Con đường mịt mờ?

(VOH) - Với 327 phiếu ủng hộ so với 299 phiếu chống, Hạ viện Anh đã chính thức bỏ phiếu thông qua dự luật ngăn chặn kịch bản Brexit không thoả thuận...

Đồng thời, cũng bỏ phiếu bác bỏ yêu cầu tổng tuyển cử sớm vào ngày 15/10 của Thủ tướng Anh Boris Johnson. Diễn biễn vừa nêu đã đẩy chính trường Anh vào một “mớ bòng bong” không lối thoát.

Sau nhiều giờ tranh luận căng thẳng và qua ba vòng bỏ phiếu, dự luật về việc ngăn chặn Brexit không thoả thuận đã chính thức được các nghị sĩ Anh bỏ phiếu thông qua trong tối ngày 4/9, theo giờ London, với 327 phiếu thuận so với 299 phiếu chống. Ngay trong ngày hôm qua, 5/9, dự luật đã được chuyển lên Thượng viện Anh để xem xét bỏ phiếu.

Nội dung chính của dự luật này là yêu cầu chính phủ Anh phải đề nghị với EU gia hạn Brexit đến ngày 31/01/2020 nếu từ nay đến hội nghị Thượng đỉnh EU vào ngày 17/10/2019 mà không đạt được thoả thuận Brexit mới.Việc dự luật này được bỏ phiếu thông qua đã được dự đoán từ trước sau khi trong tối ngày 3/9, chính phủ Anh thất bại trong việc ngăn cản các nghị sĩ Anh đồng ý tiến hành bỏ phiếu cho dự luật này, đồng thời chính phủ liên minh của đảng Bảo thủ cũng đã đánh mất đa số tại Hạ viện sau việc loại bỏ 21 nghị sĩ chống đối trong đảng.

Hiện ông Johnson vẫn kiên định lập trường không đề nghị EU trì hoãn Brexit, và nước Anh sẽ rời "ngôi nhà chung" vào ngày 31/10. Ảnh: thecommonwealth

Phát biểu ngay sau khi dự luật chống Brexit không thoả thuận được Hạ viện thông qua, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố, điều này đồng nghĩa với việc chấm dứt mọi đàm phán với EU và trao cho phía châu Âu quyền kiểm soát. Ông Johnson cũng nêu lại yêu cầu tổ chức tuyển cử trước thời hạn vào ngày 15/10 và khẳng định nếu sau ngày đó ông vẫn là Thủ tướng Anh thì nước Anh sẽ rời EU vào ngày 31/10 trong mọi trường hợp. Ông Boris Johnson cũng yêu cầu các đảng đối lập trả lời cầu hỏi có ủng hộ hay không việc tuyển cử trước thời hạn. Lãnh đạo Công đảng, đảng Dân chủ-tự do (Lib-Dem) và đảng Dân tộc Scotland đều tuyên bố, họ sẽ chỉ bỏ phiếu ủng hộ tuyển cử sớm một khi dự luật ngăn Brexit không thoả thuận chính thức có hiệu lực.

Trong phiên bỏ phiếu ngay sau đó, với 298 phiếu chống so với chỉ 56 phiếu thuận, Hạ viện Anh đã bác bỏ yêu cầu của ông Boris Johnson về việc tổ chức tuyển cử sớm vào ngày 15/10.

Điểm mấu chốt hiện nay là dự luật vừa được Hạ viện Anh bỏ phiếu ủng hộ chưa chắc đã kịp thông qua tại Thượng viện Anh do quy trình thẩm định và tranh luận kéo dài tại Thượng viện. Đồng thời, lãnh đạo Công đảng đối lập, ông Jeremy Corbyn cũng chỉ trích phía đảng Bảo thủ là cố tình sắp xếp lịch trình thảo luận tới 92 dự luật Thượng viện Anh để trì hoãn việc dự luật ngăn Brexit không thoả thuận sớm được Thượng viện thông qua. Trên lý thuyết, do đảng Bảo thủ không chiếm đa số tại Thượng viện Anh nên dự luật này sẽ được thông qua, nhưng việc này cần phải hoàn thành trước 17h chiều, giờ địa phương, ngày 6/9, trước khi Nghị viện Anh nghỉ cuối tuần và tiếp đến là bị tạm thời đóng cửa trong 5 tuần, kể từ ngày 10/9.

