Nâng cao cảnh giác trước luận điệu kích động tụ tập gây rối

(VOH) - Việc tụ tập đông người tuần hành, một số  kích động gây rối là hành vi trái pháp luật, ảnh hưởng đến sự cuộc sống yên lành và môi trường đầu tư, phát triển kinh tế, du lịch của đất nước.

Trong 2 tuần qua, trên mạng xã hội các phần tử xấu tiếp tục tung tin bịa đặt, xuyên tạc với mục đích gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ trong quần chúng nhân dân đối với chính sách của Đảng, Nhà nước về dự thảo Luật Đặc khu, Luật An ninh mạng. Chúng kích động kêu gọi gây rối an ninh trật tự, làm ách tắc giao thông, chống người thi hành công vụ, phá hoại tài sản xã hội.

Các đối tượng này còn cắt ghép, dàn dựng hình ảnh đám đông tụ tập tuần hành chia sẻ trên mạng xã hội. Cơ quan chức năng đã phát hiện có một số tên giả dạng công an, quân đội trà trộn vào đám đông để kích động gây rối. Thực tế đã có những người bị lợi dụng, nghe lời kêu gọi, kích động của kẻ xấu.

Cuối tuần nầy, các phần tử xấu, quá khích lại đang kêu gọi tụ tập đông người tuần hành vào thứ bảy và chủ nhật để tiếp tục làm mất an ninh trật tự, gây rối, phá hoại. Trong đó, tại thành phố Hồ Chí Minh, chúng âm mưu làm kẹt xe để gây khó khăn việc đi lại, học tập, kinh doanh của người dân, làm xấu hình ảnh của thành phố.

Thời gian qua, chúng ta đã thấy tinh thần đổi mới, dân chủ, đối thoại thẳng thắn, trách nhiệm, chân tình trong hoạt động của Quốc hội, của Chính phủ. Một chính phủ kiến tạo và cầu thị, luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân.

Đặc khu kinh tế được kỳ vọng hình thành khu vực tăng trưởng cao với phương thức quản lý mới, ổn định lâu dài, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh. Việc tạm dừng thông qua dự thảo Luật Đặc khu đã thể hiện rõ tinh thần cầu thị, biết lắng nghe dân của Quốc Hội, Chính phủ.

Sự phát triển công nghệ thông tin, nảy sinh các mạng xã hội đã tạo những điều kiện và cơ hội cho con người giao lưu, học tập kết bạn, chia sẻ sở thích, tìm kiếm thông tin, nghiên cứu, làm việc … Thế nhưng mạng xã hội cũng có mặt hạn chế của nó. Không gian mạng là nơi mà tội phạm rất dễ tồn tại như các tội phạm xâm phạm quyền riêng tư của công dân, lừa đảo, trục lợi, và đặc biệt cả các loại tội phạm có hành vi xâm phạm an ninh quốc gia.

Riêng về việc lưu trữ dữ liệu của các nhà mạng trên thế giới hiện nay, 18 quốc gia đã yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ mạng trên internet, nhất là mạng xã hội, phải lưu trữ dữ liệu tại quốc gia đó. Gần đây, vào tháng 5/2018, Liên minh châu Âu đã chính thức yêu cầu Facebook phải lưu trữ dữ liệu tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu.

Luật An ninh mạng đã có 138 nước ban hành, trong đó có 93 nước là các nước đang phát triển. Luật An ninh mạng Việt Nam đã tiếp thu một vấn đề rất quan trọng theo xu hướng chung của thế giới là cho phép đặt máy chủ ở nước ngoài và chỉ có cơ sở dữ liệu người dùng Việt Nam mới lưu trữ tại Việt Nam.

Lợi dụng việc ban hành Luật An ninh mạng  của nước ta các phần tử xấu vẫn cố tình bóp méo sự thật, tung tin bịa đặt, chia rẽ khối đại đoàn kết, chống phá chính sách của Đảng, Nhà nước. Việc Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng với tỷ lệ biểu quyết đạt 86,6% là một tỷ lệ cao.

Điều này cho thấy sự cần thiết của việc ra đời luật này, tạo hành lang pháp lý bảo vệ an ninh mạng, an ninh quốc gia trên không gian mạng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng chống đấu tranh các loại tội phạm trên không gian mạng.

Hành động kêu gọi tụ tập đông người tuần hành cho thấy rõ ràng đây là âm mưu phá hoại, chống phá, gây chia rẽ khối đại đoàn kết, và cả việc kích động gây bạo loạn…Một số người đã cả tin nghe lời kêu gọi, kích động rơi vào âm mưu của kẻ xấu, vi phạm pháp luật đến khi hiểu ra, hối hận thì đã quá muộn. Minh chứng là trường hợp bị can Phạm Thị Thu Thủy (44 tuổi, quê Tiền Giang) và Lê Trọng Nghĩa (31 tuổi, quê Long An) bị Công an thành phố Hồ Chí Minh khởi tố, bắt giam về hành vi chống người thi hành công vụ. Cả 2 đều là công nhân làm việc tại Công ty Pouyuen.

