4 vấn đề của bánh nhau trong thai kỳ, có thể mẹ chưa biết!

(VOH) – Bánh nhau có vai trò rất quan trọng trong thai kỳ, do đó, nếu bánh nhau xuất hiện vấn đề thì không chỉ ảnh hưởng đến thai nhi mà còn có thể gây nguy hiểm cho người mẹ.

Bánh nhau là gì?

Bánh nhau (nhau thai) có cấu trúc hình đĩa, đường kính khoảng 20cm, nặng khoảng 300- 500gram. Cấu trúc hình đĩa bánh nhau thường dày nhất ở phần giữa và mỏng dần sang 2 bên, nơi dày nhất có thể lên đến 4cm. Dây rốn thường bám ở phần dày nhất bánh nhau để lấy lượng máu và dinh dưỡng chuyển sang cho em bé.

Chức năng chính của bánh nhau là giúp cung cấp oxy dinh dưỡng em bé, bảo vệ, che chở em bé khỏi va chạm và tác động từ môi trường bên ngoài. Ngoài ra, bánh nhau còn rất nhiều chức năng chẳng hạn như:

  • Từ tháng thứ 3 trở đi bánh nhau thay thế dần trong việc tiết ra nội tiết tố để nuôi thai.
  • Bánh nhau cũng là nơi dẫn truyền, đưa nguồn máu, nguồn dinh dưỡng từ người mẹ để nuôi dưỡng thai nhi. 

Những trục trặc thường gặp ở bánh nhau là gì?

Theo BSCKII Bùi Thanh Vân (Bệnh viện Từ Dũ), bánh nhau có thể xuất hiện nhiều bất thường, những bất thường gặp nhiều nhất là:

  1. Vị trí của bánh nhau

Thông thường, bánh nhau sẽ nằm ở vùng đáy tử cung hoặc là phần thân (mặt trước thân, mặt sau thân, mặt bên phải thân, mặt bên trái thân), đây là những vị trí bình thường. Khi bánh nhau không nằm ở vị trí này thì đa phần nó bị tụt xuống dưới gần cổ tử cung, được gọi là nhau bám thấp hoặc nằm sâu xuống nữa gọi là nhau tiền đạo.

4-van-de-cua-banh-nhau-trong-thai-ky-co-the-me-chua-biet-voh

Có rất nhiều bất thường có thể xuất hiện ở bánh nhau (Nguồn: Internet)

Tùy theo mức độ bám của bánh nhau người ta có chia ra làm: Nhau bám thấp, nhau bám mép, nhau tiền đạo bán trung tâm, và nhau tiền đạo trung tâm. Bánh nhau ở tình trạng nhau tiền đạo trung tâm là nghiêm trọng nhất vì dễ gây xuất huyết, rất nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con.

  1. Cấu trúc của bánh nhau

Bình thường bánh nhau có cấu trúc hình đĩa tròn với bề dày từ 2 - 4cm, nhưng có những trường hợp bánh nhau quá dày, được gọi là phù nhau thai. Trường hợp phù nhau thai có thể khiến thai nhi sẽ tử vong. Và với người mẹ thì sẽ gặp tình trạng khó sinh và có thể bị băng huyết sau sinh.

Một bất thường khác trong cấu trúc bánh nhau là tình trạng hình thành 2 bánh nhau. Nếu sự kết nối giữa 2 bánh nhau đi qua cổ tử cung sẽ dẫn đến biến chứng mạch máu tiền đạo và biến có thể khiến em bé tử vong bất cứ lúc nào. 

  1. Bệnh lý về bào thai (thai trứng)

Khi bị thai trứng toàn bộ những cấu trúc gai nhau sẽ không phát triển như bình thường mà bị thoái hóa nước và phình to ra. Những trường hợp này sẽ không thể dưỡng thai và buộc phải bỏ thai.

  1. Độ bám của bánh nhau

Bất thường về độ bám của bánh nhau thường gặp nhất là tình trạng nhau cài răng lược. Thông thường, nhau cài răng lược là hậu quả của các trường hợp nhau tiền đạo (tiền đạo trung tâm hoặc bán trung tâm), nhau bám thấp hoặc nhau bám mép. Những trường hợp này thường sẽ phải chấm dứt thai kỳ sớm để đảm bảo an toàn cho người mẹ.

