Ván cờ tĩnh lặng ở Thái Bình Dương

(VOH) - Là những quốc gia nhỏ bé nhưng những quốc đảo ở Thái Bình Dương nắm giữ vị trí chiến lược quan trọng và trở thành “điểm đến” cho những cuộc đua giành lợi ích của các nước lớn.

Trong bối cảnh làn sóng đầu tư và nhập cư từ Trung Quốc ồ ạt đổ về các quốc đảo Thái Bình Dương, Mỹ và đồng minh cũng đang nỗ lực tăng sức ảnh hưởng ở khu vực này. Giới phân tích quốc tế cho rằng, cạnh tranh chiến lược và ảnh hưởng ở Thái Bình Dương đang thực sự “tăng nhiệt”.

Mới đây hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin riêng cho biết Mỹ, Australia, Pháp và Anh sẽ mở thêm sứ quán ở Thái Bình Dương. Cụ thể, Mỹ sẽ tăng số nhân viên ngoại giao tại Palau, Liên bang Micronesia và sắp tới là cả Fiji. Trong một hoạt động tương tự, chính phủ Australia dự kiến sẽ lần đầu tiên cử đại sứ đến Tuvalu trong vài tuần tới. Anh cũng sẽ mở các đại sứ quán mới tại Vanuatu, Tonga và Samoa bắt đầu vào tháng 5/2019. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Macron đang tìm cách tổ chức một cuộc họp với các lãnh đạo ở Thái Bình Dương vào đầu năm tới.

Thái Bình Dương
Trung Quốc và Australia đang có cuộc cạnh tranh ảnh hưởng mạnh mẽ tại Solomom. Ảnh: NYT

Theo hãng tin Anh Reuters, cuộc chiến giành ảnh hưởng tại các đảo quốc thưa thớt dân cư ở Thái Bình Dương trở nên quan trọng. Nguyên nhân là dù bé nhỏ, nhưng mỗi quốc đảo nhỏ bé này đều có một lá phiếu trong các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, đồng thời các nước này cũng kiểm soát những vùng biển rộng lớn giàu tài nguyên. Về mặt địa lý, các quốc đảo nằm ở Thái Bình Dương là khu vực kết nối giữa châu Á với Australia và với châu Mỹ La tinh. Ngoài ra, khu vực này đang chứng kiến sự gia tăng vượt bậc về lưu lượng vận tải hàng hải khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết. Vì thế có thể nói, khu vực này giữ vị trí quan trọng trong việc duy trì tự do hàng hải của các nước phương Tây.

Lật lại lịch sử, kể từ năm 2011, Trung Quốc đã chi 1 tỷ 300 triệu đô la Mỹ  theo hình thức cho vay ưu đãi và quà tặng, qua đó trở thành nhà tài trợ lớn thứ hai ở Thái Bình Dương sau Australia, khiến Mỹ và phương Tây lo ngại rằng Trung Quốc đang mở rộng tầm ảnh hưởng tại đây. Hãng tin Anh dẫn lời các quan chức chính phủ và các nhà ngoại giao nhận định, đó là lý do thực sự để Australia, New Zealand và Mỹ tăng viện trợ kinh tế và mở rộng sự hiện diện ngoại giao tại các nước trong khu vực. Một nguồn tin giấu tên từ Chính phủ Mỹ nói rằng Washington cần phải có đại diện đầy đủ ở các nước Thái Bình Dương để các chính phủ này biết rằng có nhiều lựa chọn mở ra cho họ cũng như “hậu quả” có thể từ việc họ nhận trợ giúp từ các nước khác. Hiện Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia, cũng như các đại diện của chính phủ Australia, Anh, Pháp và Mỹ tại Australia đều chưa đưa ra bình luận gì về thông tin do Reuters đưa ra.

