Tuần lễ cấp cao APEC 2017- Những quyết sách quan trọng và dấu ấn của Việt Nam

(VOH) - Tuần lễ cấp cao APEC 2017 đã đi được một nửa chặng đường. Ngày mai (11/11), hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 sẽ chính thức diễn ra.

Đây là một trong những hoạt động quan trọng nhất của Tuần lễ cấp cao APEC 2017, với những quyết sách chính trị quan trọng có thể tác động đến tình hình thế giới. Cùng với đó, việc Việt Nam lần thứ hai đảm nhận vai trò chủ nhà APEC 2017 một lần nữa là minh chứng cho thấy Việt Nam luôn là thành viên năng động và có trách nhiệm, đóng góp tích cực và hiệu quả cho sự phát triển của APEC.

Thành phố Đà Nẵng bảo đảm cơ sở hạ tầng hiện đại, đạt chuẩn phục vụ APEC 2017. Ảnh: Báo Đà Nẵng

Hội nghị cấp cao các Nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 sẽ khai mạc với lễ đón 20 nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC và hai phiên họp kín thảo luận về các nội dung trọng tâm của APEC, đường hướng tương lai sau năm 2020. Trước đó, trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra với đầy ắp các sự kiện, trong đó điểm nhấn thành công là Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS); Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (CEO summit). Cùng với đó là phiên Đối thoại Cấp cao không chính thức giữa APEC và ASEAN… Tại tất cả các hội nghị này, cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, bạn bè quốc tế đều đánh giá cao những cam kết của Việt Nam về quyết tâm xây dựng một chính phủ kiến tạo, một môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng; và đồng lòng ủng hộ Việt Nam ….

Đáng chú ý, sự có mặt của gần 3.000 đại biểu tham dự các hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam, hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có rất nhiều các nhà lãnh đạo kinh tế thế giới như Giám đốc Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới Philipp Rosler, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á- Thái Bình Dương bà Victoria Kwakwa; sự hiện diện của lãnh đạo kinh tế các nền kinh tế thành viên APEC như Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski, Trưởng đặc khu Hành chính Hong Kông, Trung Quốc Lâm Trịnh Nguyệt Nga; Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte; Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng New Zeleand  acinda Ardern, Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Donald Trump… đã đưa Đà Nẵng trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.

Nhiều ý tưởng, nhiều sáng kiến mới, nhiều cam kết mới thúc đẩy sáng tạo, tăng trưởng và thịnh vượng cho các nền kinh tế đã được đưa ra, đưa APEC trở thành một diễn đàn ngày càng có ảnh hưởng và uy tín trên trường quốc tế.

Đối với Việt Nam, việc chính thức trở thành thành viên APEC năm 1998 là một bước tiến, một dấu mốc quan trọng trong quá trình hiện thực hóa đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ và hội nhập kinh tế quốc tế. APEC là cơ chế hợp tác kinh tế đầu tiên ở tầm châu Á - Thái Bình Dương mà Việt Nam tham gia kể từ khi bước vào công cuộc Đổi mới, nơi Việt Nam triển khai, cụ thể hóa các khuôn khổ hợp tác dài hạn với nhiều đối tác trong khu vực. Bên cạnh đó, trong 19 năm qua, với phương châm hợp tác cùng nhau xây dựng một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, phát triển và kết nối thịnh vượng, Việt Nam luôn chứng tỏ là một thành viên tích cực, chủ động cùng các thành viên APEC triển khai mạnh mẽ liên kết kinh tế và củng cố hệ thống thương mại đa phương trong khu vực.

Không chỉ tham gia đầy đủ và có trách nhiệm vào nhiều chương trình hợp tác và hành động tập thể của APEC trong các lĩnh vực, đồng thời thực hiện nghiêm túc các cam kết hợp tác của APEC, Việt Nam còn chủ động đưa ra các đề xuất, sáng kiến đóng góp nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khu vực. Đặc biệt, Việt Nam đã ghi dấu ấn đậm nét trong lần đầu tiên đăng cai tổ chức thành công một hội nghị cấp cao APEC. Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14 tại Hà Nội năm 2006, được đánh giá có ý nghĩa bản lề, đưa ra những định hướng hợp tác dài hạn cho APEC, đặc biệt là Kế hoạch hành động Hà Nội để thực hiện Lộ trình Busan hướng tới hoàn thành các Mục tiêu Bô-go do Việt Nam đề xuất. Đây là một đóng góp quan trọng nhằm cụ thể hóa các biện pháp thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư; phát triển bền vững; phát triển nguồn nhân lực… giữa các nền kinh tế thành viên APEC. Dưới sự chủ trì của Việt Nam, các nhà lãnh đạo APEC lần đầu tiên đạt đồng thuận, chính thức khẳng định “việc hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) là một triển vọng dài hạn”, phù hợp xu thế liên kết sâu rộng ở toàn khu vực. Những kết quả trong Năm APEC 2006 là một minh chứng rõ nét thể hiện vai trò, trách nhiệm và khả năng đóng góp của Việt Nam vào các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Năm APEC 2017 cùng với Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 tại Đà Nẵng là một đóng góp thiết thực nữa của Việt Nam góp phần duy trì vai trò và vị thế của APEC, xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương của thế kỷ 21 tự cường, năng động và thịnh vượng - động lực của tăng trưởng toàn cầu. Với tư cách là một thành viên chủ động và có trách nhiệm, những đóng góp đáng kể và quan trọng của Việt Nam trong APEC là sự thể hiện sinh động hình ảnh một Việt Nam đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế và có vai trò tích cực thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác trong khu vực.

Thành công của năm APEC Việt nam 2017, một lần nữa, khẳng định sức hút của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương APEC, đồng thời cho thấy một vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế.