Thu hồi tài sản tham nhũng, khó cũng phải làm

(VOH) - Tình hình tham nhũng ở nước ta đang diễn biến phức tạp, đa dạng về loại hình, nghiêm trọng về tính chất cũng như mức độ.

Thời gian qua, những vụ “đại án” tham nhũng được đưa ra xét xử, kéo theo đó là một lượng lớn tài sản tham nhũng bị phát hiện. Đáng nói, số tài sản bất chính ấy lại núp bóng, chuyển hóa dưới nhiều dạng khác nhau nên vấn đề thu hồi chúng khá nan giải. Đã đến lúc, chúng ta cần một thái độ cương quyết, triệt để đối với tham nhũng và thu hồi tài sản do tham nhũng có được.

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều vụ “đại án” kinh tế, tham nhũng được đưa ra xét xử. Với những bản án công minh, dư luận đồng tình và ủng hộ công cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.Thế nhưng sau mỗi vụ án, liệu những thất thoát, lãng phí từ tài sản tham nhũng có thu hồi được không? Nếu có thì được bao nhiêu?... Đây là những câu hỏi tâm huyết mà người dân mong được trả lời thỏa đáng. Bởi xét cho cùng, xử lý tham nhũng mà không thu hồi được tài sản cũng đồng nghĩa cuộc đấu tranh ấy chưa hiệu quả! Đáng tiếc là đến nay, mọi thứ vẫn bỏ ngỏ khi chưa có một thống kê chính xác nào cho vấn đề trên.

Thu hồi tài sản tham nhũng, khó cũng phải làm

6.500 tỉ đồng trong vụ Phạm Công Danh đang gặp khó khăn trong công tác thu hồi. Ảnh: bizlive

Theo báo cáo tại cuộc họp Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vào tháng 9/2018: Hàng ngàn tỉ đồng trong các vụ “đại án” đang gặp khó khăn để thu hồi như: 6.500 tỉ đồng trong vụ Phạm Công Danh; hơn 13.700 tỉ đồng trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như... Hay như vụ tham nhũng xảy ra tại Vinalines, các bị cáo làm thất thoát tài sản Nhà nước 370 tỷ đồng nhưng đến nay mới thu hồi được 2,8 tỷ đồng tiền mặt, kê biên được vài ngôi nhà. Rõ ràng, đây là dấu hỏi lớn cho việc ngăn chặn và thu hồi tài sản bất minh!

Nếu việc thu hồi hiệu quả, nó sẽ tác động vào tâm lý tội phạm, ngăn chặn được động cơ tham nhũng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi xét xử các vụ án, tòa tuyên bố thu hồi hàng ngàn tỉ đồng nhưng kết quả đạt được lại rất nhỏ, có trường hợp không đủ thi hành nghĩa vụ mà bản án đã tuyên. Nhiều nguyên nhân để giải thích cho vấn đề này như: Chế độ quản lý không kiểm soát được đường đi của dòng tiền. Nhiều trường hợp tham nhũng xảy ra rất lâu mới phát hiện, đối tượng đã kịp cất giấu, hợp pháp hóa tài sản, thậm chí tiêu xài hoang phí. Đồng thời, quá trình truy tố, xét xử kéo dài, càng khiến tội phạm có thêm thời gian tẩu tán… Quả thật, phát hiện tham nhũng đã khó, thu hồi được tài sản tham nhũng còn khó gấp bội.

Lẽ thường khi đã muốn giấu tài sản bất minh, chẳng ai để cho phát hiện dễ dàng. Tội phạm tham nhũng luôn “khéo léo” để che giấu tài sản, tiền bạc dưới nhiều vỏ bọc khác nhau. Thậm chí, chúng còn “hợp thức hóa” tài sản đó, tiền bạc đó thông qua hành động “rửa tiền” có tổ chức. Do đó, chúng ta có thể thống kê thiệt hại mà tham nhũng gây ra nhưng không thể thu hồi đầy đủ tài sản bị thất thoát. Ngay tại các quốc gia phòng chống tham nhũng hiệu quả như Singapore, Hàn Quốc… họ cũng không hy vọng thu hồi được 100% tài sản tham nhũng.

