Xuất khẩu nông sản cần được đặc biệt chú trọng

(VOH) - Có thể nói, Xuất khẩu nông sản đang dần đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với ngành nông nghiệp. Nó không chỉ đơn thuần mang đến những giá trị kinh tế mà còn là yếu tố thúc đẩy ngành nông nghiệp Việt Nam thay đổi một cách tích cực.

Ngành lúa gạo Việt Nam có truyền thống và thế mạnh lâu nay, nhưng giờ thua Thái Lan và thậm chí là cả Campuchia (ảnh minh họa: ĐCSVN)

Tuy nhiên, bản thân lĩnh vực nông nghiệp hiện vẫn còn nhiều trì trệ và đáng lo ngại khi mà hầu hết nguyên nhân lại đến từ chính chúng ta.

Ngành nông nghiệp hiện chỉ đóng góp gần 20% GDP nhưng huy động hơn 55% lao động cả nước. Thực tế này phản ánh tình trạng sản xuất còn lạc hậu, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất còn kém. Sự trì trệ của ngành nông nghiệp nước nhà đã kéo dài quá lâu, dẫn đến nhiều hệ lụy đầy quan ngại trong bối cảnh các quốc gia có thế mạnh nông nghiệp đều tập trung đầu tư khoa học – công nghệ để gia tăng giá trị sản xuất.

Nói một cách cụ thể hơn, khả năng cạnh tranh và triển vọng xuất khẩu của ngành nông nghiệp Việt Nam đang bị yếu thế ngay từ điểm xuất phát. Dẫn chứng thực tế từ ngành lúa gạo trong nước có truyền thống và thế mạnh lâu nay, nhưng giờ thua Thái Lan và thậm chí là cả Campuchia – nơi bắt đầu xuất khẩu lúa gạo sau Việt Nam đến hơn… hai chục năm.

Người nông dân giờ đây có thể cảm nhận sức nóng từ sân chơi hội nhập hơn bao giờ hết với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP hay việc gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Mặc dù đã có hơn 5 năm “làm quen” trong môi trường Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, một chương mới đang mở ra khi hàng rào thuế quan sẽ từng bước được dỡ bỏ, nhưng hàng rào kỹ thuật ngày càng khắt khe hơn – thị trường xuất khẩu rộng mở hơn và sự cạnh tranh cũng sẽ khốc liệt hơn.

Mới đây, Thái Lan vượt Trung Quốc trong xuất khẩu trái cây vào Việt Nam. Chỉ tính riêng trong quý 1/2016, giá trị trái cây của Thái vào Việt Nam đã lên tới 60 triệu USD. Trong khi mang tiếng là có nhiều thế mạnh để sản xuất các loại hoa quả nhiệt đới thì chúng ta lại đang còn lúng túng tìm lối ra.

Trên thực tế, người nông dân Việt Nam cho đến nay đã được trang bị thêm những gì để hòa mình vào một sân chơi hội nhập rộng lớn? Câu trả lời dường như vẫn rất mập mờ, chưa có điều gì cụ thể ngoài thông điệp quen thuộc “cơ hội đi cùng thách thức”, được khuyến cáo từ ngành chức năng.

Mới đây, vụ xuất khẩu cá cảnh ở huyện Củ Chi – TPHCM bị đình trệ 10 năm chỉ vì thiếu giấy kiểm định. Địa phương đã có kiến nghị từ năm 2005 mà đến nay vẫn chưa thể giải quyết, thì câu hỏi trách nhiệm thật khó để biết phải “gõ cửa” nơi nào cho trúng!

Theo các chuyên gia, ngành nông nghiệp hiện không bị “chậm” về mặt chính sách mà chỉ bị “chậm” ở khâu cụ thể hóa chính sách. Ngay cả chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp được Chính phủ nỗ lực đẩy mạnh những năm gần đây, cũng không thể thay đổi gì nhiều hiện trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, điệp khúc “trồng chặt”, “được mùa rớt giá” của ngành nông nghiệp.

Những điểm yếu của ngành nông nghiệp được nhắc đi nhắc lại thường xuyên trong các diễn đàn nhiều đến nỗi người trong cuộc gần như ai cũng “thuộc nằm lòng”, nhưng không hiểu sao đến nay mọi thứ vẫn trì trệ và chưa có dấu hiệu thay đổi đáng kể nào!

Đất nước từ lâu đã bước qua giai đoạn thiếu thốn lương thực, có thể hoàn toàn làm chủ vấn đề an ninh lương thực và đã từng là quốc gia xuất khẩu gạo có thứ hạng. Do vậy, xuất khẩu nông sản giờ đây tiếp tục phải trở thành mũi nhọn của ngành nông nghiệp và đóng góp tiếng nói, góp phần xây dựng hình ảnh thương hiệu quốc gia trong sân chơi hội nhập.

Với xu thế kinh tế thị trường và tác động của quá trình mở cửa, hội nhập, ngành nông nghiệp nước ta hơn bao giờ hết cần nhìn lại mình, tìm mọi cách dứt bỏ sự trì trệ, rất cần một diện mạo mới năng động hơn. Có lẽ phải là sự bứt phá cần thiết để tạo đà phát triển. Trong đó, xuất khẩu nông sản phải được đặc biệt chú trọng./.