Cây me đất có tác dụng gì trong y học? Cách dùng và lưu ý cần nhớ

(VOH) - Cây me đất là loài cỏ dại mọc khắp mọi nơi trên nước ta. Tuy nhiên, ít ai ngờ loại thảo dược này còn có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, lương huyết, tán ứ, tiêu thũng giải độc,...

Đối với nhiều người cây me đất đã không còn xa lạ, thậm chí một số người còn dùng cây me đất để làm rau ăn vừa ngon lại vừa mát. Không những thế, cây me đất còn được Đông y sử dụng như một loại thảo dược chữa được nhiều bệnh lý khác nhau.

1. Cây me đất là gì?

Cây me đất (hay còn gọi là cây me chua, cây chua me đất) là cây thảo, sống nhiều năm, mọc lan, bò sát đất, nằm trong họ Oxalidaceae. Me đất được chia làm 2 loại, phân biệt dựa vào màu sắc hoa của chúng.

Cây me đất có hoa màu vàng (me đất chua hoa vàng), tên khoa học là Oxalis corniculata L. Thân mảnh có màu đỏ nhạt, hơi có lông. Lá có cuống dài, lá chét mỏng hình tim. Hoa chủ yếu màu vàng, mọc thành tán gồm 2-3 hoa, đôi khi đến 4 hoa. Quả có dạng nang thuôn dài. Hạt màu nâu sẫm, hình trứng, dẹt, có bướu. Loại này hay được dùng để ăn cũng như làm thuốc.

cay-me-dat-co-tac-dung-gi-voh-0
Cây me đất hoa vàng thường được sử dụng nhiều trong đời sống (Nguồn: Internet)

Cây me đất có hoa màu hồng thường không có thân, lá mọc ở gốc và cho hoa màu hồng. Đôi khi nó còn bị nhầm lẫn với cây rau bợ với các lá chét ngược hình tim. Hoa của cây có 5 cánh với 2 nhị vành. Loại cây này thường có nhiều ở Sa Pa hay khu vực Hoàng Liên Sơn.

Ngoài ra, còn một số loại cây me đất ít phổ biến khác như me đất chua me núi (Oxalis acetosella) có hoa màu trắng vân hồng, me đất đỏ (Oxalis deppei)...

Cây me đất mọc hoang ở khắp mọi nơi, tập trung chủ yếu tại chỗ đất ẩm mát xung quanh vườn nhà, bãi hoang hay bờ ruộng. Người ta thường dùng tươi toàn thân cây hoặc lá làm rau ăn, đồng thời cũng là một dược liệu quý dùng trong các bài thuốc nam. Mùa thu hái me đất tốt nhất thường vào tháng 6 – 7 hàng năm.

2. Cây me đất có tác dụng gì trong y học?

Trong các nghiên cứu y học hiện đại, người ta phát hiện trong cây me đất có chứa các chất như kali, axit oxalic và oxalat kali, cùng các vitamin C, vitamin B2, caroten, axit tartric, axit citric, calci... Chính nhờ có những thành phần này nên cây me đất có tác dụng:

  • Kháng khuẩn, kháng viêm
  • Diệt côn trùng
  • Thanh nhiệt, lợi tiểu
  • Tốt cho tiêu hóa

Còn với y học cổ truyền, những tác dụng của cây me đất cũng được nghiên cứu và ghi nhận. Theo Đông y, cây me đất có vị chua, tính mát. Cây me đất có công dụng kháng sinh, tiêu viêm, làm dịu, làm hạ huyết áp và lợi tiêu hoá, thường được dùng trị viêm họng, sốt, ho, viêm gan, bệnh đường tiết niệu. Vì thế, Đông y thường sử dụng cây me đất để điều trị những bệnh như:

  • Các bệnh về phế quản, viêm họng, sổ mũi, nghẹt mũi, tắc tiếng
  • Làm thuốc giải nhiệt, chữa khát nước
  • Giúp sát trùng
  • Chữa thông tiểu tiện, viêm niệu đạo, sỏi thận...
  • Chữa kiết lỵ
  • Trị các bệnh về gan, viêm gan, vàng da
  • Cải thiện hệ thần kinh, an thần, chữa mất ngủ
  • Ngoài ra, tác dụng của cây me đất giúp trị chấn thương và lở ngứa trên da.

Xem thêm: Cây sài đất – loài cây dại ven đường 'bỗng hóa' thành vị thuốc

3. Cây me đất chữa bệnh gì theo kinh nghiệm dân gian?

Me đất thường được sử dụng trong nhiều bài thuốc dân gian. Để biết me đất chữa bệnh gì theo kinh nghiệm dân gian, bạn có thể tham khảo một số bài thuốc sau đây:

3.1 Trị viêm họng, sưng đau họng

Cây me đất chua hoa vàng 50g, muối 2g, kết hợp 2 thứ nhai nuốt từ từ.

3.2 Trị sốt cao trằn trọc, khát nước

Me đất chua hoa vàng một nắm, giã nát, sau đó cho nước vào vắt lấy nước cốt uống.

cay-me-dat-co-tac-dung-gi-voh-1
Me đất thường được sử dụng trong nhiều bài thuốc dân gian (Nguồn: Internet)

3.3 Hỗ trợ sức khỏe cho người tăng huyết áp

Người cao huyết áp có thể sử dụng bài thuốc từ cây me đất để điều trị bệnh. Bạn cần dùng 30g me đất, 15g cúc hoa vàng và 10g hạ khô thảo. Các vị thuốc dùng dạng khô, sắc với 1 lít nước cho đến khi nước sắc lại còn khoảng 1 chén là có thể dùng được. Bài thuốc này uống mỗi ngày 1 lần.

