Bước thụt lùi đối với hệ thống ổn định chiến lược toàn cầu

(VOH) - Cả thế giới lại tiếp tục bị bất ngờ trước ý định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc rút khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung...

Cả thế giới lại tiếp tục bị bất ngờ trước ý định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc rút khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung, còn gọi là Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm ngắn và tầm trung được lãnh đạo Liên Xô và Mỹ ký năm 1987, vốn được coi là biểu tượng dẫn tới việc chấm dứt kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh. Hiệp ước này cũng được coi là “chiếc van” hạt nhân, nhằm ngăn chặn 2 cường quốc hạt nhân là Mỹ và Nga chạy đua vũ khí hạt nhân. Giới phân tích đánh giá động thái của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đặt thế giới vào một vòng xoáy nguy hiểm mới.

Nghe bài viết:

Tổng thống Mỹ Donald Trump, Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung

Tổng thống Trump ngày 20/10 xác nhận với báo chí Mỹ sẽ rút khỏi hiệp ước hạt nhân ký với Nga năm 1987. Ảnh: Reuters.

“Chúng ta sẽ chấm dứt và rút khỏi thỏa thuận”, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố như vậy sau một cuộc vận động cử tri tại bang Nevada ngày 20/10. Tổng thống Mỹ Donald Trump còn cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận và đó là lý do ông muốn rút khỏi Hiệp ước. Tuy nhiên, phía Nga khẳng định luôn tuân thủ nghiêm chỉnh hiệp ước và cáo buộc chính Mỹ mới là bên vi phạm.

Cựu lãnh đạo Liên Xô ông M.S.Gorbachev, người đã đặt bút ký vào Hiệp ước về các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung với cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan hơn 30 năm trước, nhận định rằng quyết định của Tổng thống Donald Trump là một “sai lầm” và là quyết định chưa được cân nhắc thấu đáo. 

Thông báo của nhà lãnh đạo Mỹ không chỉ gây ra những phản ứng dữ dội từ Nga mà còn tạo ra những nghi ngại đối với nhiều đồng minh của Mỹ ở châu Âu, nơi từng xem hiệp ước như "lá bùa" ngăn chặn những cuộc đối đầu hạt nhân gây hậu quả thảm khốc. Nhiều nhà quan sát cho rằng, viễn cảnh một cuộc đối đầu hạt nhân nguy hiểm giữa Mỹ và Nga đang tái hiện với tuyên bố rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) của Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Hiệp ước về các Lực lượng Hạt nhân tầm trung INF được ký kết ngày 8/12/1987, yêu cầu cả 2 nước Nga và Mỹ cùng loại bỏ các loại vũ khí hạt nhân tầm ngắn và tầm trung (tức là từ 500 đến 5.500 km). Trong đó tên lửa tầm trung có thể thực hiện đòn tấn công hạt nhân mang tính hủy diệt trên toàn lãnh thổ châu Âu trong thời gian chỉ chưa đầy 6 phút, khiến quốc gia bị tấn công gần như không có cơ hội đáp trả. Từ khi hiệp ước có hiệu lực tháng 6/1988 đến tháng 6/1991, Liên Xô đã thủ tiêu 1.846 tên lửa và Mỹ thủ tiêu 846 tên lửa. Đây được xem là một trong những bước tiến lịch sử giúp ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang trong thời Chiến tranh Lạnh, chấm dứt thế đối đầu hạt nhân nhiều rủi ro giữa Mỹ và Liên Xô tại châu Âu. Mặc dù Hiệp ước chỉ có 5 thành viên song kể từ sau khi cuộc Chiến tranh Lạnh kết thúc,nhiều quốc gia châu Âu như Đức, Hungary, Ba Lan và Cộng hòa Séc đã phá hủy các tên lửa tầm trung của mình vào những năm 1990 và Slovakia là vào tháng 10-2000. Ngày 31-5-2002, Bun-ga-ri, nước ở hữu tên lửa tầm trung cuối cùng ở Đông Âu cũng đã ký một thỏa thuận với Mỹ và phá hủy những tên lửa có liên quan. 

Trong những năm gần đây, Mỹ và Nga liên tục tố cáo nhau vi phạm Hiệp ước. Năm 2014, Mỹ cáo buộc Nga đã phát triển hệ thống tên lửa 9M729, mà phương Tây gọi là SSC-8, được cho là hệ thống cải tiến từ các tên lửa hành trình Kalibr, có thể gắn đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân và có tầm bắn tới 2.600 km. Tuy nhiên, phía Nga tuyên bố loại tên lửa này hoàn toàn đáp ứng các quy định của Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân tầm trung, đồng thời tố cáo chính Mỹ đã vi phạm Hiệp ước khi triển khai hệ thống lá chắn tên lửa tại Rumani.

