Giấc mơ đổi đời không bao giờ thành hiện thực

(VOH) - Việc cảnh sát Anh phát hiện 39 thi thể bên một trong containerchở hàng đông lạnh đã khiến cộng đồng quốc tế chấn động.

Hiện, cảnh sát Anh vẫn chưa công bố danh tính và quốc tịch các nạn nhân, nhưng vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng buôn bán người xuyên quốc gia; về những giấc mơ vỡ vụn trong hành trình tìm miền đất hứa của nhiều người di cư. Nó cũng cho thấy hiểm họa của vấn nạn buôn người mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt.

Trước hết phải nói rằng, con số 39 thi thể được tìm thấy trong chiếc container chở hàng đông lạnh ở miền Đông nước Anh, không chỉ gây chấn độngdư luận mà còn là một “cú sốc” đối với thế giới văn minh. Bởi không ai có thể tưởng tượng rằng trong thế kỷ 21, khi cuộc sống của con người ngày càng đi lên, thì lại xảy ra một vụ việc đau lòng và thương tâm đến vậy.

Kết luận ban đầu của cánh sát Anh cho thấy những con người xấu số ấy đều là nạn nhân của một đường dây buôn người xuyên quốc gia. Và vụ việc đau xót vừa nêu chỉ là một trong số rất nhiều các vụ buôn bán người ở quy mô quốc tế đã, đang hoặc chưa bị phát hiện.

xe tải đông lạnh, buôn người, vượt biên

Thi thể 39 người bị phát hiện trong xe container ở Essex có thể có người Việt Nam 

Cách đây 19 năm, tháng 6/2000, một vụ việc bi thảm tương tự cũng đã xảy ra khi 58 người di cư Trung Quốc thiệt mạng trong một chiếc xe chở cà chua tại Hà Lan. Hai người sống sót sau vụ việc đã kể rằng họ bị nhốt trong container suốt 18 giờ nhưng may mắn sống sót trong khi 58 người khác qua đời vì ngạt khí.

Tại châu Âu, Vương quốc Anh là một trong những điểm đến chính của người nhập cư bất hợp pháp. Nền kinh tế lớn thứ năm thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người trên 44.000 đô la Mỹ/năm và mức lương tối thiểu trên 8 bảng (10,4 đô la Mỹ) mỗi giờ được xem là “miền đất hứa” đối với nhiều người ở các nước đang phát triển. Vì thế, người nhập cư trái phép luôn "mơ đổi đời" ở nước Anh và tìm đường đến đó bằng mọi giá.

Có nhiều con đường nhập cư bất hợp pháp vào Anh. Nhiều người xin thị thực và nhập cảnh hợp pháp vào Anh sau đó tìm cách trốn ở lại. Tuy nhiên, với khả năng quản lý chặt chẽ, cùng sự hỗ trợ của các trang thiết bị và công nghệ hiện đại như hệ thống camera giám sát dày đặc và công nghệ nhận diện bằng trí tuệ nhân tạo, không quá khó để các cơ quan chức năng Anh tìm, bắt giữ và trục xuất người bỏ trốn trên cơ sở những dữ liệu sinh trắc học (ảnh, vân tay) đã có trong quá trình làm các thủ tục cấp thị thực và nhập cảnh.

Một số người tìm cách lợi dụng kẽ hở của luật pháp nước sở tại, tìm và thuê người đã có quốc tịch Anh thực hiện kết hôn giả để bảo lãnh nhập cư vào Anh. Tuy nhiên, những người này cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro do các cơ quan quản lý Anh thường xuyên kiểm tra, giám sát xem họ có sinh sống cùng với người có tên trong đăng ký kết hôn hay không hoặc nguy cơ bị “đối tác” đe dọa tống tiền, cưỡng ép quan hệ tình dục…

Cách phổ biến nhất là thuê các đường dây buôn người tổ chức đưa người vào Anh bất hợp pháp. Những người chọn cách này có thể sẽ mất vài tháng, thậm chí lâu hơn và phải sống trong điều kiện vô cùng khó khăn, nguy hiểm, luôn phải trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan quản lý các nước để di chuyển bằng đường bộ từ Nga, các nước Đông Âu qua Đức, đến Pháp.

Từ Pháp, những người này phải trốn trong các xe tải hay các tàu thuyền để nhập cảnh bất hợp pháp vào Anh. Theo Thẩm phán Anh Robert Winstanley, chủ tọa phiên tòa diễn ra hồi tháng 3 vừa qua xét xử một đường dây đưa các công dân nước ngoài nhập cư bất hợp pháp vào Anh, trong đó có cả người Việt Nam, các đường dây buôn người như vậy luôn "coi thường sự an toàn" của những người được đưa bất hợp pháp vào Anh. Nhiều người sẽ phải làm việc không lương trong ít nhất 2 năm để trả nợ cho những kẻ buôn người.

