Để Nghị quyết 29 Hội nghị TƯ 8 Khóa 11 đi vào thực chất

(VOH) - Hiện nay cả nước đang khẩn trương học tập và triển khai thực hiện Nghị quyết 29 Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI - về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Điểm mới trong triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Đảng lần này là chúng ta vừa triển khai học tập vừa tổ chức thực hiện ngay những việc có thể làm. Đó là việc Bộ GD-DT được sự đồng ý của Chính phủ đã quyết định đổi mới trong thi tốt nghiệp phổ thông trung học và đang khẩn trương hoàn thiện kế hoạch tuyển sinh Đại học Cao đẳng năm học 2014-2015 với xu thế tạo điều kiện tự chủ cho các trường.

Mới đây ngày 25/02, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phiên họp lần thứ 2 Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2011-2015 đã họp, tập trung thảo luận 3 nội dung lớn là Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29; Thành lập Ủy ban đổi mới GD-ĐT và đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.

Ai cũng biết truyền thống dân tộc ta là ham học, xã hội luôn khuyến học. Hiện nay, dù đất nước còn khó khăn nhưng chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo đạt mức 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh hệ thống giáo dục và đào tạo ngoài công lập góp phần đáng kể vào phát triển giáo dục và đào tạo chung của toàn xã hội. Công tác quản lý giáo dục và đào tạo có bước chuyển biến nhất định.

Tuy nhiên, chúng ta không hài lòng, cả xã hội không an tâm khi chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học và dạy nghề. Hệ thống giáo dục và đào tạo thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động, chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc; phương  pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất, đặc biệt là tiêu cực mua bán văn bằng học vị.

Nền giáo dục Việt Nam, cả hình thức lẫn nội dung, quá nặng về tính chất “biểu kiến”, nghĩa là dày bề mặt mà mỏng chiều sâu nên không đáp ứng được nhu cầu phát triển và ứng dụng tri thức vào những vấn đề quốc kế dân sinh của toàn đất nước trong thời đại kinh tế thị trường và toàn cầu hóa hiện nay.

Những nguyên lý giáo dục đề ra để đối phó cấp thời với hoàn cảnh chiến tranh và tình trạng sản xuất tập thể, kinh tế bao cấp trong quá khứ – vô hình chung – vẫn còn tạo ra sức ì lớn. Do đó, chức năng sáng tạo và chủ động là xương sống của tinh thần giáo dục lành mạnh không có điều kiện phát huy. Hệ quả khó tránh khỏi là hiện tượng học từ chương, suy tôn bằng cấp, trí thức theo đuôi và tốt nghiệp thiếu khả năng ứng dụng nên không được sử dụng đúng mức.

Với nhiệm vụ dân trí - nhân lực - nhân tài, thực chất nền giáo dục của chúng ta cho dù đã có tuổi đời hơn 60 năm, với diện mạo một hệ thống giáo dục trải khắp nước, mới đáp ứng nhiệm vụ dân trí, nhưng lại không đạt hiệu quả trong xây dựng nhân cách, đạo đức và năng lực công dân, nói cách khác, là dạy người cũng như phát triển nguồn lực con người cho xã hội.

Đổi mới toàn diện giáo dục là cải cách hệ thống giáo dục, phải can đảm loại bỏ và sửa đổi tất cả những gì còn vướng mắc để giải quyết nhằm khắc phục những ưu tư và canh tân để đề ra những phương thức đúng đắn nhằm đạt những mong muốn rất cơ bản. Khuynh hướng đổi mới toàn diện giáo dục Việt Nam là một nhu cầu cấp thiết của đất nước trước những thách thức thời đại và yêu cầu chính đáng mang tính quyết định cho tương lai dân tộc.

Nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm phát huy những ưu điểm của nền giáo dục hiện nay, nhanh chóng khắc phục những yếu kém, cần đặc biệt chú ý dạy chữ đi đôi với dạy người. Quá trình thực hiện cần phát huy tính sáng tạo của mỗi cán bộ, giáo viên.

Công tác chỉ đạo ở một số cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục vẫn còn chậm đổi mới; các tiêu cực trong giáo dục vẫn còn gây bức xúc ở một số nơi; cơ sở vật chất, thiết bị trường học vẫn còn thiếu thốn, lạc hậu.

Để giải quyết tất cả những bất cập nêu trên, cần phải đổi mới mạnh mẽ nhận thức, tư duy và nhất là công tác quản lý giáo dục ở tất cả các cấp, các ngành, từ TƯ tới cơ sở ,trong đó yếu tố đời sống của những người làm công tác giáo dục phải được quan tâm đặc biệt.

Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng nhưng người gánh trọng trách lớn lao lại thuộc về những người thầy. Để dạy tốt, đào tạo được những con người mới, có tài năng, trí tuệ, phẩm chất thì thầy cũng phải luôn cố gắng, nỗ lực vươn lên, không ngừng tìm tòi, sáng tạo.

Với người thầy, chữ tâm, chữ tài phải được đặt lên hàng đầu. Trong thư gửi anh chị em giáo viên Bình dân học vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngợi ca: “Anh chị em là những người vô danh anh hùng. Tuy là vô danh nhưng rất hữu ích, một phần tương lai nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em”. Những con người “vô danh anh hùng” ấy đã góp công góp sức mình cho sự phát triển, trường tồn của đất nước, đem trí tuệ gieo vào tâm hồn, suy nghĩ của thế hệ trẻ, để mai này lớn khôn các em sẽ trở thành những nhà khoa học, những cán bộ giỏi, những công dân có phẩm chất, tài năng, đóng góp vào sự phát triển, phồn vinh của đất nước. Sức mạnh của giáo dục có thể làm nên nhiều điều kỳ diệu, tạo ra những thay đổi lớn, tác động tích cực tới con người và xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Muốn phát triển văn hóa thì phải cần thầy giáo... nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục”. Vai trò vị trí người THẦY nói riêng và người làm công tác giáo dục nói chung quá lớn quá nặng nề trong đổi mới toàn diện giáo dục.

Để Nghị quyết 29 Khóa 11 trở thành hiện thực và phải là hiện thực trong tình hình hiện nay, Nhà nước cần phải có chính sách, chế độ đãi ngộ đặc biệt, cụ thể dành cho người THẦY, cộng đồng, xã hội “trải thảm” trân trọng mời gọi người THẦY từ khắp nơi để họ an tâm tin tưởng toàn tâm toàn trí cho sự nghiệp TRỒNG NGƯỜI.