3 điều quan trọng phụ nữ nên biết khi mang bầu 2 tháng

(VOH) – Phụ nữ bước vào giai đoạn mang thai tháng thứ 2 sẽ xuất hiện những cơn ốm nghén, mệt mỏi và khó chịu. Các thông tin dưới đây sẽ giúp mẹ giảm bớt nỗi lo khi mang bầu 2 tháng.

Có rất nhiều phụ nữ không hề biết họ mang thai cho đến khi phát hiện những dấu hiệu có thai như mất kinh và ốm nghén. Khi siêu âm, thai kỳ của các mẹ phần lớn sẽ ở tuần thai thứ 5 – 6, tức là thai 2 tháng. 

Phụ nữ mang thai 2 tháng không chỉ có những nỗi lo về sự phát triển của thai nhi mà mẹ bầu còn phải đối mặt với nhiều triệu chứng khó chịu như: ốm nghén, buồn nôn mỗi buổi sáng, cảm giác mệt mỏi, ngủ li bì... Và muốn vượt qua tháng thứ 2 một cách nhẹ nhàng nhất, mẹ bầu hãy note vào nhật ký của những điều quan trọng sau đây:

1. Đừng quên khám thai lần đầu

Rất hiếm mẹ bầu biết mình mang thai ngay tháng đầu tiên. Đa phần thường phải đến tháng thứ 2, thậm chí có bầu 3 tháng các mẹ mới cảm nhận được sự thay đổi của cơ thể.

Với những mẹ bầu nhận biết các dấu hiệu có thai trễ, bác sĩ khuyên mẹ ngay lập tức đến bệnh viện để thực hiện khám thai lần đầu. Với những mẹ phát hiện mang thai sớm, bác sĩ cũng khuyên mẹ nên chờ đến tuần thứ 5 hoặc thứ 6, tương đương với tháng thứ 2 mới thực hiện siêu âm. Nguyên nhân là do siêu âm sớm, phôi thai còn quá nhỏ sẽ rất khó nhận biết.

2. Những thay đổi của mẹ bầu 2 tháng như thế nào?

Các triệu chứng bà bầu 2 tháng có thể gặp phải bao gồm một, hai hoặc nhiều hiện tượng cùng lúc. Các biểu hiện này đều là những điều tất yếu sẽ diễn ra trong quá trình mang thai của mẹ bầu chứ không phải là hiện tượng bất thường.

3-dieu-quan-trong-phu-nu-nen-biet-khi-mang-bau-2-thang-voh

Bà bầu 2 tháng sẽ có nhiều thay đổi về thể chất lẫn tinh thần (Nguồn: Internet)

2.1 Những thay đổi về mặt thể chất

  • Mẹ bị mệt mỏi và muốn ngủ nhiều hơn.
  • Cảm giác muốn đi tiểu thường xuyên.
  • Buồn nôn có thể kèm theo nôn và nước bọt trong miệng cũng nhiều lên.
  • Có thể bị táo bón.
  • Dễ bị chướng bụng, đầy hơi và khó tiêu khi ăn.
  • Mẹ bầu bị chán ăn nhưng có nhiều lúc mẹ sẽ thấy đói nhanh và thường xuyên hơn.
  • Kích cỡ ngực bắt đầu tăng, đầu ti to và sẫm màu.
  • Có thể bị đau đầu và chóng mặt.
  • Cảm thấy khó chịu và căng tức vùng eo.

2.2 Thay đổi về mặt tâm trạng

  • Cảm xúc của mẹ bầu 2 tháng thường hay thay đổi thất thường như khi bị hành kinh, chẳng hạn như nhạy cảm, dễ tức giận, khó chịu...
  • Tâm trạng pha trộn giữa lo lắng, sợ hãi, hồi hộp và hạnh phúc.

3. Những vấn đề cần lưu ý về sức khỏe

3.1 Nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch trong quá trình mang thai

Vào tháng thứ 2, thai nhi bắt đầu hình thành các bộ phận của cơ thể, lượng máu mà cơ thể mẹ cần sản xuất sẽ phải tăng lên gấp nhiều lần. Lúc này mạch máu sẽ giãn ra để giúp quá trình tuần hoàn máu được thuận lợi hơn. Tuy nhiên, cũng có nhiều mẹ bầu gặp phải nguy cơ suy giãn tĩnh mạch khi mang thai. Để phòng tránh điều này, mẹ cần nhớ:

  • Không để cân nặng tăng quá nhanh.
  • Tránh ngồi hoặc đứng ở một tư thế quá lâu.
  • Không được mang vác các đồ vật quá nặng.
  • Hạn chế để xảy ra tình trạng táo bón.
  • Tránh mặc quần áo quá bó sát.
  • Bổ sung vitamin C đầy đủ là một trong những cách giúp cho thành mạch máu trở nên chắc khỏe và dẻo dai hơn.

