11 nguyên nhân khó thụ thai thường gặp ở phụ nữ

(VOH) – Có rất nhiều nguyên nhân có thể tác động xấu đến khả năng sinh sản của phụ nữ và nam giới. Trong đó, hút thuốc lá, béo phì, tuổi tác... đều có thể trở thành nguyên nhân khó thụ thai ở phụ nữ.

Có rất nhiều cặp vợ chồng đời sống sinh hoạt chăn gối bình thường, không sử dụng các phương pháp tránh thai... nhưng đợi mãi vẫn không có tin vui. Họ biết mình đang khó thụ thai nhưng lại không biết nguyên nhân khó thụ thai là do đâu.

1. Những nguyên nhân gây khó thụ thai ở phụ nữ

Tình trạng khó thụ thai ở phụ nữ có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân sau đây:

1.1 Kinh nguyệt không đều

Hormone chính là chất giúp điều tiết chu kỳ nguyệt san, do đó mất cân bằng hormone có thể làm chu kỳ kinh nguyệt không đều. Điều này không làm ảnh hưởng đến độ dài của chu kỳ kinh, nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến việc rụng trứng bởi trứng sẽ không rụng đều mỗi tháng, từ đó khiến cơ hội thụ thai thành công của phụ nữ sẽ ít đi.

1.2 Bệnh tật

Một trong những nguyên nhân khó có thai ở phụ nữ tiếp theo xuất phát từ bệnh tật. Nếu bạn bị hội chứng đa nang buồng trứng, hội chứng phình động mạch, rối loạn tuyến giáp, viêm màng trong dạ con, viêm vùng chậu hay tắc ống dẫn trứng thì đều có khả năng ảnh hưởng đến khả năng thụ thai.

1.3 Tuổi tác

Phụ nữ càng lớn tuổi, cơ hội có con càng ít đi. Khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh (từ 40 – 50 tuổi), chị em không còn rụng trứng và điều đó dẫn đến khó có thai.

Không có một độ tuổi nhất định khi khả năng sinh sản suy giảm, tuy nhiên, nhiều bác sĩ cho biết phụ nữ sau 35 tuổi khả năng mang thai sẽ càng khó. Dù vậy độ tuổi này cũng khác biệt, bởi vẫn có nhiều người có khả năng sinh sản khi ở tuổi 40.

1.4 Quá gầy hay quá béo

Thừa cân có thể ảnh hưởng đến quá trình sản sinh hormone và khiến chị em khó thụ thai. Nguyên nhân là do, thừa cân sẽ làm suy giảm chức năng buồng trứng và dễ dẫn đến hội chứng buồng trứng đa nang – một bệnh rối loạn nội tiết tố có thể gây vô sinh ở phụ nữ.

11-nguyen-nhan-kho-thu-thai-thuong-gap-o-phu-nu-voh

Thừa cân có thể khiến chị em khó thụ thai (Nguồn: Internet)

Tương tự, những người quá gầy cũng sẽ ảnh hưởng không tốt đến khả năng sinh sản. Lý do là vì những phụ nữ có chỉ số BMI quá thấp sẽ thiếu hormone leptin – giúp kiểm soát cảm giác đói và no. Ngoài ra, việc thiếu leptin cũng có thể khiến kinh nguyệt không đều.

1.5 Tác nhân bên ngoài

  • Thuốc lá: Thuốc lá có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai, nhưng trước tiên là nó khiến phụ nữ khó thụ thai. Khói thuốc lá làm thay đổi nồng độ một số hormone và gây tổn thương ADN của phụ nữ lẫn nam giới. Những phụ nữ hút thuốc lá hay hút thuốc lá thụ động đều bị ảnh hưởng nội tiết và có thể gặp các vấn đề về khả năng sinh sản.
  • Rượu: Mặc dù chưa có bằng chứng về việc uống vài ly rượu mỗi tuần sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ uống hơn 1 ly rượu mỗi ngày sẽ có nguy cơ bị rối loạn rụng trứng. Ngoài ra, uống rượu khi mang thai có thể gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ và cả em bé trong bụng.
  • Hóa chất: Tiếp xúc với chất gây ô nhiễm, thuốc trừ sâu và các hóa chất công nghiệp có thể làm giảm đến 29% khả năng có bầu của nữ giới lẫn nam giới (theo một nghiên cứu năm 2013). Các nhà khoa học cũng chỉ ra 15 loại hóa chất phổ biến có liên quan đến mãn kinh sớm, những hóa chất này có thể kể đến như polychlorinated biphenyls (PCBs) - một nhóm các hóa chất độc hại phthalate, furan…

1.6 Bệnh lây truyền qua đường tình dục

Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục như chlamydia và bệnh lậu có thể dẫn đến viêm vùng chậu và khó thụ thai.