Theo cơ quan điều tra, ngày 11/6, Thủy và Nghĩa tới công ty thì thấy đông người tụ tập, gây rối nên cùng tham gia. Cả hai dùng gạch đá ném cảnh sát nhiều lần. Sau khi bị khởi tố, bị can Thủy khóc như mưa, ăn năn, hối lỗi vì thiếu tỉnh táo nghe theo kẻ xấu, bị ảnh hưởng bởi đám đông. Phạm Thị Thu Thủy cho biết bản thân còn mẹ già, con nhỏ ở quê, giờ bị bắt giam không ai chăm sóc cho gia đình.

Còn Lê Trọng Nghĩa khai bản thân không biết dự thảo Luật Đặc khu là gì, ở đâu. Bị can này thấy mọi người hô hào nên lấy đá ném về phía công an.

Liên quan đến các nhóm đối tượng tụ tập kích động gây rối tại công ty Pouyuen, công an còn khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Võ Văn Trụ (36 tuổi, quê Long An) can tội chống người thi hành công vụ. Trụ đã vác tảng đá rất lớn ném vào người một chiến sĩ cảnh sát cơ động khiến người này ngã xuống.

Sau khi trốn về phòng trọ, công an địa phương đến nhà và mời đối tượng về trụ sở để làm việc. Trụ khai nghe một số người hô hào nên đã đi cùng đám đông quá khích theo bản năng. Trụ xin pháp luật khoan hồng vì có gia đình với 2 con nhỏ, gia cảnh khó khăn và mẹ già bệnh nặng chuẩn bị mổ tim. Đến khi bị bắt giam mới nghĩ đến gia đình thì đã quá muộn màng.

Công an thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận cũng tạm giữ một số đối tượng để điều tra về hành vi quá khích, gây rối trật tự. Trong đó, có Ngô Duy Nam (36 tuổi, quê tỉnh Bình Phước) được cơ quan điều tra xác định là người đưa tiền cho người khác đi gây rối. Theo đó, hầu hết các đối tượng khai nhận có người lạ cho tiền và xúi giục ném đá, ném bom xăng tấn công vào lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ, đập phá trụ cổng UBND tỉnh, các cơ quan lân cận và đốt xe công của Nhà nước.

Công an tỉnh Bình Dương bước đầu cũng làm rõ hành vi in ấn, phát tán tài liệu kêu gọi tụ tập trái phép của Trần Minh Huệ (37 tuổi, quê quán Thanh Hóa) và Nguyễn Đình Thành (27 tuổi, quê Bình Dương). Các đối tượng đã nhận tội và sám hối về hành vi vi phạm pháp luật của mình.

Cả hai truy cập một số trang mạng của các tổ chức phản động từ nước ngoài và bị chúng dụ dỗ, lôi kéo rải truyền đơn kêu gọi người dân tham gia tụ tập, gây rối. Cả hai mong được sự khoan hồng của pháp luật để sớm trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Các đối tượng mong rằng, mọi người đừng đọc những thông tin sai lệch trên các trang mạng, hay nghe sự lôi kéo, dụ dỗ từ người khác mà vi phạm pháp luật. Bởi lẽ, mạng xã hội có rất nhiều thông tin giả tạo, xuyên tạc không đúng sự thật.

Việc tụ tập đông người tuần hành, kích động gây rối vừa qua là hành động trái pháp luật, đã làm ảnh hưởng đến  đời sống sinh hoạt, làm ăn của người dân và môi trường đầu tư tại Việt Nam. Nhiều cử tri đã phát biểu băn khoăn trước sự phức tạp về an ninh trật tự tại một số địa phương thời gian qua và kiến nghị phải có biện pháp mạnh mẽ ổn định tình hình, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.

Trước tình hình đó đòi hỏi cơ quan chức năng phải nghiêm trị những thành phần kích động, gây rối, trả lại sự bình yên cho nhân dân. Cần phải kiên quyết đối với một số trường hợp quá khích để tránh kích động lan rộng, kéo dài. Bởi vì nếu không nghiêm trị sẽ là một tiền lệ xấu cho xã hội, phá vỡ sự ổn định và phát triển của đất nước.

Cử tri cũng đề nghị công tác tuyên truyền chống lại những thông tin xấu độc trên mạng phải kịp thời hơn. Trước âm mưu của phần tử xấu, người dân Thành phố nói riêng và cả nước nói chung cần tỉnh táo, nâng cao cảnh giác để không bị lợi dụng lòng yêu nước tham gia tụ tập đông người, tuần hành… phá hoại cuộc sống bình yên của Thành phố, của đất nước, gây ảnh hưởng xấu đến du khách và môi trường đầu tư. Hãy dành thời gian cuối tuần để làm những việc có ích cho bản thân và gia đình.

Người yêu nước chân chính sẽ nhận thức rõ ràng, đúng đắn, trách nhiệm để không dao động, mắc mưu, trở thành con rối của kẻ xấu. Cần nâng cao cảnh giác trước luận điệu lừa bịp kích động của kẻ xấu.