Nhận diện thực phẩm sạch

(VOH) - Sở Công Thương TPHCM gần đây gây xôn xao dư luận khi trình UBND TP về giải pháp đảm bảo an toàn đối với thịt heo bằng ứng dụng công nghệ thông tin. Dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng cốt lõi của câu chuyện này chính là một mong muốn thật sự tha thiết của người dân hiện nay: Làm sao để sử dụng được thực phẩm sạch?

Nghe nội dung bài viết:

Ảnh minh hoạ: tieudungplus

Trong đời sống thường nhật hiện nay, không khó nhận ra nỗi âu lo của phần lớn người dân khi phải lựa chọn nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình. Nhưng thực tế là vẫn có nhiều nguồn thực phẩm sạch đang được sản xuất ra hàng ngày.

Tuy vậy, không rõ nguyên nhân chính do đâu, có thể do quá nhiều nguồn thực phẩm bẩn đang trà trộn khắp nơi, hoặc do quá nhiều thông tin về thực phẩm bẩn nhan nhản trên các phương tiện truyền thông, hay do sự lơi lỏng trong quản lý và cả sự bất lực của cơ quan chức năng mà thực phẩm sạch gần như bị “lép vế” hoàn toàn trước nhóm sản phẩm kém an toàn.

Trở lại với giải pháp mà Sở Công Thương TPHCM đề xuất với thịt heo được gắn tem dán và người tiêu dùng sẽ kiểm tra chất lượng bằng ứng dụng trên smartphone, dẫu vẫn có ý kiến phản biện rằng không hiệu quả, nhưng ít nhất cũng tạo ra hiệu ứng tích cực. Theo đó, mở ra định hướng cho các giải pháp là “làm sao để nhận diện thực phẩm sạch”.

Một dẫn dụ điển hình gần đây, khi hiện tượng cá chết hàng loạt xuất hiện ở nhiều nơi, thì sản phẩm cá tươi từ siêu thị cho đến chợ đều phải chịu cảnh “ế ẩm”, bất chấp nguồn gốc hay chất lượng vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thực tế này một lần nữa lại gióng lên “hồi chuông” cảnh báo cho cơ quan chức năng về sự quản lý lỏng lẻo, khiến không những thực phẩm bẩn tràn lan, mà thực phẩm sạch cũng có nguy cơ mất luôn chỗ đứng trên thị trường.

Cũng tại TPHCM, bên cạnh giải pháp nghiên cứu công nghệ, Sở Công Thương TP đã triển khai mô hình chuỗi cửa hàng an toàn thực phẩm. Đây không phải là giải pháp mang tính đột phá hay sáng tạo, nhưng lại có vẻ thích hợp, giống như một mũi tên bắn trúng nhiều đích vậy.

Chuỗi cửa hàng này không chỉ được đầu tư nguồn thực phẩm sạch đa dạng chủng loại, mà còn được đầu tư thương hiệu, hình ảnh bên ngoài, tức nói nôm na người tiêu dùng không phải lo nhận diện đâu là thực phẩm sạch nữa mà chỉ cần tìm đến “nơi bán thực phẩm sạch” và hoàn toàn yên tâm.

Hệ thống này như một bộ lọc, chỉ tiếp nhận thực phẩm sạch và vô hình chung tác động đến những đối tượng xung quanh. Trước hết là các đơn vị phân phối thực phẩm khác có thể học tập hoặc ít nhất chịu sức ép cạnh tranh để phải thay đổi việc quản lý nguồn cung thực phẩm hiệu quả hơn. Nền tảng này được hình thành sẽ tiếp tục tạo ra tác động tích cực đến cơ sở sản xuất, buộc phải làm ra thực phẩm an toàn để duy trì hoạt động kinh doanh.

Ở góc độ khác, thành công của mô hình này ở một đô thị hàng đầu như TPHCM có thể là cách làm phù hợp với nhiều địa phương khác. Trên thực tế thì một số tỉnh thành trên cả nước đã tập trung cho giải pháp giúp người dân “nhận diện thực phẩm sạch” từ năm 2015. Tuy vậy, vấn đề quanh quẩn bấy lâu nay vẫn là làm bằng cách nào và làm như thế nào cho hiệu quả!

Các chuyên gia đã không ít lần cảnh báo, thực phẩm bẩn không chỉ gây ra những hậu quả trước mắt cho sức khỏe người dân mà còn gây bất ổn xã hội và xa hơn là có thể làm suy giảm nòi giống về lâu dài. Nguy cơ tai hại là vậy, rõ ràng cần phải có sự “bừng tỉnh”, nỗ lực từ cơ quan chức năng và cả cộng đồng.

Do vậy, xin đừng thờ ơ với sức khỏe của người dân, sức khỏe của con em chúng ta! Hãy là người tiêu dùng thông minh, biết lựa chọn nơi cung cấp thực phẩm đáng tin cậy! Và cùng nhau nỗ lực để tất cả mọi người có thể “nhận diện và lựa chọn thực phẩm sạch” cho bản thân và gia đình!

Trên hết, ý nghĩa sâu xa của việc “nhận diện thực phẩm sạch” chính là loại bỏ hoàn toàn thực phẩm bẩn ra khỏi thị trường, hàng quán, chợ, siêu thị… - những nơi mà người dân vẫn hàng ngày buộc phải lui tới để giải quyết nhu cầu thực phẩm cơ bản.