Lưu ý: Nhau bong non không phải là 1 bất thường của bánh nhau mà nó là một biến chứng trong thai kỳ, thường gặp ở mẹ bị tiền sản giật hoặc bị va đập mạnh. Nhau bong non sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và của con. Những trường hợp nhau bong non sẽ tùy theo từng tuổi thai để tiến hành can thiệp mổ lấy thai cứu em bé. Nếu nhau bong non không được phát hiện sớm hoặc can thiệp chậm trễ sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.

Nguyên nhân nào gây bất thường vấn đề bánh nhau?

Thông thường bánh nhau sẽ nằm đúng vị trí, nhưng người phụ nữ nếu có những can thiệp trong lòng tử cung đưa đến hậu quả là niêm mạc tử cung bị tổn thương thì có thể dẫn đến bất thường về bánh nhau, chẳng hạn: nạo hút thai nhiều lần; có dị tật trong lòng tử cung; nhân xơ tử cung...

4-van-de-cua-banh-nhau-trong-thai-ky-co-the-me-chua-biet-1-voh

Mẹ có nhóm máu Rh(-) có thể gây ra bất thường ở bánh nhau (Nguồn: Internet)

Trong trường hợp phù nhau thai, nguyên nhân thường gặp nhất là do nhiễm trùng bào thai và bất đồng nhóm máu mẹ con, thường gặp nhất là người có nhóm máu Rh (-).

Làm thế nào để có một thai kỳ an toàn?

Theo BSCKII Bùi Thanh Vân, khi bạn đã có ý định mang thai thì bạn nên có kế hoạch lựa chọn thời điểm mang thai và nên đi khám kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai.

Khi đã mang thai bạn nên đi khám thai lần đầu tiên càng sớm càng tốt. Trong quá trình thăm khám sẽ có những giai đoạn không thể bỏ qua, đó là:

  • Trong 3 tháng đầu bạn phải làm các xét nghiệm kiểm tra máu mẹ và kiểm tra tất cả những gì có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
  • Khi tuổi thai từ 11 - 13 tuần 6 ngày cần làm siêu âm độ mờ da gáy và xét nghiệm tầm soát bệnh Down cho em bé. 
  • Khi tuổi thai từ 22 - 24 tuần phải thực hiện siêu âm khảo sát tình hình thái học thai nhi.

Trong suốt thai kỳ, bạn cần tuân thủ những chỉ định của bác sĩ về việc tiêm ngừa vắc-xin khi mang thai cũng như bổ sung đầy đủ các loại thuốc hỗ trợ thai kỳ như sắt, canxi, axit folic...

Những tháng cuối thai kỳ, bạn có thể sẽ gặp phải một vài trục trặc chẳng hạn như thai nhi sụp xuống, có thể dễ đưa đến hiện tượng chèn ép dây rốn, em bé bị suy yếu hay bị ngộp… Những trường hợp này, bạn nên thông báo với bác sĩ để bác sĩ theo dõi và có những chỉ định xét nghiệm, siêu âm thích hợp.

Nhìn chung, mang thai là một hành trình dài và bạn cần tuân theo những chỉ định của bác sĩ để hạn chế tối đa những rủi ro và có được một thai kỳ cũng như một cuộc “vượt cạn” an toàn cùng với một đứa con khỏe mạnh. 

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới:

Giúp mẹ nhận biết nhau bám thấp khi mang thai và cách điều trị : Với phụ nữ mang thai, khi được chẩn đoán bị nhau bám thấp thường sẽ rất lo lắng vì đây là một trong những biểu hiện nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của cả mẹ và thai nhi trong bụng.
Nhau bám mặt trước là gì, có nguy hiểm không? : Nhau bám mặt trước là một vị trí thường gặp trên kết quả siêu âm của các mẹ bầu. Vậy ra bám mặt trước là gì và có nguy hiểm hay không?