Thuận thiên cho thịnh vượng

(VOH) - Tại thành phố Hố Chí Minh vừa diễn ra Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hai năm trước, Hội nghị triển khai Nghị quyết 120 được tổ chức tại thành phố Cần Thơ được xem là bước đột phá, mở ra kỳ vọng cho những bước tiến nhảy vọt trong tương lai của vựa lúa lớn nhất cả nước. Hội nghị lần này, Chính Phủ thể hiện quyết tâm, thẳng thắn đo đếm kết quả hành động trên tất cả các lĩnh vực, nhằm tạo sự chuyển mình thực chất cho “vùng đất vàng” sông Cửu Long.

Hơn 20 năm trước, chuyện về những tuyến bờ bao lửng ở vùng Thạnh Hóa, tỉnh Long An đã gợi lên rất nhiều suy nghĩ. Với các trận lũ cuồn cuộn chực chờ nuốt chửng mọi thứ, nhất là lúc cao điểm thì bờ bao lửng có tác dụng gì ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)? Về sau, mọi người mới vỡ lẽ, bờ bao lửng có thể chống lũ thấp đầu mùa, giúp bảo toàn sản xuất, thu hoạch lúa vụ hai. Sau đó cũng với bờ bao này, bà con sẽ mở luồng đón lũ lớn tràn về. Khi nước rút, chúng sẽ giữ lại phù sa, giúp bà con tháo chua, rửa phèn, chuẩn bị đất cho vụ mùa kế tiếp. Cùng với ý tưởng về các giải pháp giúp bà con bám đất, bám lũ để sinh sống thì câu chuyện bờ bao lửng có thể xem là tiêu biểu cho việc thích ứng“thuận tự nhiên” mà về sau các chuyên gia gọi bằng cụm từ “sống chung với lũ” ở ĐBSCL.

Cũng thời điểm ấy, cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, người sinh thời luôn trăn trở, đau đáu về ĐBSCL từng ký ban hành Quyết định 99 ngày 09/02/1996 tạo tiền đề giúp vùng đất này chuyển mình với kế hoạch 5 năm (1996-2000) “phát triển thủy lợi, giao thông và xây dựng nông thôn ĐBSCL”. Thành quả về sau là nhiều cụm tuyến dân cư ra đời, giúp bà con vùng lũ an toàn, ổn định làm ăn sinh sống. Hoàn thành chương trình ngọt hóa Gò Công, Cà Mau, Nam Măng Thít, mở rộng diện tích trồng lúa, cây trái, hoa màu, từ đó đời sống người dân được cải thiện đáng kể. Giao thông, thủy lợi, kinh tế khu vực ĐBSCL “thay da đổi thịt”, tạo bước ngoặt thuận lợi cho ĐBSCL phát triển.

đồng bằng sông Cửu Long, biến đổi khí hậu

Đồng bằng sông Cửu Long mùa nước nổi. Hình: Báo Giáo dục Thời đại

Lợi thế và tiềm năng của ĐBSCL thì không cần phải bàn cãi. Với khu vực chiếm đến 50% sản lượng lúa, 95% tỷ trọng xuất khẩu gạo, dân số khoảng 20 triệu người, lại nằm ở ngã ba giao thương với khu vực ASEAN, tiểu vùng Mê Kông thì tất yếu cần có những tác động mạnh mẽ bằng chính sách đặc thù để tạo động lực phát triển nhanh hơn, xa hơn cho khu vực này.

Tiền đề ấy, cộng với bối cảnh mới, biến đổi khí hậu lại đến sớm hơn dự báo, khai thác chặn dòng nơi thượng nguồn các nước tiểu vùng sông Mê Kông càng khiến ĐBSCL trở thành nơi dễ tổn thương nhất. Từ đó, đời sống xã hội và nền kinh tế 13 tỉnh- thành này bị đặt trước nhiều thử thách nan giải.

Vì vậy ngày 17/11/2017, Chính Phủ ban hành Nghị quyết 120 “về phát triển ĐBSCL bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu” mà có chuyên gia gọi là “Nghị quyết thuận thiên”. Quan điểm và mục tiêu xuyên suốt của Nghị Quyết là: “Kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm được cuộc sống ổn định, khá giả của người dân... Tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên...”. Nghị quyết ra đời rất kịp thời, tiếp tục mở ra cho ĐBSCL cơ hội mới.

Qua 2 năm thực thi Nghị quyết 120 của Chính Phủ, tăng trưởng GDP ĐBSCL đạt 7,8%, đó là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 4 năm qua. Năm 2018, khách du lịch đến vùng đất này 40 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đã đạt con số 3 triệu 500 ngàn người. Kim ngạch xuất khẩu toàn vùng lần đấu đạt 15 tỷ 700 triệu đô la Mỹ. Hạ tầng giao thông, hệ thống cầu đường đã gắn kết hầu hết các tỉnh thành đã có phát triển đáng ghi nhận. Cơ chế chính sách dần được triển khai rộng khắp và tiến tới hoàn thiện...

