5 điều bạn vẫn 'mơ hồ' về thực phẩm biến đổi gen

(VOH) – Thực phẩm biến đổi gen đang ngày càng có mặt rộng rãi trên thị trường. Tuy nhiên, nhiều người hiện nay vẫn còn rất mơ hồ vì không biết loại thực phẩm này rốt cuộc có tốt hay không?

Trong thiên nhiên, quá trình biến đổi gen nhằm mục đích có lợi cho tiến hóa vẫn xảy ra, tuy nhiên những sự biến đổi trong tự nhiên thường diễn ra rất chậm, có thể trong hàng nghìn năm hoặc lâu hơn.

Theo thời gian, dân số càng tăng nhưng lương thực lại có nguy cơ thiếu, do đó nhân loại muốn có những giống cây trồng, vật nuôi có những đặc tính ưu việt, có khả năng chịu hạn tốt, chống chịu sâu bệnh nhằm làm tăng năng suất mùa màng nên đã nghiên cứu chế tạo ra loại thực phẩm biến đổi gen, hoặc sử dụng thực phẩm chuyển gen nhằm tạo ra những thực phẩm có đặc tính dinh dưỡng ưu việt nào đó.

1. Thực phẩm biến đổi gen GMO là gì?

Thực phẩm biến đổi gen (Genetically Modified food) được dùng để chỉ các loại thực phẩm có thành phần từ cây trồng biến đổi gen, động vật biến đổi gen – hay còn gọi là thực phẩm GMO, hoặc còn gọi là thực phẩm công nghệ sinh học (CNSH).

5-dieu-co-the-ban-chua-biet-ve-thuc-pham-bien-doi-gen-voh

Thực phẩm biến đổi gen là những loại cây trồng được tạo ra nhờ công nghệ sinh học (Nguồn: Internet)

Thuật ngữ thực phẩm biến đổi gen ban đầu dùng để chỉ những loại cây trồng dành cho con người hoặc gia súc được tạo ra nhờ công nghệ sinh học. Biến đổi gen có từ những năm 1980, được xem như một thành tựu của nền khoa học thế giới. Nhờ kỹ thuật này mà con người có thể tạo ra các loại cây trồng, vật nuôi có những phẩm chất mong muốn như tăng khả năng chống cỏ dại, chống sâu bệnh hay tăng hàm lượng dưỡng chất.

Trong kỹ thuật biến đổi gen, người ta có thể thêm hoặc bỏ bớt gen. Về mặt nguyên tắc, biến đổi gen chỉ thực hiện ở những loại gen mang tính có lợi, nghĩa là chỉ tiến hành biến đổi ở những gen không liên quan gì đến thành phần giá trị dinh dưỡng của thực phẩm, hoặc nếu có thì sẽ làm động tác theo hướng tăng cường hàm lượng mà không làm thay đổi theo chiều hướng ngược lại. Do đó, giá trị dinh dưỡng của thành phẩm sẽ không bị suy giảm.

Cho đến nay, đã có nhiều nước ứng dụng công nghệ biến đổi gen vào cho cây trồng, đặc biệt là Mỹ, Trung quốc, Ấn độ…. Tại Việt Nam, một số cây trồng biến đổi gen cũng đã được đưa vào thử nghiệm. Mặc dù chưa tiến hành một cách đại trà, song Việt Nam vẫn có nhập khẩu các thực phẩm biến đổi gen để cung ứng cho thị trường trong nước.

2. Tại sao cần biến đổi gen thực vật?

Trước đây, việc nâng cao chất lượng giống cây trồng thường được thực hiện nhờ phương pháp nhân giống, song phương pháp này tốn nhiều thời gian lại cho kết quả không chính xác. Do đó, người ta tạo ra các loại hạt giống biến đổi gen với nhiều mục đích như tăng khả năng kháng lại sâu bệnh hoặc để cây trồng cứng cáp hơn.

Đôi khi, người ta sử dụng biến đổi gen cho thực vật để sản phẩm thu được có màu sắc đẹp hơn, vòng đời lâu hơn hoặc để tạo ra những loại thực vật không hạt như dưa hấu và nho…

Một số loại thực vật biến đổi gen cũng chứa hàm lượng các chất dinh dưỡng cao hơn như protein, canxi và folat. Người ta còn nhấn mạnh rằng các giống ngô biến đổi gen sẽ giảm được số lần phun thuốc trừ sâu.

3. Thực phẩm biến đổi gen gồm những loại nào?

Cây thuốc lá là "sản phẩm" biến đổi gen đầu tiên được trồng thử nghiệm trên đồng ruộng. Các nhà khoa học gây biến đổi gen ở cây thuốc lá để chúng kháng thuốc diệt cỏ, rồi trồng thử nghiệm tại Mỹ và Pháp vào năm 1986. Một thập kỷ sau đó cây trồng biến đổi gen bắt đầu được trồng đại trà với mục đích thương mại.

