4 giai đoạn bệnh tay chân miệng ở trẻ em và người lớn

(VOH) - Trẻ em dễ bị bệnh tay chân miệng nhất do sức đề kháng còn yếu, các hoạt động giao tiếp khó kiểm soát.

Biểu hiện chính của bệnh tay chân miệng là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.

1. Tại sao trẻ em dễ mắc bệnh tay chân miệng hơn người lớn?     

Bệnh xảy ra cho mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là nhóm dưới 3 tuổi. Sở dĩ trẻ nhỏ dễ mắc bệnh vì ý thức tự vệ sinh chưa có. Trẻ nhỏ lại thường cho tay, đồ chơi vào miệng nên virus (nếu vương trên đồ chơi) có thể theo đường miệng vào cơ thể.

Thực chất, ai cũng có thể nhiễm virus nhưng không phải tất cả người nhiễm đều biểu hiện bệnh. Trẻ nhũ nhi, trẻ em và thiếu niên dễ bị nhiễm bệnh khi cơ thể chưa có kháng thể chống lại bệnh này.

Một khi trẻ em mắc tay chân miệng, nguy cơ biến chứng cao hơn và cách chữa trị cũng khó khăn hơn. Chính vì vậy, các phụ huynh cần đặc biệt lưu ý các giai đoạn của bệnh tay chân miệng để sớm chọn cho mình giải pháp chữa trị và ứng phó phù hợp.

trẻ em dễ mắc bệnh tay chân miệng voh.com.vn

Người lớn cũng có thể nhiễm tay chân miệng nhưng tỉ lệ thấp hơn so với trẻ em (Ảnh: Forbes)

2. 4 giai đoạn của bệnh tay chân miệng ở trẻ em

*Giai đoạn ủ bệnh: từ 3-7 ngày

*Giai đoạn khởi phát: từ 1-2 ngày. Trẻ có triệu chứng sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày. Cha mẹ cần theo dõi sát, phát hiện sớm và đưa trẻ đi khám nếu cần.

*Giai đoạn toàn phát: từ 3-10 ngày. Trẻ có các triệu chứng nặng hơn như:

  • Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi.
  • Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó để lại vết thâm.
  • Sốt nhẹ.
  • Nôn.
  • Nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng.
  • Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh.

Trong giai đoạn này, cha mẹ cần chăm sóc, vệ sinh cho trẻ kĩ càng; kiểm tra các dấu hiệu trên da để phân biệt được bệnh tay chân miệng với các bệnh có phát ban da khác như: sốt phát ban, dị ứng, viêm da mủ, thủy đậu, nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu, sốt xuất huyết.

Cần phân biệt rõ bệnh của trẻ để tránh uống sai thuốc, điều trị sai dẫn đến biến chứng nặng.

*Giai đoạn lui bệnh: 3-5 ngày. Trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng. Tuy nhiên, vẫn cần chú ý vệ sinh thật kỹ cho trẻ, tránh lây bệnh cho các trẻ khác. 

bệnh tay chân miệng dễ nhầm với bệnh khác voh.com.vn

Biểu hiện bệnh tay chân miệng không rõ ràng, cha mẹ dễ nhầm lẫn dẫn đến điều trị sai và bệnh của trẻ nặng thêm. Ảnh: bàn tay của bé bị tay chân miệng nhẹ - Mayo Clinic)

Khi phát hiện các dấu hiệu phát ban không rõ ràng hoặc loét miệng hoặc chỉ có triệu chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp mà không phát ban và loét miệng, dễ nhầm lẫn với một số bệnh khác, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán chính xác trẻ bị bệnh gì và có phương thức điều trị phù hợp.

Tuyệt đối không tự mua thuốc cho trẻ vì có thể khiến trẻ biến chứng nặng, phải thở máy, thậm chí tử vong.

Có không ít phụ huynh khi con bị bệnh, dù ở nặng hay nhẹ cũng muốn xin cho con nhập viện. Điều này hoàn toàn không nên bởi với bệnh tay chân miệng nhẹ - chăm trẻ tại nhà sẽ tốt hơn nhiều vì điều kiện vệ sinh tốt hơn, môi trường sạch sẽ và giảm được nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn khác, hay lây chéo.

Trong trường hợp chăm sóc tại nhà, bệnh không lui và có dấu hiệu nặng hơn, cha mẹ cần theo dõi sát để phát hiện sớm biến chứng.

>>>  Cách chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng với 3 chú ý quan trọng

3. Các biến chứng bệnh tay chân miệng

Biến chứng thần kinh: Viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não.

Biểu hiện của biến chứng thần kinh là rung giật cơ từng cơn ngắn 1-2 giây, chủ yếu ở tay và chân, trong cơn, trẻ vẫn còn ý thức.

- Ngủ gà, bứt rứt, chới với, đi loạng choạng, run chi, mắt nhìn ngược.

- Yếu liệt chi (liệt mềm cấp).

- Liệt dây thần kinh sọ não.

- Co giật, hôn mê là dấu hiệu nặng, thường đi kèm với suy hô hấp, tuần hoàn.

Biến chứng tim mạch, hô hấp: Viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch. Biểu hiện của biến chứng tim mạch, hô hấp:

Mạch nhanh > 150 lần/phút.

Da nổi vân tím, vã mồ hôi, chi lạnh.

Giai đoạn đầu có huyết áp tăng (HA tâm thu: trẻ dưới 2 tuổi ≥ 115 mmHg, trẻ trên 2 tuổi ≥ 120 mmHg), giai đoạn sau mạch, huyết áp không đo được.

- Khó thở: Thở nhanh, rút lõm ngực, thở rít thanh quản, thở không đều.

- Phù phổi cấp: Sùi bọt hồng, khó thở, tím tái, phổi nhiều ran ẩm.

>>>  4 lý do khiến bệnh tay chân miệng nguy hiểm với trẻ em

trẻ bị biến chứng bệnh tay chân miệng voh.com.vn

Trẻ bị biến chứng tay chân miệng đang phải điều trị tại bệnh viện. Nguồn : SGGP

Ngay khi phát hiện trẻ bị biến chứng, cha mẹ cần đưa trẻ ngay tới bệnh viện chuyên khoa nhi, truyền nhiễm để được hồi sức cấp cứu và xử lý các biến chứng xấu có thể xảy ra.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bênh tay chân miệng, chỉ điều trị hỗ trợ (không dùng kháng sinh khi không có bội nhiễm). Trong trường hợp trẻ được chẩn đoán mắc tay chân miệng độ 1, cha mẹ có thể cho trẻ điều trị tại nhà, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng và nhất thiết phải tái khám theo lịch hẹn.

Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà được khuyến khích thực hiện vì tránh cho trẻ khỏi nguy cơ bị lây nhiễm nếu đưa vào bệnh viện. Vậy khi nào mới trị bệnh tay chân miệng tại nhà và  chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng tại nhà cần lưu ý gì ?