3 nguyên nhân khiến bà bầu bị tê tay và cách cải thiện

VOH – Khi bà bầu bị tê tay, cảm giác đau thường tập trung ở ngón tay cái, ngón trỏ, ngón giữa và một nửa ngón áp út. Nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng này sẽ được chia sẻ trong bài viết sau.

Mang thai khiến cho cơ thể người phụ nữ thay đổi ở một mức độ đáng kể. Không có gì đáng ngạc nhiên khi một số chị em gặp phải một vài rắc rối trong suốt 9 tháng thai kỳ. Trong đó có tình trạng tê tay khi mang thai thường xảy ra ở tam cá nguyệt thứ 2 và sẽ kéo dài đến hết kỳ mang thai.

1. Triệu chứng và nguyên nhân khiến bà bầu bị tê tay

Khác với những đối tượng khác thường chỉ bị tê tay vào ban ngày, khi duy trì một tư thế nào đó quá lâu, hầu hết các mẹ bầu đều bị tê tay trong lúc ngủ. Nhiều mẹ giật mình tỉnh giấc vì bàn tay đột nhiên mất cảm giác hoặc có cảm giác kiến bò, châm chích khó chịu.

Trong một số trường hợp nặng, mẹ bầu còn có cảm giác đau nhức xuất hiện ở ngón tay, bàn tay hoặc những nơi khác như: bàn chân, ngón chân, cổ chân...

Bà bầu bị tê đầu ngón tay, bàn tay thường xuất hiện vào tháng thứ 5 và kéo dài đến hết thai kỳ. Đặc biệt, thai càng lớn hay mẹ bầu càng tăng cân nhiều thì triệu chứng tê tay càng xuất hiện nhiều hơn.

Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng bà bầu bị tê bàn tay là do:

1.1 Huyết áp thấp

3-nguyen-nhan-khien-ba-bau-bi-te-tay-va-cach-cai-thien-voh

Bà bầu bị tê tay có thể do tình trạng huyết áp thấp gây ra (Nguồn: Internet)

Huyết áp thấp có thể tác động đến nhiều thứ, một trong số đó là làm giảm lưu lượng máu quay trở lại từ các chi. Khi các mô không nhận được đủ máu trong một khoảng thời gian dài, các dây thần kinh phản ứng sẽ phản ứng lại bằng cảm giác tê và ngứa ran, từ đó khiến cho bà bầu bị tê tay.

1.2 Khớp dịch chuyển

Bà bầu bị tê tay nguyên nhân có thể đến từ việc các khớp bị dịch chuyển. Các bác sĩ đã khẳng định rằng, trong số các hormone do cơ thể sản xuất khi mang thai, có một loại mang tên là relaxin được tạo ra nhằm nới lỏng các khớp, giúp xương chậu của mẹ bầu mở ra để sẵn sàng cho em bé đi qua trong quá trình chuyển dạ.

Tuy nhiên, hormone relaxin không chỉ xuất hiện ở các khớp xương chậu mà nó còn tác động lên các khớp khác trong cơ thể. Kết quả là các dây thần kinh có thể bị chèn ép khi xương di chuyển ra khỏi vị trí cố định.

Trong khi đó, phụ nữ mang thai thường nằm ngủ nghiêng thay vì nằm ngửa. Chính điều này đã khiến cho các khớp vai bị thay đổi và đè lên dây thần kinh, dẫn đến hiện tượng bà bầu bị tê các đầu ngón tay hoặc cả bàn tay trong lúc ngủ.

1.3 Hội chứng ống cổ tay (đường hầm cổ tay)

Đây là một hội chứng khá phổ biến ở phụ nữ mang thai. Tình trạng này xảy ra khi có sự tích tụ chất lỏng trong các mô ở cổ tay khiến dây thần kinh chạy xuống bàn tay và ngón tay bị chèn ép, từ đó gây ngứa ran và tê tay.

