5.500 tỷ mà mới đây Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xác định lại, dựa trên giá cả thực tế. Tổ chức ASIAD ngoài tốn kém chi phí xây dựng cơ bản còn phải tính đến chi phí duy tu bảo dưỡng các cơ sở vật chất hiện có và cả chi phí đầu tư cho lực lượng phục vụ lẫn chi phí đào tạo huấn luyện viên, vận động viên tham dự.

Chính vì sau khi cân, đong, đo, đếm cho bản khái toán, dự toán chi phí tổ chức nên không ít ý kiến bày tỏ sự nghi ngại. Luồng dư luận không ủng hộ thì suy diễn nhiều điều như: quá tốn kém, thiếu hiệu quả, chưa cần thiết… Lại có người còn liên hệ một cách khiên cưỡng theo kiểu: phần kinh phí đội lên có thể xây dựng rất nhiều cây cầu, nhiều trường học, tổ chức nhiều bữa “cơm có thịt”… để rồi kiến nghị nhà nước nên rút lại quyền đăng cai tổ chức ASIAD và chấp nhận chịu phạt nặng.

Ngược với luồng dư luận phản bác, về phía hàng triệu cán bộ viên chức ngành thể dục thể thao và các huấn luyện viên, vận động viên thì bày tỏ sự thất vọng nếu như cơ hội đưa thể thao Việt Nam ra biển lớn bị từ chối chỉ vì vấn đề “tiếc của”. Đến năm 2019 mà chưa dám đưa thể thao Việt Nam lần đầu tiên ra đấu trường châu lục trên tư thế “nước đăng cai” thì phải đợi đến bao giờ?

Vấn đề đặt ra là có nên tiếp tục theo “lao” hay dừng cuộc chơi chịu phạt nặng? Đây là vấn đề thuộc tầm vĩ mô, song theo suy nghĩ của chúng tôi thì trước một quyết định quan trọng, cơ quan chức năng cần hết sức cân nhắc, nên xét tới những mối quan hệ hài hòa và tầm nhìn tương lai.

Á vận hội lần thứ 18 là đại hội thể thao tầm cỡ châu lục. Khó khăn rất nhiều, song cũng không thể phủ nhận đây là cơ hội để quảng bá, giới thiệu hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, là tiền đề phát triển thể dục thể thao, nâng cao tầm vóc đất nước và dân tộc Việt Nam. Không thể xem hoạt động phát triển thể dục thể thao như hoạt động của một công ty, tập đoàn  kinh doanh và cũng không nên đánh giá lợi ích mà sự phát triển thể dục thể thao đem lại cho người dân theo kiểu cân, đong, đo, đếm để rồi quên tính đến lợi ích sức khỏe, tinh thần, niềm tự hào, chỉ số hạnh phúc…

Thiết nghĩ, điều cần quan tâm nhất hiện nay là phải nỗ lực, tính toán khoa học, hợp lý nhất về kinh phí đầu tư và có sự chuẩn bị chu đáo nhất trong điều kiện có thể khi đăng cai ASIAD 2019. Thấy khó rồi bỏ ngang, chịu phạt thì còn gì là uy tín, thể diện quốc gia.

Nếu lo ngại phát sinh chi phí duy tu, bảo dưỡng, đào tạo, huấn luyện thì hãy nhớ rằng, cho dù không đăng cai ASIAD, chúng ta vẫn phải bỏ tiền duy tu, bảo dưỡng và nâng cấp cơ sở vật chất hiện có. Không đăng cai ASIAD, chúng ta vẫn phải đào tạo vận động viên. Có đầu tư thì thể thao Việt Nam mới vươn cao, vươn xa như mong mỏi của người dân. Còn nhớ xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic London 2012, khi anh xếp hạng 4 chung cuộc, chỉ kém người giành HCĐ 0,1 điểm. Chênh lệch tưởng như không đáng kể đó thật ra lại là một khoảng cách lớn về đầu tư, khi xạ thủ Việt Nam trong suốt quá trình tập luyện chỉ bắn bia giấy, còn các đối thủ thì tập bắn bia điện tử

Vậy nên đầu tư là chuyện phải làm. Phấn đấu đưa thể thao nước nhà lên tầm châu lục là mục tiêu cấp thiết. Myanmar còn nghèo, nhưng qua Sea Games 27 há chẳng phải họ đã giới thiệu một hình ảnh đẹp với bạn bè khu vực và thế giới đó sao? Ba Lan và Ukraina còn nghèo, nhưng qua Euro 2012, họ đã chứng tỏ, một quốc gia nghèo vẫn có thể tổ chức thành công những ngày hội thể thao tầm cỡ. Khi đã nhận lời đăng cai ASIAD 18, hãy dũng cảm đối mặt khó khăn và tập trung toàn lực nắm bắt sự kiện này như một cơ hội tốt để tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá đất nước, con người Việt Nam. ASIAD không phải ao làng và đăng cai tổ chức vận hội này không chỉ dành hay mang đến lợi ích chỉ cho riêng ngành thể dục thể thao.

Hãy quyết đoán bởi thời gian không chờ đợi…