5 điều mẹ cần biết trước khi tập cho bé ăn dặm tự chỉ huy (BLW)

(VOH) – Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy sẽ có nhiều khác biệt so với các phương pháp khác ở nguyên tắc ăn dặm, cách chọn thức ăn… Nếu mẹ đang quan tâm về phương pháp này hãy cùng tham khảo bài viết sau.

Cùng với phương pháp ăn dặm truyền thống và phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy cũng được nhiều mẹ Việt lựa chọn. Tuy nhiên, do chưa có sự hiểu biết nhiều về phương pháp này nên các mẹ vẫn chưa biết phải bắt đầu như thế nào để có thể mang lại kết quả tốt nhất.

1. Thế nào là phương pháp ăn dặm tự chỉ huy (BLW)?

1.1 Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy là gì?

Ăn dặm BLW (Baby-Led Weaning) hay còn gọi là phương pháp ăn dặm bé chỉ huy là phương pháp ăn dặm coi trọng yếu tố rèn luyện thói quen độc lập trong ăn uống cho trẻ. Trong đó, bé sẽ được quyền chọn mình muốn ăn gì, ăn bao nhiêu và ăn với tốc độ như thế nào.

Phương pháp ăn dặm này cho phép bé tự đút mình ăn, do đó, sẽ không có thức ăn xay nhuyễn hay đút bé bằng muỗng. Bé được ngồi ăn trên bàn cùng gia đình trong bữa ăn và tham gia ăn cùng mọi người khi đã sẵn sàng. Lúc đầu bé sẽ dùng tay bốc thức ăn và sau đó sẽ tự đút mình ăn bằng muỗng.

5 điều mẹ cần biết trước khi tập cho bé ăn dặm tự chỉ huy (BLW) 1
Ăn dặm bé tự chỉ huy coi trọng yếu tố rèn luyện thói quen độc lập trong ăn uống (Nguồn: Internet)

Ăn dặm theo phương pháp BLW có thể giúp bé tận hưởng bữa ăn một cách chủ động. Đây là phương pháp khá phổ biến ở nhiều nước châu Âu, châu Mỹ và thời gian gần đây được nhiều bà mẹ Việt quan tâm.

1.2 Tại sao phương pháp BLW lại khác biệt với các phương pháp khác?

Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy khác với các phương pháp ăn dặm thông thường bởi vì phương pháp này khuyến khích thái độ tự tin và tính độc lập của bé.

Thông thường, giai đoạn ăn dặm bắt đầu khi bé biểu hiện có thể tự ăn, và tiến triển theo nhịp độ riêng của bé. Việc này cho phép bé làm theo bản năng để bắt chước ba mẹ và các anh chị, từ đó giúp bé phát triển kỹ năng ăn một cách tự nhiên.

1.3 Khi nào bé nên bắt đầu ăn dặm tự chỉ huy?

Hiện nay, độ tuổi khuyến nghị để trẻ bắt đầu ăn dặm là 6 tháng tuổi. Trước khi đạt được độ tuổi này, hệ tiêu hóa của trẻ khó có thể tiêu hóa tốt các loại thức ăn, trừ sữa. Ngoài ra, một số nghiên cứu còn ghi nhận, cho bé ăn dặm trước 6 tháng tuổi dễ khiến trẻ mắc các nhân tố gây bệnh tim mạch, ví dụ như bệnh cao huyết áp.

Có rất nhiều biểu hiện để mẹ nhận biết trẻ đã có thể sẵn sàng cho việc ăn dặm như: bé tỉnh giấc nửa đêm, bé chậm tăng cân, bé nhìn ba mẹ ăn, bé tóm tém miệng...Tuy nhiên, phần lớn những dấu hiệu này sẽ xuất hiện khi bé được 4 tháng tuổi, do đó đây có thể chỉ là “dấu hiệu giả”.

5 điều mẹ cần biết trước khi tập cho bé ăn dặm tự chỉ huy (BLW) 2
Dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng ăn dặm (Nguồn: Internet)

Cách đáng tin nhất để biết liệu bé đã sẵn sàng ăn dặm hay chưa, là hãy tìm kiếm các dấu hiệu trùng khớp với những thay đổi quan trọng trong cơ thể bé. Nếu bé có thể tự ngồi, thò tay cầm đồ vật, đưa nhanh và chính xác vào miệng, bé gặm đồ chơi và nhai nhóp nhép, đó chính là lúc bé sẵn sàng khám phá thức ăn dặm.