Hội chứng ống cổ tay thường xảy ra trong tam cá nguyệt thứ 2 hoặc tam cá nguyệt thứ 3. Những mẹ bầu nào đã từng mắc phải hội chứng này trước đây thì nhiều khả năng sẽ gặp lại nó trong lần mang thai tiếp theo và phần lớn sẽ tự khỏi sau khi sinh con xong.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp hội chứng ống cổ tay sẽ tiếp tục phát triển sau khi sinh con. Nếu tình trạng bệnh không thuyên giảm sau khi sinh, các mẹ nên đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị.

2. Cách giúp bà bầu bị tê tay giảm bớt khó chịu

Chứng tê tay khi mang thai tuy không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng sẽ làm mẹ bầu cảm thấy khó chịu. Hơn nữa, nếu bà bầu bị tê tay thường xuyên trong lúc ngủ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, tác động tiêu cực cho sức khỏe tổng thể.

3-nguyen-nhan-khien-ba-bau-bi-te-tay-va-cach-cai-thien-1-voh

Bà bầu bị tê tay thường xuyên có thể gây tác động tiêu cực cho sức khỏe tổng thể (Nguồn: Internet)

Vì thế, nếu muốn muốn khắc phục chứng tê tay khi mang thai mẹ bầu có thể thử áp dụng một số cách đơn giản sau đây:

  • Tập thể dục: Ngoài việc thực hiện các bài tập thể dục dành cho bà bầu, mẹ nên tập thêm một số bài tập cho tay, chân để giúp máu lưu thông tốt hơn.
  • ­Thường xuyên thay đổi tư thế: Nếu phải thường xuyên làm việc với tính máy, mẹ bầu nên thường xuyên đứng lên đi lại, vận động các khớp tay, chân. Ngoài ra, nên kê cao gối trong lúc ngồi để giúp thư giãn các khớp, giảm chứng tê nhức.
  • Bổ sung canxi và magie: Duy trì một chế độ dinh dưỡng đầy đủ các nhóm chất, đặc biệt là tăng cường bổ sung thực phẩm giàu canxi và magie như tôm, cá, các loại hải sản, sữa và các chế phẩm từ sữa... Lưu ý, nếu muốn uống thuốc bổ sung canxi mẹ bầu cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Bổ sung vitamin nhóm B: Thiếu vitamin B6 là các vitamin nhóm B khác cũng có thể dẫn đến chứng tê tay khi mang thai. Vì vậy, mẹ bầu đừng quên tăng cường nhóm vitamin này trong thực đơn hàng ngày của mình nhé.
  • Ngủ đúng tư thế: Có rất nhiều tư thế ngủ tốt cho bà bầu nhưng tư thế nằm tốt nhất vẫn là nằm nghiêng bên trái. Tuy nhiên, thỉnh thoảng các mẹ cũng thể thay đổi tư thế nằm nếu cảm thấy tay, chân bị tê. Ngoài ra, tránh dùng tay để kê đầu và nên kê cao chân trong lúc ngủ để giúp giảm nhức và giảm sưng phù.
  • Ngâm tay chân vào nước ấm có pha thêm chút tinh dầu lavender hoặc tinh dầu hoa cúc sẽ giúp làm giảm triệu chứng tê tay. Mẹ cũng có thể dùng khăn chườm nóng trên vùng tay hoặc chân thường xuyên bị tê để giảm cảm giác khó chịu.
  • Một số liệu pháp xoa bóp bấm nguyệt cũng tác dụng làm giảm tắc nghẽn và giúp máu lưu thông tốt hơn, từ đó tình trạng bị tê tay khi mang thai cũng sẽ được khắc phục đáng kể.

Tóm lại, chứng tê tay khi mang thai là triệu chứng sinh lý bình thường, tuy gây khó chịu cho mẹ nhưng lại không dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Để phòng ngừa tình trạng bị tê tay khi mang thai, mẹ bầu nên cố gắng ăn theo chế độ lành mạnh và giữ cân nặng ở mức ổn định.

Nếu các triệu chứng tê tay trở trở nên nghiêm trọng như không thể nhấc nổi tay, có cảm giác hoa mắt chóng mặt, co cơ.. thì hãy đến bệnh viện để được kiểm tra chính xác. Bởi đó có thể là dấu hiệu của tiểu đường thai kỳ, rối loạn chuyển hóa hoặc những vấn đề bất thường khác trong hệ miễn dịch...