VĐHN: Đã “xấu thiếp hổ chàng” còn nộp phạt!

(VOH) - Bắt thành viên trong gia đình nhịn ăn, nhịn uống, mặc rách, chịu rét, bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ sẽ bị phạt tiền từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình... Đó là một số quy định liên quan đến xử phạt trong lĩnh vực hôn nhân - gia đình được Bộ Công an vừa công bố trên cổng thông tin điện tử của ngành vào đầu tháng 7 vừa qua. Đề xuất này đã thu hút sự chú ý của dư luận và gây ra nhiều tranh cãi.
Quy đinh xử phạt  trong lĩnh vực hôn nhân - gia đình được Bộ Công an vừa công bố trên cổng thông tin điện tử của ngành vào đầu tháng 7 vừa qua là không thiết thực và thiếu khả thi (ảnh: TT)

Tranh cãi là bởi xu hướng đồng tình cho rằng có định ra mức hình phạt cụ thể thì mới ngăn chặn được tệ nạn bạo lực gia đình, mới bảo vệ được phụ nữ và nhất là tạo ra một nếp nhà mà các thành viên trong gia đình biết thương yêu và tôn trong lẫn nhau. Tuy nhiên, số đông thì nghi ngờ tính khả thi, nếu không muốn nói là viển vông phi thực tế.

Lập luận của xu hướng thứ hai như sau: Kiểm soát chặt chẽ nguồn tài chính của thành viên gia đình hoặc nguồn tài chính chung của gia đình nhằm tạo cho thành viên gia đình sự phụ thuộc về tài chính bị coi là hành vi bạo lực về kinh tế với mức phạt từ 500.000 tới 1 triệu đồng. Đối với người đuổi vợ ra khỏi nhà vào ban đêm hay lúc trời mưa gió sẽ bị phạt từ 500.000 đến một triệu đồng; cha mẹ cấm con cái ra khỏi nhà sẽ bị phạt 300.000 đồng. Nếu thường xuyên lăng mạ, chì chiết mức phạt tăng thêm 500.000 đồng. Khung phạt liên quan tới bạo lực gia đình trên đây có ý nghĩa về mặt quan điểm chống bạo hành gia đình nhưng khi đi vào thực tế đời sống xã hội thì thử hỏi có người vợ nào muốn tố cáo chồng bạo lực, để rồi phải tự móc tiền trong nhà ra đóng phạt? Mặt khác, việc bạo hành thường xảy ra ở các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đa phần ở vùng nông thôn nghèo. Đã nhà nghèo thì mấy ai muốn làm lớn chuyện để rồi phải nộp phạt khoản tiền có giá trị tương đối lớn đối với cả gia đình họ. Phân tích như thế để thấy rằng trừ phi "tức nước vỡ bờ", còn bình thường hiếm có phụ nữ nào lại đem chuyện mình bị chì chiết ra tố cáo với chính quyền để chồng bị phạt, dẫn tới hậu quả là cả nhà sẽ phải bớt ăn bớt tiêu trong cả tháng. Đó là chưa nói tới trường hợp gia đình đóng cửa "dạy nhau" thì ai sẽ đứng ra làm chứng để cơ quan chức năng căn cứ vào đó mà xử phạt?



Người dân vẫn chưa quên trước đây từng có một số qui định xử phạt vi phạm hành chính chỉ nặng về lý thuyết mà thiếu cơ sở thực tế như Nghị định 73 “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, hiệu lực từ năm 2010. Nghị định này có đưa ra mức xử phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng cho các hành vi “không mặc quần áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người”, “có lời nói hoặc cử chỉ thô thiển, tục tĩu, thiếu văn hóa ở nơi công cộng”. Do thiếu thực tế và chẳng phạt được mấy ai nên đến nay các hành vi phải chịu phạt nói trên đã không được nhắc lại và mặc nhiên bãi bỏ.

Việc phạt tiền đối với người chồng có hành vi ngược đãi vợ con, cha mẹ xem ra cũng sẽ rất khó phát huy tác dụng. Ai cũng biết: phạt tiền chồng thực ra là tiền của hai vợ chồng và làm như vậy không có tính răn đe. Quan niệm “nói ra xấu thiếp hổ chàng”, “vạch áo cho người xem lưng” vốn dĩ đã tồn tại từ lâu trong suy nghĩ gia đình Việt, do vậy những quy đinh xử phạt vừa nêu là không thiết thực và thiếu khả thi ./
.