Minh bạch để ngăn những chuyến "công du" trá hình

(VOH) - Những ngày qua, thông tin về việc hai đoàn cán bộ tỉnh Bình Thuận được doanh nghiệp tài trợ sang Nhật Bản và Đức học tập kinh nghiệm đã gây nhiều sự chú ý và bức xúc trong dư luận.

Dư luận không khỏi nghi vấn rằng, các chuyến xuất ngoại này là vì công vụ hay thực chất chỉ là chuyến du lịch cá nhân của các quan chức, cán bộ được ưu ái? Tỉnh ủy Bình Thuận đã nhanh chóng tiếp thu khi có chỉ đạo dừng chuyến đi Cộng hòa liên bang Đức, ngay khi có thông tin từ báo chí. Nhưng rõ ràng, quanh câu chuyện công du nước ngoài, còn rất nhiều điều cần mổ xẻ, không chỉ riêng ở Bình Thuận. Bình luận của Phú Sơn.

Hồi tháng 6, UBND tỉnh Bình Thuận đã ký nhiều quyết định về việc đồng ý để công chức đi nước ngoài việc riêng theo đề nghị của Sở Nội vụ. Những công chức trên là cán bộ lãnh đạo một số sở ngành và địa phương được đến Cộng hòa liên bang Đức để tham quan, tiếp cận công nghệ 4.0 về xây dựng hạ tầng khu dân cư ven biển. Đợt 1 từ ngày 1/7 đến ngày 15/7, riêng đoàn đi đợt thứ 2 dự kiến từ ngày 16/7 đến 31/7. Kinh phí chuyến đi do Công ty TNHH đầu tư xây dựng Trường Phúc Hải, doanh nghiệp được giao một dự án lấn biển tại Bình Thuận tài trợ. Tuy nhiên, sau khi có thông tin từ báo chí, Tỉnh ủy Bình Thuận đã có quyết định dừng chuyến đi đợt 2 của các cán bộ này.

Chỉ thị 21/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã lưu ý khi tổ chức đoàn đi tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm nước ngoài phải có mục đích, kế hoạch rõ ràng, tránh trùng lắp với các đoàn đi trước, những người được cử đi phải thật sự cần thiết cho công việc. Chỉ thị cũng yêu cầu lãnh đạo chủ chốt của địa phương không tham gia đoàn của doanh nghiệp đi nước ngoài.

Đối chiếu với Chỉ thị 21, các đối tượng được cử đi ở Bình Thuận có đúng quy định hay không? Thậm chí, có những người không liên quan đến dự án, không đúng chuyên môn như cán bộ lãnh đạo ở huyện miền núi, rồi người sắp nghỉ hưu cũng có tên trong danh sách. Phải chăng đây chỉ là những quan hệ làm đẹp lòng nhau? Dư luận nghi vấn: Vì sao phải dùng tiền tài trợ của doanh nghiệp cho những chuyến đi như thế? Phải chăng đi với cái mác “học tập kinh nghiệm” là để thắt chặt hơn nữa “quan hệ” giữa cán bộ và doanh nghiệp?

Ai cũng biết, doanh nghiệp luôn theo đuổi lợi nhuận, Công ty Trường Phúc Hải không phải là ngoại lệ. Chưa kể, qua điều tra của báo chí, công ty Trường Phúc Hải đang có dấu hiệu sai phạm, cần phải làm rõ. Do đó, họ không dễ dãi đến mức cho không chuyến đi nước ngoài mà không kèm theo điều kiện có lợi thuộc về họ. Việc lãnh đạo tỉnh Bình Thuận có chỉ đạo dừng chuyến đi đợt 2 đến Cộng hòa liên bang Đức do Công ty Trường Phúc Hải tài trợ là quyết định kịp thời được dư luận đánh giá cao, thể hiện sự lắng nghe và tiếp thu. Như chính ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận thừa nhận: “Dư luận đặt vấn đề công chức đi nước ngoài bằng tiền doanh nghiệp là tham nhũng, rất đáng để tiếp thu. Tỉnh sẽ không cử công chức đi bằng tiền tài trợ nữa”.

Vấn đề đặt ra là liệu báo chí không lên tiếng, có phải chuyến đi là “chuyện đã rồi”. Và rất có thể sẽ có thêm đoàn cán bộ thứ ba, thứ tư… hoặc nhiều đoàn nữa của Bình Thuận được “xuất ngoại” theo diện này. Bởi không riêng Bình Thuận, quy định đã có nhưng nhiều địa phương, nhiều bộ, ngành vẫn còn rất tùy tiện, với nhiều lý do khác nhau để cho phép cán bộ đi nước ngoài dưới danh nghĩa công tác, như một đặc quyền đặc lợi. Vấn đề này không phải chuyện mới, được nhắc đến từ năm này qua năm khác, nhưng đến giờ vẫn chưa khắc phục được.

Trước đây, không ít lần báo chí phát hiện và đưa tin nhiều đoàn cán bộ các tỉnh như Bình Phước, Tiền Giang, Đắk Lắk… tổ chức “học tập” và “nghỉ dưỡng” cho nhiều lãnh đạo sắp về hưu. Rồi việc nhiều doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước “bao” trọn gói chuyến công du của một số lãnh đạo bộ, cơ quan chủ quản. Mới đây, cùng với sự việc ở Bình Thuận, thông tin các cán bộ Sở Tài Nguyên và Môi Trường Bắc Giang được doanh nghiệp tài trợ đi châu Âu cũng khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn.

Mới đây, kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy “Trong giai đoạn 2012 - 2016, bốn bộ ngành và sáu tỉnh trên cả nước đã cử trên 17.500 đoàn đi nước ngoài, gần 53.000 lượt cán bộ với tổng kinh phí trên 1.200 tỷ đồng”. Liệu có bao nhiêu phần trăm cán bộ, bao nhiêu phần trăm những chuyến đi như thế thật sự là công tác và mang lại hiệu quả, ích nước lợi dân?

Tất nhiên, nếu đúng mục đích, thành phần, hiệu quả, việc các bộ ngành, địa phương tổ chức đoàn đi nước ngoài tiếp thu kinh nghiệm, đàm phán thương mại, góp phần quảng bá hình ảnh, mang lại những lợi ích thiết thực cần được hoan nghênh và khuyến khích. Đi nước ngoài học tập những cái mới, cái hay, tích cực về áp dụng tại Việt Nam thì quá tốt. Còn ngược lại, lợi dụng công tác phục vụ mục đích du lịch cá nhân, học chẳng được bao nhiêu mà lãnh phí, tốn kém ngân sách, cần phải được chấn chỉnh, thậm chí quy trách nhiệm và xử lý. Ngay cả việc doanh nghiệp mời cán bộ đi “học hỏi kinh nghiệm”, lạm dụng gây nhũng nhiễu và tốn kém cho doanh nghiệp, hoặc nguy cơ “bắt tay” vi phạm, lợi ích nhóm.

Để các chuyến công tác nước ngoài của cán bộ thật sự hiệu quả, không trở thành một dạng tham nhũng, thiết nghĩ, điều cần làm nhất là minh bạch thông tin về những chuyến đi như thế. Từ thành phần, mục đích, nội dung, kinh phí đến hiệu quả của chuyến đi, kết quả học tập cần phải được công khai, minh bạch, qua đó việc giám sát đạt hiệu quả. Nếu không thì những chuyến công du không hiệu quả và hết sức lãng phí như thế vẫn sẽ còn tiếp diễn.