Mặc dù liên tục cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung thế nhưng việc rút khỏi Hiệp ước như tuyên bố của Tổng thống Donald Trump đang làm mọi việc trở nên phức tạp hơn nhiều, đồng thời gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế. Bởi hệ quả của nó rất nghiêm trọng đối với hòa bình, ổn định và an ninh chính trị quốc tế.

Kể từ khi nhậm chức, đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra quyết định rút khỏi một thỏa thuận quốc tế. Lần này thỏa thuận ấy nhắm vào Nga. Xét về thời điểm và bối cảnh chính trị Mỹ hiện nay có thể đề cập 3 nguyên nhân khiến Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung nhằm ngăn chặn nguy cơ đối đầu hạt nhân. Thứ nhất, ông Trump đưa ra tuyên bố trong một vận động cử tri ở bang Nevada trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào đầu tháng 11 tới. Vì thế có thể xem đây cách là ông Trump lấy lòng dư luận để tranh thủ lá phiếu của những cử tri luôn ủng hộ quan điểm cứng rắn với Nga. Thứ hai, tuyên bố rút khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung lần này phù hợp với chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump. Đó là việc phá bỏ những thỏa thuận cũ để đàm phán một “thỏa thuận tốt hơn” và có lợi cho Mỹ. Theo các nhà phân tích, không loại trừ khả năng sau khi rút ra khỏi Hiệp ước với Nga, ông Trump sẽ đề nghị đàm phán lại để có một thỏa thuận toàn diện hơn, tương tự như những cuộc đàm phán thương mại mà chính quyền của ông đang tiến hành. Thứ ba, bước đi này không chỉ nhắm vào Nga mà còn có thể bao gồm cả Trung Quốc, nước sở hữu nhiều tên lửa hành trình có thể mang đầu đạn hạt nhân nhưng chưa có bất cứ thỏa thuận kiểm soát vũ khí tương tự nào với Mỹ. Việc bị ràng buộc bởi Hiệp ước khiến Mỹ không thể triển khai tên lửa đạn đạo trên đất liền ở khu vực Thái Bình Dương, đặt Mỹ vào thế bất lợi so với Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ nào thì quyết định vừa qua của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng được cho là “rất nguy hiểm” và tiềm ẩn quá nhiều rủi ro. Trước hết, nó có thể kích hoạt một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trên quy mô toàn cầu. Không chỉ Mỹ và Nga cùng tự do phát triển các loại vũ khí hạt nhân mà nhiều nước khác đặc biệt là các đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng “tăng tốc” trong cuộc đua này với lý do tự bảo vệ mình khi họ là những nước có thể bị Nga tấn công phủ đầu trong thời gian ngắn.

Trong bối cảnh toàn thế giới đang nỗ lực hướng tới một môi trường ổn định, an ninh và an toàn trên cơ sở hợp tác và đối thoại, việc Mỹ tiếp tục rút khỏi một văn kiện kiểm soát vũ khí quan trọng như Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung được xem là bước thụt lùi đối với hệ thống ổn định chiến lược toàn cầu. Trong khi đó, liên hệ hồ sơ hạt nhân Iran và Triều Tiên hiện nay, giới phân tích cho rằng quyết định của Tổng thống Trump có thể “hủy hoại uy tín của Mỹ trên bàn đàm phán” với cả Iran và Triều Tiên. 

Một kịch bản nữa cũng không kém phần nghiêm trọng là khả năng Mỹ sẽ không gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3), vốn sẽ hết hạn vào năm 2021. Như vậy, nếu cả START mới lẫn Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung đều bị loại bỏ, điều này sẽ đặt thế giới gần như vào tình huống đối đầu chiến lược giữa hai cường quốc hạt nhân như từng xảy ra đầu những năm 1970.

Về quan hệ song phương Nga – Mỹ, quyết định vừa rồi chẳng khác nào “lửa đổ thêm dầu” khiến quan hệ hai bên vốn tồn tại đầy nghi kỵ và bất đồng sẽ ngày càng xấu đi. Một chi tiết đáng chú ý là Cố vấn cấp cao Mỹ John Bolton - người được cho là đã thuyết phục Tổng thống Trump rút khỏi Hiệp ước lực lượng tên lửa tầm trung – vừa có chuyến thăm Nga. Hiện chưa rõ các bên sẽ bàn thảo những gì liên quan đến Hiệp ước mà phía Mỹ vừa tuyên bố sẽ rút khỏi, liệu có bất kỳ cuộc mặc cả hoặc thương lượng nào về vấn đề đó hay không. Giới phân tích kỳ vọng tuyên bố rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung của Tổng thống Trump chỉ là lời đe dọa đối với Nga hoặc một vài bên khác chứ không phải là một quyết định mang tính pháp lý. Bởi dù sao đi nữa thì cả Mỹ và Nga đều chịu trách nhiệm chính trong việc duy trì sự ổn định chiến lược toàn cầu, và bất kỳ bước đi thiếu cân nhắc nào cũng có thể gây hậu quả khó lường.