10 dấu hiệu bệnh tiểu đường mà bạn không nên bỏ qua

( VOH ) - Phát hiện bệnh tiểu đường càng sớm thì quá trình điều trị cũng như kiểm soát bệnh sẽ dễ dàng hơn.

Tiểu đường thuộc nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa, được đặc trưng bởi lượng đường tăng trong máu, ảnh hưởng đến chất lượng sống và tăng nguy cơ tổn thương thần kinh tim mạch. Điều đáng lo ngại là nhiều người hiện nay hầu như thường bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường đang hình thành trong cơ thể.

Vì thế, việc tìm hiểu triệu chứng của bệnh tiểu đường là vô cùng cần thiết để bạn có thể thăm khám và làm các xét nghiệm cũng như chữa trị kịp thời căn bệnh này.

1. Dấu hiệu bệnh tiểu đường

Biểu hiện của bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 tương tự nhau vì đều có lượng đường trong máu cao (tăng đường huyết). Triệu chứng bệnh tiểu đường tuýp 1 xuất hiện nhanh, còn triệu chứng bệnh tiểu đường tuýp 2 thì diễn biến âm thầm và phải mất nhiều năm mới biểu hiện rõ ràng.

Theo đó, bạn có thể nhận biết bệnh tiểu đường qua các triệu chứng sau đây:

1.1 Đi tiểu thường xuyên

10-dau-hieu-benh-tieu-duong-ma-ban-khong-nen-bo-qua-voh-1

Đi tiểu thường xuyên là triệu chứng điển hình của bệnh tiểu đường (Nguồn: Internet)

Triệu chứng này còn được gọi là đa niệu, thường xuyên hoặc đi tiểu nhiều lần là một dấu hiệu cho thấy lượng đường trong máu của bạn đang cao, nó đã xâm nhập vào đường tiết niệu. Nếu lượng đường trong cơ thể quá cao, quả thận sẽ không thể hoạt động nhịp nhàng, các tế bào không thể hấp thụ được đường, thận sẽ phải cố gắng đào thải đường. Từ đó, bạn sẽ phải đi tiểu nhiều hơn bình thường, có thể đi hơn 5 lít nước tiểu trong ngày.

1.2 Khát nước

Lúc nào cũng cảm thấy khát nước là một trong những biểu hiện của bệnh tiểu đường cần phải chú ý. Khi đường trong máu tăng lên, kèm theo việc đi tiểu nhiều lần dẫn đến khát nước, cơ thể bạn lúc đó cần nước để bù lại lượng nước đã mất đi.

1.3 Hay cảm thấy đói

Chứng thèm ăn hoặc đói dữ dội cũng là triệu chứng bệnh tiểu đường giai đoạn đầu mà bạn không nên bỏ qua. Bị đói thường xuyên là do đường trong máu của bạn quá cao hoặc quá thấp. Đường đảm nhận chức năng nuôi tế bào trong cơ thể, khi các tế bào không thể hấp thụ đường do thiếu insulin, cơ thể bạn sẽ phát tín hiệu cần thêm đường để nuôi tế bào. Từ đó sẽ sinh ra các cơn đói cồn cào trong ruột. Do đó, người mắc bệnh tiểu đường lúc nào cũng cảm thấy thèm ăn.

1.4 Đau hoặc tê bàn tay, bàn chân

Nếu bạn nhận thấy mình thường xuyên có cảm giác kiến bò hoặc tê ở cánh tay, ngón tay, bàn chân, ngón chân thì cần cảnh giác với bệnh tiểu đường. Bởi đây là một dấu hiệu thần kinh của bệnh tiểu đường, nếu nhẹ thì có thể tê bì thoáng qua, nhưng khi đã sưng, đau thì chứng tỏ đã xuất hiện các tổn thương thần kinh nặng.

Nếu chủ quan bỏ qua những triệu chứng của bệnh tiểu đường này và không tiến hành điều trị, bạn sẽ có nguy cơ gặp các biến chứng nặng của bệnh tiểu đường như tê bì hoặc sưng đau chân tay trầm trọng.

1.5 Chậm hồi phục vết thương

Những người bệnh tiểu đường thường khó lành vết thương hơn do đường máu tăng cao, làm lượng máu lưu thông kém. Bên cạnh tác động đến hệ tuần hoàn, bệnh tiểu đường còn ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, cũng góp phần làm người bệnh khó lành các vết nhiễm trùng hoặc vết thương. Do đó, nếu xuất hiện triệu chứng này thì bạn nên nghĩ ngay đến bệnh tiểu đường.

1.6 Mờ mắt

Mắt mờ thường là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Khi lượng đường trong máu cao sẽ làm dịch chuyển thủy tinh thể của mắt, gây ra hiện tượng mờ mắt. Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ tự khỏi khi lượng đường trong máu trở về mức bình thường.

1.7 Sụt cân ngay cả khi ăn nhiều

Nếu không thực hiện bất kỳ chế độ ăn kiêng nào mà cân nặng vẫn sụt giảm nhanh không kiểm soát thì bạn hãy thận trọng, có thể bạn đang mắc bệnh tiểu đường. Nguyên nhân là do cơ thể không thể sử dụng đường như một nguồn năng lượng nên nó sẽ bắt đầu đốt chất béo, làm cho cân nặng giảm đi. Mất nước cũng khiến bạn sụt cân đột ngột vì cơ thể bạn sử dụng tất cả các chất lỏng có sẵn để sản xuất nước tiểu.

1.8 Đen vùng cổ và nách

10-dau-hieu-benh-tieu-duong-ma-ban-khong-nen-bo-qua-voh-2

Người bệnh tiểu đường thường bị sạm da vùng cổ và nách (Nguồn: Internet)

Vùng da xung quanh cổ và nách bị đen là một dấu hiệu khá phổ biến của chứng kháng insulin, tiền thân của bệnh tiểu đường.

1.9 Mệt mỏi

Nếu tế bào trong cơ thể bạn bị thiếu đường, bạn có thể trở nên mệt mỏi và kiệt sức.

1.10 Bộ phận sinh dục bị sưng và nhiễm nấm

Lượng đường trong nước tiểu cao khiến bộ phận sinh dục có thể dễ bị nhiễm nấm, dẫn đến sưng và ngứa.

Bệnh tiểu đường khó có thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng dễ dàng kiểm soát nếu bạn sớm phát hiện và ngăn ngừa kịp thời. Do đó, nếu nhận thấy cơ thể có biểu hiện của bệnh tiểu đường vừa được kể trên thì bạn nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám, xét nghiệm và chẩn đoán chính xác.