Du lịch Việt bao giờ “cất cánh”?

(VOH) - Câu hỏi ấy được dư luận thường xuyên đặt ra trong thời gian qua, nhưng đến nay vẫn chưa có lời đáp.

Ai cũng nói nước ta giàu tiềm năng để phát triển du lịch với một bờ biển trải dài cùng vô số các danh lam, thắng cảnh, là niềm mơ ước của ngành du lịch bất cứ nước nào. Thế nhưng, suốt những năm qua, người ta vẫn mãi loay hoay với những lợi thế ấy mà không thể bứt phá để đạt được kết quả tương xứng với tiềm năng.

Thành phố Đà Lạt dịp Festival hoa. Ảnh: Dân trí

Nguyên nhân thì đã được nhận diện khá nhiều, nhưng điều có thể thấy ngay đó là cơ sở hạ tầng còn thấp kém, khâu xúc tiến du lịch chưa tốt, tình trạng “chặt chém” và sự bát nháo, cạnh tranh không lành mạnh còn phổ biến, khiến cho khách du lịch cảm thấy bất an và không được coi trọng. Hệ quả tất yếu là du khách một đi không trở lại...

Như kỳ nghỉ Tết Tây kéo dài 3 ngày vừa qua, một du khách ăn tại chợ Đà Lạt bị tính giá 1 triệu đồng cho 3 tô cháo và một đĩa lòng gà, chỉ đến khi bị dọa kêu cơ quan chức năng can thiệp thì chủ quán mới nói đúng giá là... 200.000 đồng!

Còn tại Vũng Tàu, một người bán hàng rong “thẳng tay” đưa ra hóa đơn hơn 2 triệu đồng cho vài món hải sản mà nếu tính đúng giá cũng chỉ khoảng 200.000 đồng, khi khách phản ứng thì liền bị hăm dọa cho…“ăn đòn”.

Chưa kể lợi dụng cao điểm mùa du lịch lễ tết, các khách sạn nâng giá phòng cao gấp 2 đến 3 lần ngày thường, 1 phòng nghỉ lẽ ra chỉ 400.000 đồng nay được tính hơn 1 triệu đồng 1 ngày. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở những địa danh du lịch nổi tiếng như Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc... Chưa hết, không ít nơi xảy ra tình trạng du khách bị hành hung bởi dám phàn nàn về dịch vụ không tương xứng với số tiền họ bỏ ra.

Thử hỏi, với cung cách làm ăn như vậy thì biết bao giờ du lịch Việt Nam mới phát triển. Không ai bỏ tiền ra để mua một dịch vụ yếu kém, không an toàn và thậm chí có tính chất côn đồ.

Một dịch vụ, sản phẩm nào đó khi nâng giá thì phải đi đôi với chất lượng tương xứng, đó là sự công bằng và là đòi hỏi chính đáng của bất kỳ ai. Thái độ ứng xử thiếu văn minh sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến ấn tượng và niềm tin của du khách.

Khi bị khách du lịch quay lưng, thì chính địa phương và con người nơi đó chịu thiệt, hụt nguồn thu, đời sống của người dân khó khăn, kinh doanh buôn bán ế ẩm. Và trên hết là hình ảnh của địa phương đó sẽ trở nên “xấu xí”, thiếu thiện cảm trong mắt của khách viếng thăm.

Khách du lịch quốc tế tại VN. Ảnh: dulichvietnam

Nhìn thẳng vào sự thật để thấy rằng, ngành du lịch Việt Nam vẫn còn đó rất nhiều vấn đề phải khắc phục, trong đó có những việc cấp bách cần giải quyết ngay như môi trường du lịch, quản lý điểm đến, bảo đảm an ninh, an toàn vệ sinh môi trường, đầu tư phát triển để mang lại sản phẩm hấp dẫn cho khách du lịch…

Không thể phủ nhận những nỗ lực mà ngành du lịch đã làm được trong năm qua với kết quả là đón gần 8 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ hơn 57 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt gần 350.000 tỷ đồng. Thế nhưng nếu đánh giá lại tiềm năng du lịch nước nhà với những con số kể trên thì khá khiêm tốn so với các nước lân cận như Thái Lan, Singapore, Malaysia, thậm chí đang bị Lào và Campuchia “hăm he” qua mặt.

Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm qua, trả lời chất vấn của đại biểu về việc bao giờ Việt Nam bằng các nước “top” trên trong khu vực, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh cho rằng “Trách nhiệm của chúng tôi là sẽ truyền đạt lại cho Bộ trưởng kế tiếp”.

Báo chí đã nói nhiều về trách nhiệm của Tư lệnh ngành qua lời phát biểu vừa rồi, nhưng có thể nói trong câu nói ấy có một phần là “sự thật”. Vì nhiệm kỳ 5 năm không phải là dài, hơn nữa ngành du lịch có thật sự được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn hay chưa, khi mà mỗi nơi làm một kiểu, chưa có chiến lược quảng bá bài bản, đồng bộ giữa các bộ ngành và địa phương, người dân thì chưa ý thức được những lợi ích mà ngành du lịch mang lại cho cuộc sống của họ. Vậy nên tình trạng ra sức “chặt chém” du khách, ứng xử thiếu văn hóa, làm du lịch theo kiểu chụp giựt, thiếu định hướng và đầu tư bài bản lâu dài xảy ra là điều dễ hiểu.

Việt Nam đứng thứ 16 trên 140 quốc gia có tiềm năng lớn về phát triển du lịch, một thứ hạng khá cao bởi nền văn hóa đa dạng và những cảnh quang thiên nhiên tuyệt sắc, vậy nhưng để biến tiềm năng thành sức mạnh rất cần sự chung tay, cần những hành động văn hóa nhỏ nhất. Nhiều người vẫn nói, mỗi người dân là một Đại sứ du lịch, không chỉ giới thiệu về văn hóa, ẩm thực đặc trưng của đất nước, của vùng miền mình đang sống, mà sự niềm nở, ân cần trong cách tiếp đón, đó cũng chính là sự thuyết phục du khách trở lại hữu hiệu nhất./.