3.2 Chú ý dinh dưỡng khi mang bầu 2 tháng

Ốm nghén là mối lo của rất nhiều mẹ bầu 2 tháng và có thể mẹ sẽ phải đối mặt với cơn ốm nghén cho đến hết tháng thứ 3. Một trong những cách giúp giảm bớt triệu chứng ốm nghén chính là mẹ nên tăng tăng cường bổ sung vitamin B6 và B12. Hai nhóm vitamin này còn giúp hỗ trợ sự phát triển của bào thai và ngăn ngừa dị tật ống thần kinh thai nhi.

Cùng với đó, mẹ bầu có thể kết thân với gừng và trà gừng, hoặc ăn một ít bánh quy vào mỗi buổi sáng. Đây cũng là cách giảm ốm nghén hiệu quả.

3-dieu-quan-trong-phu-nu-nen-biet-khi-mang-bau-2-thang-1-voh

Chế độ dinh dưỡng bầu 2 tháng - chất lượng quan trong hơn số lưọng (Nguồn: Internet)

Trong giai đoạn này, chất chất lượng thực phẩm mới là điều mẹ bầu cần quan tâm chứ không phải là số lượng. Mẹ có thể không cần ăn quá nhiều nhưng phải đảm bảo đủ chất. Tham khảo ý kiến chuyên gia hoặc những tài liệu về việc bổ sung những thức ăn dinh dưỡng cho bà bầu để đảm bảo cơ thể nhận được đủ chất, giúp thai nhi phát triển tốt.

3.3 “Quan hệ vợ chồng” ở tháng thứ 2 thai kỳ

Khác với lo lắng của nhiều mẹ, thai nhi được bao bọc kỹ càng trong túi ối nên khó có thể cảm thấy đau khi cha mẹ “yêu” nhau. Vì thế, nếu không gặp bất kỳ vấn đề gì vì sức khỏe, mẹ bầu 2 tháng vẫn có thể “sinh hoạt vợ chồng” bình thường. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyên để đảm bảo an toàn mẹ bầu vẫn nên hạn chế hoặc tránh cách hành động quá mạnh mẽ, thô bạo

Với những trường hợp vấn đề sức khỏe bất thường như có tiền sử sảy thai, sinh non, chảy máu âm đạo bất thường, viêm nhiễm phụ khoa... bà bầu cần tham khảo ý kiến bác sĩ trong chuyện chăn gối.

3.4 Bà bầu 2 tháng có nên làm đẹp ?

Với nhiều mẹ, bắt đầu từ tháng thứ 2 trở về sau có thể sẽ gặp phải hiện tượng da sẫm màu, khô... do sự thay đổi nội tiết tố bên trong.

Mẹ bầu vẫn có thể sử dụng mỹ phẩm để chăm sóc da của mình, miễn chúng không chứa thành phần độc hại hay hóa chất có ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Hiện có rất nhiều sản phẩm lành tính phù hợp với bà bầu trong thai kỳ mẹ bầu có thể tham khảo ý kiến chuyên gia được được tư vấn cụ thể.

Bà bầu có thể cắt tóc khi mang thai nhưng không nên sử dụng các sản phẩm tạo kiểu như: thuốc xịt, thuốc nhuộm, duỗi, uốn... vì thành phần hóa chất bên trong sản phẩm làm đẹp này có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi.

Việc sơn móng tay cũng cần hạn chế. Bởi một số nghiên cứu cho thấy trong sơn móng tay có hợp chất phthalates làm ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của thai nhi.

Trên đây là những thông tin về những điều mẹ bầu cần biết khi mang thai 2 tháng. Hi vọng những chia sẻ trên đây sẽ giải tỏa phần nào nỗi lo của mẹ, giúp mẹ vượt qua giai đoạn đầu thai kỳ một cách suôn sẻ và vui vẻ nhất.