Làm giàu rất khó!

(VOH) - Chỉ 1 năm đã lừa được 60.000 nạn nhân ở khắp 27 tỉnh thành với số tiền lên đến 1.900 tỷ, có thể nói vụ "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" của công ty Liên Kết Việt thật sự ngọan mục và tai tiếng nhất từ trước đến nay liên quan đến kinh doanh đa cấp.

Điều khiến dư luận bàng hoàng hơn là để tạo vỏ bọc an toàn, công ty này dám mạo danh đơn vị của Bộ Quốc Phòng, làm giả cả bằng khen của Thủ tướng, lợi dụng cán bộ quân đội nghỉ hưu làm bình phong hoàn hảo cho việc lừa đảo.

Những giấy tờ mà công ty Liên Kết Việt mạo nhận trực thuộc Bộ Quốc phòng. Ảnh: Zing

Nhìn vào những mánh khóe tinh vi của Liên Kết Việt, có thể hiểu phần nào lý do hàng chục ngàn người bị lôi kéo dễ dàng. 

Đến khi sực tỉnh, họ cay đắng nhận ra, cái mất không chỉ là của cải mà còn là tình thân ruột thịt, tình nghĩa xóm giềng, đồng nghiệp, bạn bè. Đây mới là hậu quả nặng nề và chua xót nhất.

Điều đáng nói là truyền thông lâu nay không ngừng cảnh báo về những bài học đắt giá tương tự, từ chuyện vỡ hụi, lừa đi xuất khẩu lao động, mất đất đai nhà cửa khi cầm cố sổ đỏ, đặc biệt là những vụ lừa đảo bán hàng đa cấp. Vậy nhưng, những chiêu thức cũ mòn này, năm này qua tháng nọ cứ dễ dàng "chiêu dụ" không ít nạn nhân. 

“Trên đường thành công không có vết chân của người lười biếng” là vậy. Chỉ mong đổi đời bằng cơ may, ngồi không hưởng lợi nhuận là điều không tưởng.

Sự việc lần này thêm hồi chuông cảnh cáo để mỗi người nghiêm túc suy nghĩ, hành động sáng suốt trước sự cám dỗ của bất cứ loại hình kinh doanh hoặc hình thức làm giàu cấp tốc nào.

Suy cho cùng, điều khiến dư luận băn khoăn, là cớ sao với quy mô hoành tráng và hoạt động công khai trên nhiều tỉnh thành như thế mà phải đến khi con số nạn nhân đã lên đến hàng chục ngàn người, Liên Kết Việt mới bị lôi ra ánh sáng ?

Hiện nay, bán hàng đa cấp là hoạt động được phép tại Việt Nam và Chính phủ có Nghị định 42 về quản lý loại hình kinh doanh này. 

Vấn đề ở đây là việc kiểm tra, giám sát còn quá lỏng lẻo. Đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương và ngành chức năng không sâu sát cơ sở, không quản lý hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn, không nắm bắt tình hình trong dân.

Hậu quả nhãn tiền khi giờ đây, trong lúc Lê Xuân Giang, Nguyễn Thị Thủy cùng đồng bọn nằm trong trại tạm giam chờ xử lý, thì thiệt hại của 60.000 nạn nhân chưa biết sẽ giải quyết ra sao, bởi số tiền cơ quan điều tra thu lại vỏn vẹn hơn 100 tỷ, chưa đến 1/20 số tiền bọn lừa đảo chiếm dụng.

Bởi vậy, để tránh tái diễn thảm cảnh  tương tự, rất  cần sự chuyển động mạnh mẽ hơn nữa và tổ chức kiểm tra thường xuyên của ngành chức năng để ngăn chặn những hình thức kinh doanh mờ ám.

Đặc biệt, các hội nghị, hội thảo kinh doanh, các chương trình khuyến mãi bất thường.. phải được giám sát chặt chẽ, không để tồn tại tình trạng doanh nghiệp ngang nhiên mạo danh đơn vị Nhà nước ngay trên địa bàn mà cơ quan quản lý ngành lẫn địa phương đều không mảy may hay biết.

Những câu chuyện lừa đảo tương tự, một khi cứ lặp đi lặp lại, bản thân không còn bó hẹp trong lĩnh vực kinh tế mà đã trở thành vấn nạn chung, ảnh hưởng trật tự và an toàn xã hội.