Văn hóa công sở: Xin dừng là chuyện "Đánh trống bỏ dùi"?

(VOH) - Có hiệu lực từ tháng 9-2007, "Quy chế văn hóa công sở" do Thủ tướng Chính phủ ban hành với mục đích: đảm bảo tính nghiêm túc và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước.

Văn hóa công sở: Xin dừng là chuyện "Đánh trống bỏ dùi" ?

 

(VOH) - Có hiệu lực từ tháng 9-2007, "Quy chế văn hóa công sở" do Thủ tướng Chính phủ ban hành với mục đích : đảm bảo tính nghiêm túc và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước ; xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ; lấy sự gần gũi, nhiệt tình và trách nhiệm làm cơ sở trong tiếp xúc làm việc với người dân…

 

Với những mục đích “thể hiện sự tôn trọng đối với dân” như vậy nên ngay từ khi ban hành, quy chế văn hóa công sở được kỳ vọng sẽ tạo một diện mạo mới về hình ảnh công sở “thân thiện - văn minh” với người dân khi có dịp làm việc, tiếp xúc, vì một lẽ rất dễ thấy là

môi trường công sở và bản thân các công chức của ta vốn rất ít sự niềm nở, hiếm hoi sự thân thiện, nhưng lại rất dư thừa sự quan liêu, nhiều sự kẻ cả ! Thực tế này đã tồn tại từ rất lâu, và với những công sở mà “quyền” càng lớn, người dân cần đến càng nhiều thì thực tế nêu trên càng đúng !

 

Nhưng đã gần 2 năm qua, có thể thấy gì từ việc thực hiện quy chế nêu trên của Thủ tướng ?

 

Trước hết là vẫn còn “độ chênh” giữa quy chế và thực tế ! Những nội dung của quy chế như “cán bộ, công chức, viên chức phải đeo thẻ khi thực hiện nhiệm vụ” thì được thực hiện ngẫu hứng, tự phát, có người đeo, người không đeo ; “quy định giờ giấc làm việc rõ ràng” nhưng chỉ là danh nghĩa, đa số vẫn đủng đỉnh và hiện tượng trễ giờ, bắt dân chờ vẫn là phổ biến ; rồi việc giữ xe khách liên hệ công tác vẫn lấy tiền thay vì miễn phí, thờ cúng trong cơ quan v.v…vẫn là những chuyện đây đó có thể bắt gặp ; riêng quy định “

cấm hút thuốc lá, cấm uống rượu bia tại nơi làm việc”… thì lại càng hiếm có nơi chấp hành (may lắm là hạn chế được “trong giờ làm việc”, chứ còn cấm “tại nơi làm việc” thì hầu như “bất khả thi” ! )

 

 

Đáng nói nhất là tình trạng khan hiếm nụ cười, ứng xử quan liêu, trịch thượng, hay bắt bẻ, ra quyền ra uy của một số cán bộ công chức tuy đã giảm nhưng cũng vẫn còn khá phổ biến, nên chưa thể gọi là “đã có được sự thân thiện” đủ để người dân thật sự thoải mái, hài lòng. Thế nên chẳng trách khi người dân đã có ý đánh đồng việc “khó đăm đăm” của nhiều vị cán bộ công chức là “phải chăng muốn gợi ý lót tay, bôi trơn” ?

 

Vâng, sẽ còn nhiều chuyện để nói về quy chế văn hóa công sở sau gần 2 năm thực hiện đã có tác dụng như thế nào ! Nhìn chung, vẫn rất hiếm hình ảnh một công sở văn hóa được định hình, và người dân - khi có chuyện cần đến công sở, cần gặp công chức - vẫn bị phiền hà, thậm chí là sách nhiễu, vừa bực mình, vừa mất thời gian. Rõ ràng, nếu như những ngày đầu việc “rầm rộ” thực hiện quy chế tạo sự hứng khởi cho người dân rất nhiều, thì đến nay với những gì đang tồn tại cho người ta cảm giác giống như chuyện đánh trống bỏ dùi”, “nặng vẻ hình thức” (vốn đã là chuyện rất phổ biến trong việc thực hiện nhiều quy định, quy chế trong thời gian qua.

 

Thiết nghĩ, một chủ trương đúng cũng như một chính sách đúng muốn đi vào cuộc sống luôn cần có sự kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các cấp quản lý. Quy chế văn hóa công sở của chúng ta đang ở trong tình trạng còn thiếu sự kiểm tra và đôn đốc thực hiện, cho nên hiệu quả chưa cao, thậm chí có nơi đang bị buông lơi.

 

Mỗi chúng ta đang học tập theo tấm gương đạo đức Bác Hồ. Với Bác “Chính phủ là công bộc của dân, việc gì có lợi cho dân thì làm, việc gì có hại cho dân thì phải tránh…”. Tinh thần ấy của Bác phải chăng cũng chính là tinh thần mà một công sở văn hóa cần đạt được ? Thời gian gần đây, TPHCM - trong mục tiêu tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh đô thị - cũng có đề cập đến những yêu cầu và tiêu chí cho việc xây dựng các công sở văn hóa văn minh trên địa bàn TP. Điều này xem ra khá thuận lợi để củng cố lại việc thực hiện quy chế văn hóa công sở của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành. Và khi thực hiện, phải nhấn mạnh rằng : cần đi vào những yếu tố thực chất chứ không phải là chuyện hình thức, chạy theo thành tích

! Phải quy rõ trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan ; tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát ; quan tâm đến ý kiến đóng góp của người dân… nhằm có được kết quả thực chất và những điều chỉnh kịp thời. Cần coi việc ứng xử nhã nhặn, lịch thiệp với dân, có văn hóa với cơ quan của mình là một tiêu chí quan trọng để đánh giá xếp loại công chức (điều này thời gian qua đã được nhiều nơi đề ra làm nhưng vì chưa có sự giám sát nên vẫn chỉ là hình thức “tự nhận mình là nhã nhặn, lịch thiệp, là văn hóa, nhưng thực tế có khi lại… khác đến 180 độ”!)

 

Và như ai đó đã cảm thán “văn hóa công sở, xin đừng coi là chuyện nhỏ, không quan trọng !”

 

Hoàng Dũng