Ngày nay, các thực phẩm biến đổi gen phổ biến nhất là các loại cây trồng thực vật, ví dụ như:

  • Đậu nành
  • Khoai tây
  • Đu đủ
  • Củ cải đỏ
  • Củ sắn
  • Khoai tây
  • Cà chua
  • Bí đỏ
  • Ngô
  • Một số loài thực vật khác.

5-dieu-co-the-ban-chua-biet-ve-thuc-pham-bien-doi-gen-1-voh

Tại Việt Nam hiện có 16 giống ngô biến đổi gen được công nhận (Nguồn: Internet)

Tại Việt Nam, hiện đã có 16 giống ngô biến đổi gen được chính phủ công nhận. Mỗi năm lượng hạt giống ngô biến đổi gen GMO được tung ra thị trường Việt Nam là khoảng 200 tấn tương ứng với diện tích trồng lên đến 100 ha.

4. Thực phẩm biến đổi gen có an toàn không?

Hiện tại, vẫn chưa có chứng cứ khoa học nào khẳng định sử dụng thực phẩm biến đổi gen có hại cho sức khỏe. Những hậu quả về mặt sức khỏe khi ăn các loại động vật đã trải qua biến đổi gen vẫn còn là một bí ẩn lớn.  

Trên thế giới cũng chia ra các luồng quan điểm khác nhau. Tại các quốc gia chấp nhận sử dụng thực phẩm biến đổi gen cho biết, chưa có ghi nhận nào về việc sử dụng thực phẩm biến đổi gen sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, nhóm không ủng hộ thực phẩm biến đổi gen đưa ra quan điểm rằng sử dụng thực phẩm GMO lâu dài sẽ gây dị ứng, kháng kháng sinh, thậm chí gây ung thư.

Trên thực tế vẫn có khả năng tồn tại độc tố trong thực phẩm biến đổi gen, bởi vì cây trồng truyền thống và cây trồng biến đổi gen chỉ khác nhau về gen quy định tính trạng mong muốn, lượng độc tố tự nhiên (nếu có) tồn tại trong cây trồng truyền thống cũng sẽ có mặt trong cây trồng chuyển gen. Tuy nhiên, điều quan trọng là trong các thực phẩm chúng ta ăn từ xưa đến nay đều tồn tại độc tố ở hàm lượng nhất định nhưng hầu hết ở mức độ an toàn với người sử dụng.

5. Sử dụng thực phẩm biến đổi gen GMO cần lưu ý điều gì?

Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện theo quy định quốc tế, tức là nếu sản phẩm nào có quá 5% thành phần từ nguyên liệu biến đổi gen, thì phải dán nhãn thực phẩm biến đổi gen. Việc dán nhãn giúp người tiêu dùng nhận biết sản phẩm có biến đổi gen, chứ không liên quan đến vấn đề an toàn hay không.

5-dieu-co-the-ban-chua-biet-ve-thuc-pham-bien-doi-gen-2-voh

Sản phẩm biến đổi gen đều được dán nhãn để giúp người tiêu dùng dễ phân biệt (Nguồn: Internet)

Về mặt an toàn hiện vẫn chưa đủ bằng chứng để đưa ra kết luận rằng, thực phẩm biến đổi gen có an toàn với sức khỏe con người hay không. Nên quyền quyết định có sử dụng hay không phụ thuộc hoàn toàn vào người tiêu dùng.

Và dù có lựa chọn sử dụng thực phẩm biến đổi gen hay các loại thực phẩm thông thường thì bạn cũng cần đảm bảo các quy định an toàn về chế biến, đun nấu thực phẩm, đó là:

  • Chọn những thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đọc kỹ các thông tin về ngày sản xuất, hạn sử dụng…
  • Khi chế biến, không để lẫn thực phẩm sống và chín.
  • Sử dụng nước sạch để sơ chế, chế biến thực phẩm.
  • Luôn giữ tay sạch sẽ trước, trong và sau khi chế biến thực phẩm.
  • Nấu chín kỹ những loại thực phẩm này.
  • Ăn ngay khi thức ăn vừa nấu chín.
  • Thức ăn đã nấu chín nếu không ăn hết cần được bảo quản cẩn thận, tránh sự xâm nhập của các loài côn trùng, gặm nhấm hoặc các loài động vật khác.
  • Đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm ôi thiu mốc hỏng, quá hạn sử dụng.
  • Giữ bề mặt chế biến, bàn bếp luôn khô ráo, sạch sẽ.