Tai nạn lao động gây chết người ngày càng tăng

(VOH) - Cần nhớ rằng TNLĐ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, mức độ thiệt hại nặng nề về mặt kinh tế và cả tính mạng, sức khoẻ của người công nhân nếu như không chấp hành nghiêm ngặt các quy tắc an toàn lao động.

 

Hiện trường vụ sập dàn giáo tại Formosa khiến 13 người chết - Ảnh: Đức Hùng (VNE).

Trong các vụ TNLĐ thì sập giàn giáo là loại TNLĐ không hiếm và khi xảy ra thì gây thương vong hàng loạt, thậm chí nhiều vụ sập giàn giáo gây chấn động dư luận vào những tháng cuối năm 2014 đầu năm 2015. Đó là vụ sập giàn giáo dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, vụ sập giàn giáo trong hầm đèo Cổ Mã,... Đặc biệt, cách đây chưa lâu cũng tại Khu kinh tế Vũng Áng dự án nhà máy nước Formosa Hà Tĩnh và công ty Posco 2 thuộc khu gang thép Formosa cũng sập giàn giáo, sập cầu thang làm chết 3 công nhân, 4 người khác bị thương.

Riêng vụ sập giàn giáo ngày 25/3, kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy có thiết bị hư hỏng dẫn đến hệ thống bị nghiêng và làm giàn giáo sập. Điều đáng nói 20 phút trước khi giàn giáo sập, đã có hiện tượng rung lắc nhưng công nhân vẫn tiếp tục làm việc và rồi dẫn đến tai nạn. Thậm chí trước đó ít ngày, người lao động cảnh báo về những biểu hiện có thể xảy ra sự cố song những người phụ trách thi công vẫn coi như không có chuyện gì.

Thống kê gần nhất, 6 tháng đầu năm 2014, cả nước đã xảy ra 3.500 vụ TNLĐ làm 280 người chết. Con số này chưa phản ánh được đầy đủ thực tế và mức độ nghiêm trọng của TNLĐ vì số liệu dựa trên khai báo của khoảng 7% các doanh nghiệp khi có TNLĐ xảy ra. Đặc biệt, số vụ TNLĐ thời gian qua phải đưa ra truy cứu trách nhiệm hình sự còn rất ít, chỉ chiếm khoảng 2% trên tổng số vụ việc.

Một điều có thể nhận thấy khi xảy ra TNLĐ thường các nhà thầu, đơn vị thi công hay chủ đầu tư luôn tìm cách để thoả thuận bồi thường với gia đình nạn nhân rồi ém nhẹm vụ việc với cơ quan chức năng khi 2 bên đã thoả thuận mức đền bù. Đây là lý do dẫn đến các qui định an toàn lao động bị xem thường hoặc chưa quan tâm đúng mức. Việc này cũng là phần nguyên nhân làm cho các nhà thầu, tư vấn giám sát chưa đề cao trách nhiệm. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân là bản thân người lao động cũng chưa được tập huấn nâng cao ý thức tự bảo vệ mình trong công tác an toàn lao động. Thống kê cho thấy chỉ khoảng 15 % số công nhân đã từng được tập huấn về an toàn lao động.

Nói thế để thấy trách nhiệm của người quản lý của các nhà thầu, các đơn vị tư vấn giám sát có vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn các vụ TNLĐ. Chỉ một phút lơ là đều có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho bản thân mà còn cho nhiều người khác đang lao động trên công trình. Đã đến lúc cần phải xử lý thật nghiêm các vụ việc bất cẩn đưa đến TNLĐ, để ngăn chặn và đi đến chấm dứt những sự cố TNLĐ làm thiệt mạng nhân công.