Vấn đề hôm nay: Chuyện cây tăm: Tưởng nhỏ mà không nhỏ!

(VOH) - Trong năm tháng đầu năm 2010 lượng tăm tre nhập khẩu qua cảng Cát Lái, Tp.HCM là 82,5 tấn – mà phần lớn xuất xứ từ Trung Quốc. Thông tin nầy làm người bất ngờ, sững sờ… nhất là giới tiểu thủ công mỹ nghệ và bà con nông dân trồng tre.

Cứ tính 1 người xỉa 2 cây tăm 1 ngày, như vậy, gần 90 triệu người dân Việt Nam phải xỉa đến bao giờ mới hết 82,5 tấn tăm được nhập khẩu về? Trớ trêu thay, hầu hết lượng tăm Trung Quốc này chất lượng ra sao, có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không thì không rõ! Đặc biệt, để dùng trong thời gian dài, tăm phải được tẩm hóa chất bảo quản chống mối mọt, và hóa chất này có độc hại hay không, nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng ở mức độ nào thì vẫn còn là một ẩn số đối với cây tăm xỉa răng! Đối với các loại thực phẩm, hàng hóa hoặc nữ trang có xuất xứ từ Trung Quốc đang tràn ngập trị trường Tp.HCM nói riêng và VN nói chung – đã và đang gây ảnh hưởng xấu đến người sử dụng. Vừa qua, Quản lý thị trường TP HCM đã công bố kết quả xét nghiệm cho thấy, trong số 7.608 sợi dây chuyền, lắc tay, nhẫn xi mạ Trung Quốc bị thu giữ hồi tháng 1, có đến 7.500 món chứa chất độc chì và cadimi – loại độc nếu tiếp xúc lâu dài có thể làm rối loạn chức năng gan, đau xương, thiếu máu, tăng huyết áp, nếu có thai thì bị dị dạng thai và chất có thể gây ung thư. Chúng ta vẫn còn nhớ như in một số công ty Trung Quốc sản xuất sữa YiLi, SanLun chứa melamine làm cho trẻ em bị sỏi thận, có thể tử vong hoặc phá hủy bộ máy sinh sản, gây suy thận, sỏi thận đối với người lớn. Điều đó cho thấy: Hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc quả là không an toàn và gây nguy hại cao đến sức khỏe người tiêu dùng.

Trở lại vấn đề tăm tre Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam, không những người tiêu dùng bị thiệt hại 1 mà các nhà sản xuất trong nước bị thiệt hại 10 vì người dân trồng tre không biết phải tiêu thụ sản phẩm ở đâu, phải đốn bỏ tre mà đi trồng loại cây khác. Các cơ sở sản xuất trúc, tre mấy năm gần đây mất đi thị trường Đông Âu, khủng hoảng kinh tế do máy móc lạc hậu, công suất thấp, mẫu mã chậm cải tiến. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng mây, tre, cói thảm giảm 23,7% so với cùng kỳ tính ở thời điểm năm 2009.

Ai cũng nghĩ tăm tre là chuyện nhỏ nhưng thật chất cái tăm tre nhỏ nhoi ấy liên quan đến nhiều ngành nghề, đến người trồng tre, nhà sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, người tiêu dùng Việt Nam. Để có được cái tăm tre nhỏ ấy, ta phải xuất nguyên liệu thô đi và nhập về thành phẩm với giá cao gấp nhiều lần trong khi chúng ta có thể tự sản xuất và tiêu thụ trong nước nhằm tiết kiệm nguồn ngoại tệ. Đúng thật là nghịch lý! Với cái kiểu nhập tùy tiện, chạy theo những lợi ích cục bộ trước mắt của người nhập, góp phần tăng nhập siêu cao thì biết đến bao giờ kinh tế Việt Nam mới có thể đứng vững và phát triển, thu nhập người làm nông được ổn định đây? Cho tới bây giờ, công nghiệp chế biến tre phần lớn vẫn là thủ công, chỉ là những sảm phẩm thấp cấp, chưa có được sản phẩm cao cấp. Con số 280 triệu đô la về xuất khẩu tre của Việt Nam là quá thấp so với hơn 10 tỉ đô la trên thị trường xuất khẩu tre thế giới. Quanh đi quẩn lại cũng là do khâu chế biến, sản xuất ọp ẹp. Để có thể phá vỡ điều này, doanh nghiệp là yếu tố quyết định. Doanh nghiệp phải có vai trò nhất định bởi người nông dân không thể tự dưng làm, tự dưng trồng, tự dưng sản xuất, tự dưng tham gia thị trường được. Doanh nghiệp là cầu nối trực tiếp nhất giữa nông dân với thị trường, đưa nông dân vào với thị trường, khắc phục được tình trạng Chính phủ đang đẩy thị trường xuống với nông dân. Cho nên, Chính phủ cần phải có một chính sách rõ ràng để doanh nghiệp tự tin và yên tâm hơn về với nông thôn, về với nông dân.

Chuyện cây tăm! Tưởng nhỏ mà không nhỏ!?!

Minh Phước