Với những gì đang diễn ra hiện nay, tiến trình Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) vốn đã qua quá nhiều khúc quanh với 2 lần gia hạn dường như vẫn chưa thể đi đến hồi kết và sẽ tiếp tục gây chia rẽ sâu sắc. Gần nửa năm trôi qua kể từ thời hạn đầu tiên lẽ ra nước Anh "chia tay" EU (ngày 29/3/2019) và khi thời hạn lần thứ ba (ngày 31/10) đang đến gần với viễn cảnh Brexit không thỏa thuận tăng cao hơn bao giờ hết, việc Hạ viện Anh lại tiếp tục thông qua một dự luật yêu cầu Thủ tướng Boris Johnson đề nghị EU thêm lần nữa gia hạn Brexit đến 31/01/2020 cho thấy một sự bế tắc toàn diện của tiến trình Brexit và chính trường Anh.

Xin nhắc lại rằng "mầm mống" của những căng thẳng trên chính trường Anh mà đỉnh điểm là "cuộc đối đầu" giữa hạ viện với chính phủ của Thủ tướng Johnson đã xuất hiện từ khi ông quyết định đình chỉ hoạt động của cơ quan lập pháp trong 5 tuần lễ, từ tuần thứ hai của tháng 9 cho đến ngày 14/10, hành động bị chỉ trích là "phi dân chủ" và bị cho là hạn chế tối đa thời gian của các nghị sĩ để có thể phản đối một “Brexit cứng” mà ông Johnson mong muốn. Điểm đáng chú ý là dù trước đó Thủ tướng Johnson đã đe dọa sẽ trục xuất ra khỏi đảng tất cả các nghị sỹ Bảo thủ “nổi loạn” bỏ phiếu ủng hộ đề nghị của phe đối lập, nhưng vẫn có đến 21 nghị sỹ Bảo thủ đứng về phía bên kia chiến tuyến, trong đó có nhiều nghị sỹ kỳ cựu, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond, hay nghị sỹ Nicholas Soames, cháu nội của cố Thủ tướng Anh Winston Churchill, người là thần tượng của ông Johnson. Với việc 21 nghị sĩ “nổi loạn” đã bị ông Johnson khai trừ khỏi đảng và trước đó nghị sĩ Phillip Lee rời bỏ đảng Bảo thủ để sang đảng Tự do Dân chủ, chính phủ của Thủ tướng Johnson không còn nắm sự ủng hộ đa số ở hạ viện, nên việc dự luật ngăn chặn "Brexit cứng" được thông qua là điều không quá bất ngờ.

 Hiện nay, ý định của Thủ tướng Johnson khởi động một cuộc bầu cử sớm trước khi dự luật ngăn chặn Brexit không thỏa thuận đến tay Nữ hoàng Anh phê chuẩn, được xem là cách duy nhất để ông có thể tìm lại được thế ủng hộ đa số tại hạ viện và sau đó đến Brussels tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 17 và 18/10 nhằm đạt được một thỏa thuận tốt hơn hoặc thực hiện "Brexit cứng", nếu không thể đạt được một thỏa thuận mới. Tuy nhiên, một lần nữa Thủ tướng Johnson lại bị hạ viện "đánh bại" với kết quả cuộc bầu cử thất bại vào sáng 5/9.

Những diễn biến mới này đang làm rối ren thêm "mớ bòng bong" Brexit. Tới thời điểm này, nước Anh dường như lại đứng giữa "ngã tư đường" mà mọi hướng đều đang bị "màn sương mù" phủ kín không rõ sẽ dẫn tới đâu. Dự luật ngăn chặn "Brexit cứng" của hạ viện, để thành luật và có tính bắt buộc đối với Thủ tướng Johnson, còn phải được thượng viện thông qua và sau đó là Nữ hoàng Anh phê chuẩn.

Hiện ông Johnson vẫn kiên định lập trường không đề nghị EU trì hoãn Brexit, và nước Anh sẽ rời "ngôi nhà chung" vào ngày 31/10. Những diễn biến trên cho thấy Thủ tướng Anh Johnson khó có thể thực hiện được kế hoạch Brexit của mình với quốc hội hiện tại, nhưng ông cũng không dễ để thực hiện một cuộc tổng tuyển cử sớm và nếu có một cuộc bầu cử sớm thì ông cũng không chắc đã giành được một sự ủy nhiệm chính thức đa số để có thể thực hiện việc đưa nước Anh ra khỏi EU. Tất cả hiện là một con đường mịt mờ đối với nước Anh.