10 tác dụng của phèn chua trong sinh hoạt và chữa bệnh

(VOH) - Phèn chua ngoài có tác dụng lọc nước, nó còn là nguyên liệu để chữa trị nhiều bệnh lý khác nhau.

1. Phèn chua là gì?

Phèn chua hay Kali alum là muối sunfat kép của kali và nhôm. Phèn chua là loại muối có tinh thể to nhỏ không đều, không màu hoặc trắng, đôi khi trong hay hơi đục. Phèn chua tan được trong nước nhưng không tan trong cồn.

Phèn chua có nhiều tên gọi khác nhau như vũ nát, vũ trạch, mã xì phàn, nát trạch, minh thạch, muôn thạch, phàn thạch,…

10-tac-dung-cua-phen-chua-trong-sinh-hoat-va-chua-benh-voh-1

Phèn chua có công dụng hữu ích trong cuộc sống (Nguồn: Internet)

2. Phèn chua có tác dụng gì?

Công dụng của phèn chua rất hữu ích đối với sức khỏe cũng như cuộc sống sinh hoạt của chúng ta. Dưới đây là tác dụng của phèn chua có thể bạn chưa biết:

2.1 Lọc nước đục thành nước trong

Hiện nay, một số vùng nông thôn ở Việt Nam vẫn còn sử dụng nước sông để sinh hoạt hàng ngày. Để có được nước trong, bạn chỉ cần cho một ít phèn chua vào thùng nước đục. Sau một khoảng thời gian ngắn, nước đục sẽ chuyển thành nước trong và phần tạp chất sẽ nằm dưới đáy thùng.

2.2 Rửa sạch lòng heo và nhớt cá

Đối với lòng heo, sau khi rửa sạch với nước, bạn sử dụng phèn chua đã nghiền mịn chà xát lên lòng heo và rửa lại bằng nước một lần nữa.

Ngoài làm sạch lòng heo, tác dụng phèn chua còn giúp làm sạch nhớt cá. Đối với cá, sau khi mua về, bạn dùng phèn chua chà xát lên cá và rửa cá lại bằng nước sạch.

Lưu ý: Khi sử dụng phèn chua để làm sạch lòng heo hay làm sạch nhớt cá thì sau khi chà xát phèn chua lên lòng heo và cá, bạn cần rửa ngay lại bằng nước sạch và phải rửa thật kỹ để tránh phèn chua bám vào thức ăn.

2.3 Chống gỉ sét cho chảo bằng sắt và nhôm

Sau khi mua chảo, bạn hãy cho đầy nước vào chảo và một ít phèn chua. Đem chảo này đun sôi khoảng 15 – 20 phút. Với cách này, nó sẽ giúp chảo hạn chế bị gỉ sét dù sử dụng lâu ngày.

2.4 Giữ màu cho quần áo

Sau khi mua quần áo mới về, bạn hãy ngâm chúng vào nước đã pha phèn chua. Ngâm khoảng 1 giờ thì đem giặt bình thường. Cách làm này sẽ giúp duy trì màu sắc ban đầu của quần áo, giúp quần áo lâu cũ và ít bị ngã màu.

2.5 Chữa hôi nách

Công dụng phèn chua ngoài có ích cho cuộc sống sinh hoạt nó còn có tác dụng chữa bệnh. Dùng phèn chua chữa hôi nách là cách làm được nhiều người áp dụng và mang lại hiệu quả cao.

Cách làm:

Dùng phèn chua rang lên, tán nhỏ, xay mịn cho vào lọ nút kín để dùng dần. Tắm hoặc rửa nách thật sạch bằng xà phòng, sau khi nách khô thì dùng bột mịn này xoa đều lên vùng nách.

Cách này chữa hôi nách rất hiệu quả vì trong phèn chua có thành phần chính là nhôm sunfat, khi mồ hôi ở nách tiết ra sẽ bị khử bởi chất này.

2.6 Trị nước ăn chân

Dùng một cục phèn chua nhỏ ngâm với một ít nước cho tan ra rồi ngâm chân, sau đó lau khô. Phèn chua có tác dụng làm khô, chống ngứa và sát trùng, trị nước ăn chân rất tốt. Nên giữ chân luôn khô ráo, không lội nước bẩn bệnh sẽ nhanh khỏi.

10-tac-dung-cua-phen-chua-trong-sinh-hoat-va-chua-benh-voh-2

Phèn chua chữa nước ăn chân hiệu quả (Nguồn: Internet)

2.7 Hỗ trợ điều trị viêm âm đạo

Dùng phèn chua 4g, trầu không 3 lá. Rửa sạch lá trầu không, vò nát đun với 0,5 lít nước cho sôi, để gần nguội thì cho phèn chua đã đập nhỏ vào khuấy tan. Dùng nước này rửa âm đạo vào buổi tối trước khi đi ngủ sẽ giúp điều trị viêm âm đạo hiệu quả hơn.

2.8 Chữa hắc lào, chốc đầu

Phèn chua phi 4 phần, hàn the nung 1 phần. Hai vị tán nhỏ, rây mịn, trộn đều, cho vào lọ đậy kín, dùng dầu. Khi dùng rửa sạch vùng da bị tổn thương, chấm nước lá trầu không, sau đó rắc thuốc bột đã làm lên, ngày làm 2 lần cho đến khi khỏi hẳn.

2.9 Khử mùi hôi chân do đi giày nhiều, ra mồ hôi chân

Tán phèn chua thành bột, rửa sạch chân, lau khô rồi xoa thuốc lên lòng bàn chân và các kẽ ngón chân. Thực hiện thường xuyên sẽ giúp chân luôn khô ráo và không có mùi hôi.

2.10 Hỗ trợ chữa bệnh trĩ

Dùng 12g phèn chua, 20g hoa hòe, 40g kinh giới, 20g chỉ xác, 40g ngải cứu. Cho tất cả vào nồi, dùng lá chuối bọc kín, đun sôi khoảng 10 phút, để nguội bớt thì xông trực tiếp vào chỗ trĩ. Khi nước nguội thì dùng ngâm rửa búi trĩ, ngày 2 lần.

Như vậy, ngày nay người ta ứng dụng phèn chua nhiều vào trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong chữa bệnh. Hiện nay, nhiều người lo ngại về mức độ độc hại của phèn chua nên còn ngần ngại sử dụng. Tuy nhiên, ngành y tế cũng đã khuyến cáo, nếu sử dụng phèn chua với liều lượng phù hợp thì sẽ không gây hại đến sức khỏe. Ở Việt Nam, phèn chua vẫn nằm trong danh mục được sử dụng.