Cánh sát Pháp cũng đã từng phát hiện nhiều đường dây buôn người trái phép từ Calais (Pháp) qua eo biển Manche vào Anh…

Không chỉ ở Anh, Hà Lan mà còn cả Pháp, Bỉ, Đức… những đường dây buôn người xuyên quốc gia này vẫn ngày ngày hoạt động, chưa bị phát hiện, gây ra những lo ngại có thực về an ninh, trật tự và sự ổn định của xã hội toàn cầu.

Những người nhập cư trái phép luôn phải trả một giá rất đắt. Rất nhiều người không biết họ đang đi đâu, số phận phụ thuộc vào những băng đảng buôn người; phải trải qua một hành trình đầy rẫy nguy hiểm để rồi phải làm việc chui lủi, bị bóc lột sức lao động, bị đánh đập, bị bỏ đói, lột hết giấy tờ, thậm chí bỏ mạng nơi đất khách quê người khi bị bọn buôn người lừa đối.

Đó là điều cần phải cảnh báo.

Ngược dòng thời gian, làn sóng những người di cư đến châu Âu với hy vọng có được một cuộc sống tốt đẹp hơn là vấn đề thu hút sự chú ý của thế giới từ năm 2015. Đó là khởi đầu của cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu, khi chỉ trong hơn một năm, hơn 1 triệu người tỵ nạn từ Syria, Afghanistan, Iraq, châu Phi… liều mình vượt biển tìm đến miền đất hứa châu Âu.

Khó có thể thống kê chính xác đã có bao nhiêu người phải bỏ mạng trên hành trình di cư mà họ lựa chọn; cũng khó có thể đong đếm hết được nỗi đau và những giọt nước mắt của người thân, gia đình và bạn bè khi nghe hung tin người nhà của mình đã vĩnh viễn ra đi trên con đường chinh phục miền đất hứa.

Nhắc lại những vụ việc bi thảm này để thấy rằng, các đường dây buôn người xuyên quốc gia gia tăng nhanh; tình trạng di cư gia tăng nhanh đang thực sự trở thành một vấn nạn toàn cầu mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt.

Thực tế cho thấy, người di cư dù mang quốc tịch nào - khi lựa chọn con đường tha hương đều mong muốn có được một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Đó là tâm nguyện chính đáng và cần được tôn trọng nếu lựa chọn con đường ra đi hợp pháp.

Nhưng cái cách mà các tổ chức buôn người đang trục lợi; sự lỏng lẻo trong việc kiểm soát lao động không giấy tờ; sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các nước châu Âu trong đấu tranh chống tội phạm buôn người và cả những giấc mơ được tô hồng phi thực tế… đã khiến làn sóng di cư tăng nhanh, bất chấp mọi hậu quả.

Trở lại với vụ việc các thi thể được tìm thấy ở miền Đông nước Anh. Dù vụ án vẫn đang tiếp tục được điều tra nhưng rõ ràng đây là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với người nhập cư trái phép. Hãy tỉnh táo và cân nhắc trươc những lời dụ dỗ. Hãy chuẩn bị những hành trang kiến thức cho mình tạo dựng cuộc sống tốt đẹp ở quê hương, thay vì trông chờ vào viễn cảnh không có thực nơi đất khách quê người.

Ở một góc nhìn khác, việc xảy ra các thảm kịch vừa nêu có thể sẽ thúc đẩy các nước châu Âu siết chặt hơn việc kiểm tra ở khu vực biên giới cũng như tăng cường đấu tranh chống các đường dây buôn người.

Có thể, Brexit sẽ gây khó khăn hơn trong việc thúc đẩy hợp tác an ninh giữa Anh và EU, nhưng dù vậy, đây là điều các quốc gia cần phải làm, nếu không muốn có những thảm kịch đau xót mới xảy ra trong tương lai.

Thành phố đầu tiên tại Anh cấm lưu thông ô tô chạy bằng dầu diesel - Để góp phần bảo vệ môi trường, Bristol sẽ là thành phố đầu tiên tại Anh nghiêm cấm xe ô tô chạy bằng dầu diesel lưu ...

Tiết lộ lý do Trung Quốc đóng cửa hàng loạt cầu kính, kể cả cầu kính Trương Gia Giới - Trung Quốc đã cho đóng cửa toàn bộ 32 cầu, lối đi bộ và đài quan sát đáy kính, kể cả cầu kính Trương Gia Giới mà dân đam ...