Dù vậy về cơ bản những vấn đề mấu chốt của ĐBSCLvẫn chưa được giải quyết và cần thêm nhiều thời gian. Bài toán về “điểm nghẽn” giao thông kết nối liên vùng vẫn còn nan giải. 13 tỉnh thành rộng lớn chiếm 12% dân số cả nước nhưng hiện chỉ có chưa đầy 70 km cao tốc TPHCM-Trung Lương. Tuyến Quốc lộ 1 độc đạo dù được nâng cấp nhiều lần nhưng vẫn còn lồi lõm, giằng xóc, ùn xe, kẹt xe thường xuyên. Đường hàng không chậm tăng trưởng, chưa phát huy công năng và hiệu suất khai thác sân bay. Các tuyến đường thủy chưa hoàn toàn thông luồng, chưa thể chia lửa với sự quá tải của đường bộ. Đường sắt thì gần như bằng không. Chất lượng giáo dục, y tế, khoa học công nghệ... còn thấp so với yêu cầu. Với nhân lực, một thập kỷ qua có hơn 1 triệu 700 ngàn người dịch chuyển khỏi khu vực nhưng chỉ có khoảng 700 ngàn người tìm đến đây. Là hàng xóm của TPHCM nhưng câu chuyện kết nối liên vùng của ĐBSCL với đô thị đặc biệt này còn rời rạc, thiếu đồng bộ. Sạt lở, xâm nhập mặn tạo ra những hệ lụy môi trường, đe dọa cuộc sống người dân đã hiển hiện.  

Đầu năm nay, tại Hội nghị triển khai “Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương- CPTPP” diễn ra ở Cần Thơ, một vị lãnh đạo thành phố này phải thốt lên rằng: “Cả vùng ĐBSCL có 13 tỉnh-thành nhưng thu ngân sách chỉ bằng 1 tỉnh Bình Dương (tức khoảng 50.000 tỉ đồng)”. Không bất ngờ với thông tin trên nhưng nó chỉ ra thực trạng ì ạch trong tiến trình phát triển cả vùng ĐBSCL. Đó là bài học về chiến lược, tư duy chính sách ở các địa phương cần phải được “làm mới”, tạo sự kết nối chặt chẽ toàn vùng chứ không phải mạnh ai nấy làm. Nông nghiệp đúng là thế mạnh toàn vùng nhưng kinh tế nông nghiệp và hội nhập kinh tế, khai thác lợi thế vùng như thế nào lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

Giờ đây, phát triển kinh tế, khai thác thế mạnh theo lối tư duy “rừng vàng biển bạc” đã không còn phù hợp. Nông nghiệp sẽ chẳng thể nâng cao được giá trị và mang lại sự giàu có cho đại đa số nhân dân ĐBSCL nếu chỉ chú tâm vào số lượng, khai thác, đánh bắt là chính. Thành ra, Nghị Quyết 120 của Chính Phủ đã chỉ rõ mục tiêu đến năm 2050, “ĐBSCL phải trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, tổ chức xã hội tiên tiến; thu nhập bình quân đầu người đạt cao hơn trung bình cả nước, sinh kế của người dân được bảo đảm; tỉ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 80%... Hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy được phát triển đồng bộ, kết nối trong vùng”.

Tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định một lần nữa chính sách phát triển ĐBSCL là “thúc đẩy triết lý phát triển “thuận thiên”, dựa vào các quy luật của tự nhiên, không can thiệp thô bạo vào tự nhiên. Nhưng điều này không có nghĩa là cam chịu, chấp nhận số phận hay sự sắp đặt của tạo hóa. Số phận suy vong hay thịnh- phát do chính chúng ta quyết định bằng hành động của mình, chứ không phải “thuận thiên” là xuôi tay hết”...Thủ tướng cũng nhấn mạnh,“xét cho cùng, thử thách tự nhiên và tạo hóa không nghiêm trọng bằng sự dao động của ý chí, bản lĩnh, niềm tin của chúng ta”.

Từ những kết quả bước đầu của Nghị quyết 120, Chính phủ cùng các Bộ ngành gần như cam kết tới đây sẽ tạo điều kiện tối đa về mặt chính sách, vốn, hạ tầng, ưu tiên môi trường đầu tư, kinh doanh để ĐBSCL thật sự cất cánh. Mục tiêu cuối cùng của “Nghị quyết thuận thiên” này nhằm thay đổi toàn diện bộ mặt kinh tế -  xã hội, biến những khó khăn, thách thức của tự nhiên thành cơ hội cho toàn vùng. Đó chính là đòn bẩy mới, tạo động lựcmạnh giúp ĐBSCL thuận thiên mà hướng đến thịnh vượng và là đích đến đáng chờ đợi cho tương lai của các thế hệ người dân vùng đất “chín rồng”.