VĐHN: Báo động từ tình trạng loạn thi sắc đẹp học đường!

(VOH) - Sau một loạt các cuộc thi “sắc đẹp” học đường vừa được tổ chức dồn dập gần đây, thì nay, nhiều nữ sinh ở cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới lại tiếp tục lao vào một cuộc thi sắc đẹp có quy mô rất lớn: Miss Teen Việt Nam 2010 với giải thưởng cả trăm triệu đồng, kéo dài tới 5 tháng và vòng chung kết diễn ra suốt nửa tháng (từ ngày 1 đến 15-11) tại Hà Nội đã làm làm đảo lộn cuộc sống, việc học hành của các em; có nguy cơ làm phương hại đến tư duy, cách ứng xử và tương lai hàng ngàn bạn trẻ trên cả nước.

Nếu những ai được tận mắt chứng kiến các cuộc thi sắc đẹp tuổi teen gần đây sẽ thấy buồn thay cho những “nụ hoa” bị ép phải nở quá sớm. Những gương mặt tươi tắn, trẻ trung và rất đỗi hồn nhiên của các nữ sinh tuổi mới lớn, qua lớp son phấn dày cộm đã trở nên “già dặn” không kém gì các bậc đàn chị. Không những thế, các nữ sinh còn phải “gồng mình” tham gia những hoạt động na ná như các cuộc thi hoa hậu dành cho các bậc đàn chị như: thi trình diễn áo dài, dạ hội, ứng xử, ngoại khóa, hoạt động từ thiện, những buổi chụp ảnh, thể thao, dạ tiệc, luyện tập, thu âm cùng một số hoạt động xã hội dày đặc khác. Và, đáng buồn hơn là, không chỉ diện đầm hở ngực, váy xẻ cao đến tận đùi, các thí sinh tuổi teen còn bắt chước rập khuôn cách đi lại, nói năng, cư xử, trả lời của các bậc đàn chị; cũng có những sở thích... sáo mòn như: nghe nhạc, đi du lịch, mơ ước trở thành doanh nhân thành đạt, yêu hòa bình, thích làm từ thiện...

Đặc biệt, sau khi đêm chung kết cuộc thi nhan sắc khép lại, cuộc sống của không ít nữ sinh đã bị đảo lộn hoàn toàn. Nhiều em đã không còn hồn nhiên cắp sách đến trường mà thay vào đó là lịch biểu diễn thời trang, dự sự kiện, chụp hình... dày đặc. Sự nổi tiếng cũng đã đặt dấu chấm hết cho tuổi thơ của không ít Miss Teen. Trong khi đó, ở tuổi các em, vui chơi, học tập mới là việc chính chứ không phải lo ganh đua, kiếm tiền. Và điều đáng nói nữa là, nhiều “hoa hậu” tuổi teen sau khi đăng quang đã mắc phải không ít sai lầm vì đã được “lên ngôi” quá sớm. Sự lấp lánh của ánh hào quang danh hiệu cùng những món tiền kiếm được khá dễ dàng... đã khiến các em mang một nhan sắc... buồn ngủ và những cục ảo tưởng to tướng bước vào đời, rồi lơ là luôn cả việc học hành và đánh mất luôn tương lai đang rất sáng láng phía truớc.

Và, có một điều đau lòng nữa là, các cuộc thi “sắc đẹp” này đã vô tình tạo ra một trào lưu tôn vinh những nhan sắc khi còn quá nhỏ. Một trào lưu mà cách đây trên dưới 10 năm, chúng ta cực lực phản đối, gọi đó là "bán lúa non". Đồng thời, gieo vào tâm hồn thơ ngây của lứa tuổi cắp sách đến truờng những tư tuởng vô cùng lệch lạc, tiêu biểu như: tuổi teen Việt Nam chỉ cần chăm sóc sắc đẹp là tiến thân đuợc rồi, đâu cần học hành cho giỏi.

Việc khích lệ học sinh hướng đến cái đẹp là tốt nhưng nếu các em sớm lao vào những cuộc thi nhan sắc với quy mô lớn thì sẽ phản tác dụng. Với giải thưởng lên đến cả trăm triệu đồng, chắc chắn các em sẽ phải lo lắng, tính toán để làm sao đoạt giải chứ không còn là giải trí đơn thuần nữa. Đó là chưa kể đến việc tập trung quá lâu cho một cuộc thi sắc đẹp dễ khiến các em mất cân bằng về mặt nhận thức, thời gian, nhịp độ sinh học. Tuổi của các em là tuổi ăn, tuổi chơi chứ không phải tuổi thi thố, các em chưa đủ độ chín để giữ cân bằng cho mình. Hơn nữa, việc nổi tiếng quá sớm không phải lúc nào cũng là điều hay. Người lớn còn chưa chắc kiềm chế được mình huống gì là trẻ con với tâm lý chưa ổn định, rất dễ ảo tưởng về mình và điều này hoàn toàn không tốt cho tương lai các em.

Thiết nghĩ, ban tổ chức những cuộc thi này nên chú tâm hơn nữa đến việc tìm kiếm tài năng và vẻ đẹp toàn diện của các em, hướng các em tới một vẻ đẹp hiện đại, có trí tuệ và bản sắc riêng, gắn với thực tế cuộc sống và học tập của các em. Một cuộc thi dành cho đối tượng là học sinh – sinh viên không thể là bản sao của một cuộc thi hoa hậu. Đồng thời, ngành giáo dục và văn hóa cũng nên bắt tay xây dựng quy chế nhằm quản lý các hoạt động này tốt hơn và biến nó thành những sân chơi thật sự bổ ích cho các bạn trẻ, tạo đuợc hiệu ứng xã hội như mong đợi.