Lòng tham của con người là vô tận, không bao giờ có điểm dừng. Đấu tranh chống tham nhũng là một quá trình lâu dài, gian nan và vất vả. Đã đến lúc, thay vì cứ mãi loay hoay với câu chuyện thu hồi tài sản, tại sao chúng ta không “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”? Không ngăn chặn tham nhũng ngay từ đầu bằng cách xác minh rõ tài sản khi kê khai? Nói cách khác, trách nhiệm giải trình và chế tài khi không giải thích rõ tài sản sỡ hữu cần được áp dụng để nhận diện tham nhũng. Tài sản bắt nguồn từ thu nhập. Mức lương cao nhất ở nước ta hiện nay không quá 16 triệu. Với đồng lương đó thì bất cứ cán bộ, lãnh đạo nào có tài sản giá trị đều có thể đặt dấu hỏi.

Pháp luật Việt Nam hoàn toàn cho phép việc truy nguyên tài sản, vấn đề là người làm có theo đuổi đến cùng hay không? Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong một triệu người kê khai tài sản, có năm người phải xác minh và chỉ có một người bị xử lý kỷ luật vì kê khai không trung thực. Đây là điều đáng để chúng ta suy ngẫm! Hiện các cơ quan chức năng vẫn loay hoay trong tư duy “Tài sản tham nhũng là tài sản phạm tội” nhưng nếu tư duy như thế thì phải chờ đến bản án của tòa sẽ rất chậm. Cần siết chặt lại vấn đề này trước khi mọi thứ thành “chuyện đã rồi”.

Mặt khác, cần xem lại quy định về khắc phục hậu quả để được giảm nhẹ trong các án tham nhũng. Nhiều vụ án tham nhũng hàng chục, thậm chí hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng nhưng nếu bị cáo “khắc phục” được vài trăm triệu là coi như “có tình tiết giảm nhẹ”. Thiết nghĩ, pháp luật cần phải quy định rõ hơn vấn đề này. Tội phạm phải giao nộp lại bao nhiêu phần trăm thì mới được coi là “giảm án”?  Muốn thu hồi tài sản tham nhũng triệt để, đừng để quy định trùng lắp, giẫm đạp lên các quy định khác của luật. Nếu chúng ta làm tốt sẽ tiết kiệm được công sức cho công tác thu hồi về sau.

Một yếu tố nữa cần phải phát huy, đó là nâng cao quyền làm chủ và sự tham gia của người dân trong công cuộc phòng, chống tham nhũng. Người dân phải được phát huy quyền và thái độ “ứng xử” của mình với hiện tượng tham nhũng. Mỗi người dân có thể lên án, đấu tranh với các hành vi tham nhũng bằng nhiều phương thức, cách thức phù hợp. Nếu tài sản tham nhũng là nhà cửa, đất đai thì chắc chắn không thể nào qua mắt được nhân dân. Đây sẽ là nguồn tin thiết thực cho các cấp chức năng trong việc thu hồi tài sản bất minh. Quan trọng là làm sao để niềm tin của người dân được “đốt cháy” mạnh hơn nữa!

Cần nhận thức rằng thu hồi tài sản tham nhũng không phải là giải quyết hậu quả, là khâu cuối cùng của quá trình phòng, chống tham nhũng. Công tác thu hồi phải được thông qua các kênh như hình sự, dân sự, hành chính. Để rồi trên cơ sở đó hoàn thiện pháp luật, thiết chế về thu hồi tài sản tham nhũng, đưa ra được cụ thể trình tự, thủ tục cũng như cách thức hợp tác cho các bên… Dẫu khó chúng ta cũng phải làm bởi nếu không, công tác thu hồi tài sản sẽ mãi không hiệu quả.