Với những động thái vừa diễn ra, có vẻ như các quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương đã trở thành vũ đài cho một cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc. Mỹ đã cam kết đầu tư hơn 350 triệu đô la Mỹ cho các đảo quốc Thái Bình Dương, dưới hình thức trợ giúp thực thi pháp luật, quản lý nghề cá và các khoản viện trợ khác. Ngân sách phát triển chính của Ngân hàng Thế giới cho các quốc đảo Thái Bình Dương tăng hơn gấp đôi, lên tới 808 triệu đô la Mỹ trong ba năm. Australia còn đi xa hơn nữa. Viện trợ cho các đảo quốc Thái Bình Dương đã tăng lên 1,3 tỷ đô la Australia ( tương đương 960 triệu đô la Mỹ) trong ngân sách năm nay, tăng 18%. Theo số liệu từ dự án mới của Viện Lowy, một viện nghiên cứu chính sách đối ngoại của Australia, mặc dù Australia hiện vẫn là nhà viện trợ lớn nhất cho các nước Thái Bình Dương, song những khoản tiền lớn đang được Trung Quốc chi trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường cho thấy Bắc Kinh có thể sớm đuổi kịp và vượt Australia  để trở thành nhà viện trợ lớn nhất. Vành đai và Con đường là dự án đầu tư và thương mại khổng lồ kết nối Trung Quốc với 68 quốc gia trên toàn thế giới.

Ngoài ra, việc Trung Quốc được cho là có kế hoạch xây dựng một căn cứ hải quân ở Vanuatu khiến nhiều nước phương Tây lo ngại.Đó là bởi một căn cứ của Trung Quốc ở đây sẽ có tiềm năng biến thành một “căn cứ tình báo” quân sự đặc biệt do khu vực này gần như tiếp giáp với cả Australia và New Zealand - hai đồng minh quan trọng của Mỹ. Rõ ràng, động thái trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực châu Á Thái Bình Dương trong hơn một thập kỷ qua mới là nguyên nhân thực sự khiến Mỹ và các đồng minh “đứng ngồi không yên”, buộc phải thay đổi chính sách với khu vực, trong đó có các quốc đảo Thái Bình Dương.

Báo cáo mới đây của Mỹ đã cảnh báo về tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khuc vực, buộc Mỹ phải tính toán các biện pháp để đảm bảo lợi ích của mình.Theo các chuyên gia, kế hoạch gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở bất cứ khu vực nào cũng nằm trong những tính toán kỹ lưỡng và những bước đi cụ thể. Nhờ lợi thế kinh tế, Trung Quốc sẵn sàng chi hàng tỷ đô la cho những dự án tại các khu vực trọng điểm.

Thời gian gần đây, người ta nói nhiều đến khái niệm “ngoại giao sổ nợ” mà Trung Quốc đang thực thi. Nhóm nghiên cứu tại Đại học Harvard Kennedy (Mỹ) mới đây đã gửi lên Bộ Ngoại giao Mỹ một bản báo cáo cho rằng bằng cách cho vay ưu đãi vượt ngoài sức chi trả, sau đó dùng chính những món nợ này để giành thế chủ động trong việc tạo ảnh hưởng ở khu vực, Trung Quốc đang đẩy mạnh chính sách “ngoại giao sổ nợ” ở châu Phi, Nam Mỹ và nay là các quốc đảo vùng Thái Bình Dương.

Không ít ý kiến cho rằng, Mỹ và các đồng minh có vẻ đang chậm chân hơn Trung Quốc trong việc tiếp cận và tạo chỗ đứng ở các quốc gia nhỏ Thái Bình Dương. Chiến lược “xoay trục” sang châu Á Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Obama hay chiến lược “Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương mở và tự do” của Tổng thống Donald Trump nhìn chung đều nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực. Thế nhưng, dường như hiệu quả chưa tương xứng với các biện pháp “mưa dầm thấm lâu” mà Bắc Kinh đã và đang thực hiện. Mỹ vẫn đang khá lúng túng trong việc đối phó với sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Cũng có quan điểm ví von rằng đang có một ván cờ tĩnh lặng nhưng quyết định đang diễn ra nhằm nắm quyền chi phối các đảo nhỏ ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên chỉ có một bên quyết tâm, còn bên kia dường như đang nhường lại trận địa mà không mấy hăng hái chiến đấu. Trước thực tế này, một số quan chức Mỹ nhận định Mỹ cần duy trì sự hiện diện tương xứng tại các quốc gia ở Thái Bình Dương nhằm giúp các quốc gia này hiểu rằng họ còn có nhiều lựa chọn khác ngoài Trung Quốc, cũng như nhận thức được những hệ quả mà họ có thể phải gánh chịu nếu nhận viện trợ từ nước ngoài.

Chưa rõ liệu Mỹ và các đồng minh sẽ quyết tâm đến đâu trong việc giành lại ảnh hưởng ở khu vực Thái Bình Dương, song việc Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng trên biển chắc chắn sẽ trở thành câu chuyện địa chính trị quan trọng khiến dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm trong thời gian tới.