Phòng chống cháy rừng– Nhiệm vụ không của riêng ai!

(VOH) - Những ngày qua, khí hậu cả Nam Bộ trở nên nóng bức hơn, bởi đang là thời điểm của mùa khô. Dù đã có vài cơn mưa trái mùa giải nhiệt, song theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ thì Nam Bộ sẽ phải tiếp tục chịu đựng nắng nóng, oi bức đến nửa cuối tháng 5 này. Nắng nóng không chỉ gây khó chịu cho con người mà còn là nguyên nhân làm cho tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp hơn, trong đó có cháy rừng.
 Thời tiết khô hanh, nắng nóng gay gắt kéo dài khiến cho hàng trăm ngàn hécta rừng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Miền Trung và Tây Nguyên đang ở mức báo động cháy cấp 5 đến cấp cực kỳ nguy hiểm.ảnh minh họa: baohaiquan

Từ đầu mùa khô tháng 11/2012 đến nay, thời tiết khô hanh, nắng nóng gay gắt kéo dài khiến cho hàng trăm ngàn hécta rừng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Miền Trung và Tây Nguyên đang ở mức báo động cháy cấp 5 đến cấp cực kỳ nguy hiểm. Theo lực lượng kiểm lâm các địa phương thì những khu vực có rừng ở các tỉnh như: An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu, Long An, Tây Ninh, Bình Phước,…nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài thì hầu hết các kiểu rừng đều dễ bắt lửa và khi cháy sẽ có tốc độ lan tràn rất nhanh. Đáng chú ý là những khu rừng này thường liền kề với các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, là những khu du lịch, đồng thời ven rừng còn có hàng ngàn hộ dân nghèo sinh sống và mưu sinh bằng nghề làm rừng. Điều này càng làm cho các khu rừng trở nên phức tạp hơn về tình hình cháy nổ.



Trước tình hình thời tiết phức tạp, nguy cơ cháy rừng cao như vậy, một số địa phương đã quyết định tạm đóng cửa, ngừng các hoạt động trong rừng, tăng cường bố trí trực lực lượng, phương tiện đầy đủ và trực ban, kiểm tra thường xuyên 24/24 giờ, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho 100% diện tích rừng trên địa bàn trong mùa khô năm nay. Các đơn vị cũng đã tăng cường sửa chữa đảm bảo hoạt động tốt máy chữa cháy, trang bị đầy đủ nước cho các bồn chứa nước, tăng thêm bình xịt, can đựng nước, dao, bàn đập…trải đều khắp các khu vực rừng để khi có sự cố tình huống phức tạp thì sẽ được xử lý ngay. Có thể nói, công tác phòng cháy được địa phương thực hiện rất nghiêm ngặt và khẩn trương. Tuy nhiên, gần đây, một số nơi cũng thường xảy ra cháy rừng do người dân thiếu ý thức bỏ tàn thuốc, đi vào rừng tìm ong mật, đốt đồng lúa, ruộng mía, đốt rác ven rừng cũng làm cho nhiều khu rừng bị cháy hoặc phải phát đi thông tin báo động phức tạp. Do vậy, ngoài sự nỗ lực của Chi cục Kiểm lâm, chính quyền địa phương, các chủ rừng, lực lượng quân đội, công an...đang căng sức bảo vệ nhằm hạn chế thấp nhất trường hợp cháy rừng xảy ra thì mỗi người dân chúng ta cũng cần nâng cao ý thức cộng đồng hơn nữa trong việc tham gia bảo vệ các khu rừng bằng những việc làm cụ thể. Chúng ta hãy cùng nhau động viên mọi người ý thức, không hút thuốc, mang vật dễ cháy vào các khu rừng; khi đốt đồng, đốt rác cần chú ý đưa ra thật xa các khu rừng dễ cháy, khi khai thác, đánh bắt tôm cá, ong mật,… trong rừng cũng cần chú ý việc đảm bảo an toàn, hạn chế mang nguồn lửa dễ cháy vào rừng. Cùng với giải pháp cấp bách thì các địa phương cũng cần giải quyết tốt và rốt ráo đời sống của người nghèo đang sinh sống xung quanh rừng.


Rõ ràng, nắng như đổ lửa, nhiệt độ luôn duy trì ở mức 35 đến 37 độ C, có nơi lên gần 40 độ C và có khả năng kéo dài trong vài tháng tới đang là mối lo ngại đối với việc phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là cháy rừng. Tình hình hết sức căng thẳng, nguy cơ xảy ra cháy bất cứ lúc nào. Mỗi người chúng ta hãy cùng lực lượng kiểm lâm, các chủ rừng tăng cường canh giữ, đề phòng “giặc lửa”, với “Bà hỏa” bất cứ lúc nào. Làm được như vậy, thì việc bảo vệ và phát triển rừng mới bền vững được.