3.4 Trị viêm gan, vàng da

Mỗi ngày bạn dùng 30g cây me đất dạng tươi sắc lấy nước uống. Lượng nước này nên chia thành nhiều lần uống và dùng hết trong ngày. Hoặc bạn có thể dùng 30g cây me đất và 30g thịt lợn nạc, nấu thành canh, ăn cả nước lẫn cái, đều có tác dụng trị bệnh hiệu quả.

3.5 Đại, tiểu tiện không thông

Sử dụng 20g cây me đất và 20g cây mã đề (mỗi thứ ở dạng tươi). Sau đó, bạn đem rửa sạch, giã nát và thêm vào một chút đường, vắt lấy nước cốt để uống.

3.6 Trị ho do nắng nóng (thử nhiệt)

Nếu bạn gặp phải tình trạng ho do nắng nóng (thử nhiệt), bài thuốc chữa bệnh sẽ gồm các thành phần như sau: 40g cây me đất, 40g rau má, 20g lá xương sông và 20g cỏ gà.

Lưu ý dùng các vị thuốc ở dạng tươi. Sau khi rửa sạch thì giã nát hỗn hợp các thảo dược và chắt lấy nước. Tiếp đó, bạn cho vào 1 thìa cà phê đường rồi mang đi đun sôi. Thuốc sau khi sắc chia làm 3 lần và uống hết trong ngày.

3.7 Giảm đau do chấn thương

Để giảm đau, bạn có thể sử dụng bài thuốc từ cây me đất. Bạn hái một nắm lá me đất giã nát rồi chưng nóng, sau đó xoa bóp vào chỗ bị thương. Hoặc bạn có thể dùng vải hay băng gạc y tế bọc lại rồi chườm vào vị trí bị sưng.

3.8 Chữa mất ngủ, giúp an thần

Tình trạng mất ngủ kéo dài khiến cơ thể suy nhược, bạn có thể dùng bài thuốc sau. Bạn chuẩn bị 20g cây me đất, 6g lá thông đuôi ngựa, đem rửa sạch sau đó cho vào nồi đổ ngập nước rồi sắc lên, chia làm 3 lần uống trong ngày. Bạn thường xuyên sử dụng, tình trạng mất ngủ sẽ thuyên giảm nhanh chóng.

3.9 Chữa viêm da cơ địa

Đối với những bé hay bị ngứa ngáy do rôm sảy, thay đổi thời tiết, dị ứng thời tiết, bạn có thể lấy một ít lá cây me đất rửa sạch rồi giã nát thành bã. Sau đó, bạn đắp lên vùng da bé bị rôm sảy, ngứa ngáy. Bạn đắp thường xuyên ngày 2 lần, sau 1 – 2 ngày thì tình trạng ngứa ngáy sẽ lập tức biến mất.

Xem thêm: Chuyên gia hướng dẫn thời gian và cách uống thuốc Đông y mang lại hiệu quả tối ưu

4. Dùng cây me đất làm thuốc cần lưu ý điều gì?

Sử dụng cây me đất có thể có lợi cho sức khỏe, tuy nhiên, nêu bạn chưa có kinh nghiệm khi dùng loại thảo dược này tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

cay-me-dat-co-tac-dung-gi-voh-2
Me đất cần được sử dụng với lượng hợp lý trong các bài thuốc chữa bệnh (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, khi dùng me đất chữa bệnh bạn cũng cần lưu ý một số điều sau đây: 

  • Những người có sỏi tiết niệu không nên sử dụng cây me đất, vì chất oxalat trong chua me đất có thể làm tăng lượng sỏi hoặc gây sỏi thận, sỏi trong bàng quang.
  • Không me đất với số lượng lớn vì muối oxalate có thể gây độc ở liều 20-30g. Các triệu chứng ngộ độc thường là vô niệu, suy thận cấp..
  • Phụ nữ mang thai cũng nên cẩn trọng khi sử dụng cây me đất bởi chưa có những chứng cứ khoa học về độ an toàn khi sử dụng.

5. Cây me đất trong ẩm thực

Ngoài việc được sử dụng như một loại dược liệu chữa bệnh thông dụng theo kinh nghiệm dân gian, cây me đất còn được dùng làm nguyên liệu trong chế biến ẩm thực. Những món ăn có sự kết hợp của lá me đất vừa làm tăng tính hấp dẫn, vừa giúp món ăn thêm đậm đà, trọn vị.

Dưới đây là một số món ăn ngon có sử dụng nguyên liệu từ cây me đất:

  • Canh cá cơm lá me đất
  • Canh chua cá lóc me đất
  • Me đất nấu canh cá chép
  • Lẩu thịt gà me đất

Nhìn chung, me đất là loại cây dân dã chứa dược tính có khả năng năng hỗ trợ điều trị một một số bệnh thông dụng. Tuy nhiên, những tác dụng của cây me đất đến nay vẫn chưa được chứng minh rõ ràng trong y học hiện đại, các bài thuốc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm dân gian, vì vậy, khi sử dụng bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc lương y có chuyên môn. Tránh trường hợp tự ý dùng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.