1.7 Stress

11-nguyen-nhan-kho-thu-thai-thuong-gap-o-phu-nu-1-voh

Stress có thể làm thay đổi nồng độ hormone và sự rụng trứng dẫn đến khó thụ thai (Nguồn: Internet)

Phụ nữ thường xuyên bị stress, căng thẳng sẽ khó có bầu hơn so với những người có tâm lý thoải mái, lạc quan. Bởi stress có thể làm thay đổi nồng độ hormone và sự rụng trứng.

1.8 Tập thể dục ở cường độ cao

Luyện tập thể dục thể thao có thể giúp phụ nữ giữ vóc dáng, khỏe mạnh và tràn đầy sức sống. Tuy nhiên, nếu bạn tập luyện với cường độ quá cao sẽ có thể dẫn đến những tác động không tốt đến sự rụng trứng. Một nghiên cứu năm 2012 nhận thấy, phụ nữ có cân nặng bình thường nếu tập luyện với cường độ cao hơn 5 tiếng mỗi tuần có thể khó có thai hơn.

1.9 Yếu tố di truyền

Phụ nữ thường sinh ra với một số lượng trứng nhất định và chắc chắn yếu tố di truyền đóng vai trò quyết định đến việc bạn sinh ra có ít hay nhiều trứng hơn bình thường.

1.10 Sử dụng chất bôi trơn không thích hợp

Nếu bạn và chồng có thói quen sử dụng chất bôi trơn trong mỗi “cuộc yêu” thì hãy cân nhắc lại điều này, bởi một số chất bôi trơn có thể tiêu diệt tinh trùng. Tốt nhất là nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc lựa chọn chất bôi trơn nếu như bạn gặp vấn đề thụ thai.

1.11 Các loại thuốc

Sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm và thuốc chống rối loạn thần kinh thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến sự tiết ra prolactin tác động đến sự rụng trứng. Do đó, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo các loại thuốc bạn đang sử dụng không ảnh hưởng đến sự thụ thai.

Nguyên nhân khó thụ thai không chỉ xuất phát từ nữ giới mà chất lượng tinh trùng của người nam cũng ảnh hưởng đến cơ hội thụ thai của người nữ. Trong đó quá trình sản xuất tinh trùng có thể bị suy giảm bởi các yếu tố như:

  • Mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục
  • Nhiệt độ nước quá nóng như tắm nước nóng,...
  • Hút thuốc lá, uống bia rượu...
  • Bị bệnh quai bị và chấn thương tinh hoàn.
  • Ngoài ra, có những trường hợp tinh trùng yếu không rõ nguyên nhân.

2. Phụ nữ khó thụ thai phải làm sao?

Nhìn chung việc thụ thai ở phụ nữ có mối quan hệ mật thiết với sự rụng trứng. Vì thế, chị em nên tìm hiểu về cách tính ngày rụng trứng hoặc sử dụng que thử rụng trứng nhằm giúp xác định được khoảng thời gian tốt nhất để  “quan hệ vợ chồng” giúp gia tăng cơ hội thụ thai.

Nên quan tâm đến việc cải thiện chất nhầy cổ tử cung để làm tăng cơ hội thụ thai. Ngoài ra, nếu bạn quá gầy hay thừa cân, bạn nên điều chỉnh lại chế độ ăn uống để có được mức cân nặng hợp lý. Điều này góp phần không nhỏ vào việc thụ thai.

Trong trường hợp bạn thường xuyên quan hệ và không dùng các biện pháp tránh thai mà vẫn không có thai trong vòng một năm, có khả năng bạn đang gặp phải một vấn đề nào đó, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và can thiệp kịp thời.