Đuối nước trẻ em - tận tâm để xóa nguy cơ

(VOH) – Đuối nước trẻ em có lẽ là cụm từ nhiều ám ảnh nhất với các bậc phụ huynh, bởi đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em tại Việt Nam.

Mỗi năm cả nước có trên 2.000 trẻ em chết vì đuối nước. Con số này đã được kéo giảm đáng kể so với vài năm trước, nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, của cộng đồng trong việc phòng chống đuối nước trẻ em. Tuy nhiên, nỗi lo đuối nước vẫn chưa thể nào vơi bớt, khi môi trường xung quanh các em còn quá nhiều nguy cơ, thiếu an toàn. Nơi này nơi khác còn lơ là, chưa có sự quan tâm đúng mức. Điều cốt lõi nhất là nâng cao nhận thức và hành động của toàn xã hội, để cùng chung tay phòng chống đuối nước trẻ em. Phải quyết liệt và tận tâm, tận lực. 

Một vụ đuối nước thương tâm tại Tiền Giang vào ngày 29/5/2019. Ảnh: TTO

Trong khoảng hơn một tuần vừa qua, liên tiếp xảy ra những vụ đuối nước tập thể hết sức thương tâm. Gần nhất là chiều 25/5, 6 học sinh ở xã Quang Kim, huyện Bát Xát, Lào Cai rủ nhau ra suối tắm. Thấy một bạn chới với nên 5 em còn lại đến ứng cứu. Trong lúc hoảng loạn, bốn em bị đuối nước tử vong, chỉ hai em kịp thoát lên bờ. 4 em bị đuối nước đều là các học sinh học giỏi của trường THCS Quang Kim, gặp nạn ngay sau khi trường vừa tổ chức bế giảng năm học.

Trước đó, ngày 23/5, 3 học sinh lớp 6 ở xã Thanh Thạch, Tuyên Hóa, Quảng Bình cùng gặp nạn do đuối nước ở sông Gianh. Cách đó 3 ngày, tại xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa xảy ra vụ việc đau lòng 4 học sinh chết đuối khi tắm suối, trong đó có 2 người là chị em ruột. Chiều tối 19/5 tại bãi tắm thuộc phường Phú Hài, TP Phan Thiết, Bình Thuận cũng xảy ra tai nạn đuối nước khiến 2 học sinh tử vong, nhiều em khác được cứu kịp thời.

Thực trạng về đuối nước trẻ em được báo động từ lâu, song những tai nạn thương tâm cứ nối tiếp nhau. Đau xót hơn, tai nạn xảy ra ở lứa tuổi học sinh lại thường là những vụ đuối nước tập thể. Hồi đầu tháng 2/2019, 6 em học sinh ở Quảng Nam đuối nước tử vong khi tắm biển buổi chiều. Tiếp đến, ngày 21/3, một vụ đuối nước đã cướp đi mạng sống của 8 em nhỏ sống cùng một khu phố tại Hòa Bình, khiến cho ai nghe tin cũng không khỏi rụng rời.

Không chỉ vùng sâu, vùng xa, ngay cả trẻ em thành thị cũng có nguy cơ đuối nước rất cao. Một miệng cống hở, một hố sâu công trình không được rào chắn kỹ cũng tiềm ẩn những nguy hiểm khó lường, nhất là trong mùa mưa bão, ngập nước.

Nỗi đau mà gia đình các em phải gánh chịu trong tột cùng mất mát khó ngôn từ nào có thể mô tả. Dư luận thì bàng hoàng. Cảm giác nghẹt thở và đầy ray rứt. Rất nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, cả về khách quan lẫn chủ quan. Môi trường sống của các em nhiều nơi không bảo đảm an toàn, rồi nhiều em quá hiếu động, tự ý đi bơi ở những khu vực ao hồ, sông suối mà không có sự giám sát của người lớn, v.v… Tuy nhiên, dù là nguyên nhân, hoàn cảnh nào đi chăng nữa, trách nhiệm chính vẫn ở người lớn chưa có sự quan tâm đúng mức trước những nguy cơ xung quanh con em mình. Rõ ràng, nếu việc phòng chống đuối nước được thực hiện quyết liệt hơn, người lớn giám sát con em mình chặt chẽ hơn, nỗi đau đã có thể tránh được.

Trên thực tế, những năm qua, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cùng với sự triển khai đồng bộ của các Bộ, ngành, địa phương, số trẻ em bị đuối nước đã giảm được khoảng 1/3 so với năm 2015, từ trên 3.000 em xuống khoảng 2.000 em mỗi năm. Nhận thức của các cấp, các ngành, và toàn xã hội về công tác phòng chống đuối nước được nâng cao, đã huy động được nhiều nguồn lực hỗ trợ cho công tác này. Tuy nhiên, có những ngành, địa phương còn chủ quan, lơ là, chưa làm hết trách nhiệm nên thực trạng đuối nước trẻ em vẫn còn phức tạp. Một số địa phương cũng đã ưu tiên dành nguồn lực, các trường học đã dạy bơi cho học sinh, nhưng việc này chưa thường xuyên, liên tục, thành ra hiệu quả chưa cao.

Cần nhấn mạnh rằng, việc dạy và học bơi hết sức cần thiết, nhưng còn chưa đủ. Tình trạng trẻ em biết bơi giỏi vẫn đuối nước và đuối nước tập thể ở các địa phương còn nhiều, có khi xảy ra liên tiếp. Cốt lõi vấn đề là các em không biết cách phòng tránh, cũng không biết cách cứu đuối ra sao. Biết bơi, bơi giỏi là một chuyện, điều quan trọng là còn phải giúp trẻ áp dụng được những kỹ năng bơi an toàn. Nghĩa là trang bị kiến thức, kỹ năng phòng tránh nguy hiểm của sông nước, giúp các em nhận biết, không chủ quan với mạng sống của chính mình. Làm thế nào để trẻ em có thể sinh tồn dưới môi trường nước để người lớn đến ứng cứu mới là điều thiết thực nhất.

Tiếp đó là tăng cường sự giám sát của nhà trường và gia đình với trẻ. Thực hiện nhắc nhở thường xuyên về việc phòng tránh tai nạn đuối nước. Cần huy động sự vào cuộc, giám sát của cộng đồng, để người dân thường xuyên để ý, cảnh báo nếu thấy trẻ em bơi lội ở nơi không an toàn.

Để giảm thiểu tai nạn đuối nước, các giải pháp cấp thiết cần được đẩy mạnh và thực hiện đồng bộ, thực chất. Đặc biệt là việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng, nhà trường, gia đình và xã hội. Các cơ quan, tổ chức đồng thời cũng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng chống đuối nước, tạo nên được môi trường an toàn hơn cho trẻ. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng lơ là, thiếu trách nhiệm, phát động phong trào một cách hình thức. Chỉ khi nhận thức đúng và đủ, hành động chung tay của xã hội trong phòng chống đuối nước sẽ càng mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, cùng tận tâm tận lực đẩy lùi nguy cơ trẻ em đuối nước.