Tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế - Chuyện không khó!

(VOH) - Trong khi hiện nay, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) chỉ đạt 60% thì thời gian tới đây, khi viện phí tăng, làm sao để 40% dân số còn lại có được chiếc thẻ BHYT là vấn đề đáng để luận bàn.

Ảnh: thuvienphapluat

Có rất nhiều nguyên nhân để chúng ta phân tích, đó là: nghèo không có tiền mua, chính sách hỗ trợ mua thẻ BHYT cho hộ nghèo chưa bao phủ được hết số người nghèo, người dân cảm  thấy chưa mặn mà vì đi khám bảo hiểm y tế còn lắm nhiêu khê, nhiều quy định, thanh toán BHYT khiến người bệnh chưa thực sự hài lòng… và còn rất nhiều nguyên nhân khác.  Về điều này thì bà Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ bảo hiểm y tế - Bộ Y tế cũng thừa nhận những nhóm hiện nay được ngân sách nhà nước bảo đảm như trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo thì chưa đảm bảo thẻ đến tận tay, cụ thể như với trẻ em dưới 6 tuổi, có khoảng 10 triệu trẻ trong cả nước nhưng hiện mới có 7,8 triệu trẻ em có thẻ, đạt tỷ lệ khoảng 77%, hay người lao động trong doanh nghiệp, đây là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT nhưng chỉ có 53% tham gia bảo hiểm y tế… Những con số trên không phải là lý tưởng cho lộ trình chúng ta tiến đến bảo hiểm y tế toàn dân trong thời gian sớm nhất, và xem ra chặng đường này cũng còn lắm gian nan.

Trước thông tin sắp tới đây, hơn 400 dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng giá đã khiến người dân thêm lo lắng, nhất là với những ai chưa  tham gia BHYT. Ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT - Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết khi giá viện phí tăng thì bệnh nhân rất cần tham gia bảo hiểm y tế để đảm bảo khả năng tài chính trong chăm sóc sức khỏe, tránh rủi ro tài chính trong y tế. Không tham gia BHYT mà phải chi trả với mức giá viện phí cao sẽ vượt khả năng chi trả của đối tượng, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của bản thân, gia đình. Rồi sắp tới, cơ quan bảo hiểm xã hội cũng sẽ có rất nhiều giải pháp tăng nhanh số người tham gia bảo hiểm y tế.

Theo lộ trình, năm 2014 nước ta sẽ tiến đến bảo hiểm y tế toàn dân. Và, khi đã có chiếc thẻ BHYT trong tay, bệnh nhân được hỗ trợ rất nhiều, khoản chi trả cũng nhẹ bớt và điều đó cũng làm giảm bớt gánh nặng kinh tế ở người bệnh. Quan trọng hơn là hiện nay nhiều kỹ thuật cao, phương pháp chữa bệnh ưu việt cũng được bảo hiểm chi trả. Vậy thì cái khó ở đây là làm sao thông tin sâu rộng cho người dân hiểu rõ sự ưu việt của chính sách bảo hiểm y tế. Thêm vào đó, ở các cơ sở y tế - nơi mà hình ảnh trực quan sinh động diễn ra hằng ngày, hằng giờ liên quan đến công tác khám chữa bệnh, nhân viên y tế cần phải có sự ứng xử mềm mỏng, nhã nhặn hơn để người bệnh an tâm không thấy có sự phân biệt đối xử, theo đó thì chất lượng điều trị cũng phải công bằng hơn giữa bệnh nhân dịch vụ và bệnh nhân bảo hiểm y tế. Chính đây là yếu tố rất quan trọng để “tiếng lành đồn xa” và người dân khi đó sẽ tham gia BHYT một cách rất tự nguyện bởi vì họ thấy, quyền lợi của mình được đặt lên hàng đầu.