1.4 Lợi ích của phương pháp ăn dặm BLW

Việc để bé tự quyết định món ăn mình yêu thích sẽ mang đến rất nhiều lợi ích, chẳng hạn như:

  • Giúp bé có thể ăn và phát triển kỹ năng một cách tự nhiên, bé được ăn theo bản năng khi đã sẵn sàng. Bé có thể tự khám phá thức ăn theo nhịp độ riêng của mình.
  • Giúp bé học cách tận hưởng và tin tưởng thức ăn, bé biết khám phá những vị khác biệt, học cách nhận biết thức ăn và xây dựng thú vui ăn uống lâu dài.
  • Giúp bé học cách kiểm soát thức ăn với những kích thước, hình dạng, độ thô mịn khác nhau ngay từ đầu.
  • Giúp bé phát triển được kỹ năng nhai và sự tương tác giữa tay và mắt.
  • Giúp bé được tham gia bữa ăn gia đình tạo niềm vui cho bé qua việc ‘bắt chước’ hành vi người lớn, cách chia sẻ và cách giao tiếp. Từ đó, khuyến khích sự tự lập và tự tin ở trẻ.
  • Giúp bé phát triển thói quen ăn uống lành mạnh, hạn chế hiện tượng trẻ bị kén ăn hay những cuộc ‘đấu tranh trong ăn uống’ giữ bé và mẹ.

1.5 Nhược điểm của phương pháp ăn dặm BLW

Bên cạnh ưu điểm, phương pháp ăn dặm BLW cũng có nhược điểm. Đầu tiên đó là quá trình cho bé ăn có thể sẽ rất lộn xộn, bừa bộn và bé thường sẽ không ăn được nhiều. 

Tiếp theo, trẻ ăn dặm theo kiểu BLW sẽ gặp khó khăn trong việc nhai các loại thức ăn như thịt nấu chín trong giai đoạn đầu, khiến bé có thể bị thiếu chất sắt. Tuy nhiên, khi bé đã ăn thành thạo thì việc thiếu sắt sẽ không phải là vấn đề đáng lo lắng.

Ngoài ra, nếu trẻ mới tập ăn dặm nếu ăn ngay đồ ăn thô có thể sẽ bị hóc nghẹn thức ăn.

Cuối cùng, phương pháp này hiện vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của các thế hệ đi trước, nhất là những gia đình có mục tiêu muốn trẻ tăng cân nhanh.

Xem thêm: So sánh ưu-nhược điểm 3 phương pháp cho bé ăn dặm 'hot' nhất hiện nay

1.6 Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy không phù hợp với những trường hợp nào?

Phương pháp BLW tùy thuộc vào sự phát triển các khả năng bình thường của bé, do đó, có một số trường hợp mẹ không nên áp dụng phương pháp ăn dặm này:

  • Trẻ phát triển chậm, yếu cơ hoặc gặp khuyết tật về thể chất ở vùng miệng, cánh tay, bàn tay hoặc lưng (ví dụ hội chứng Down, chứng liệt não hoặc tật nứt đốt sống).
  • Trẻ bị rối loạn tiêu hóa.
  • Trẻ sinh non.

Nhìn chung, tất cả các bé từ 6 tháng tuổi đều có thể áp dụng phương pháp ăn dặm tự chỉ huy. Tuy nhiên, nếu bé của mẹ sinh non hoặc gặp vấn đề thể chất, y học đặc biệt nào đó, mẹ nên tham vấn bác sĩ nhi khoa, chuyên gia dinh dưỡng trước khi quyết định cho bé ăn dặm bằng phương pháp BLW.

2. Khởi động quá trình ăn dặm với phương pháp BLW

2.1 Chuẩn bị

Với phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy, mẹ không phải mua bất kỳ vật dụng đặc biệt nào. Tuy vậy, mẹ cần đảm bảo khi bé bắt đầu khám phá thức ăn bé phải được an toàn và được hỗ trợ ở tư thế ngồi thẳng.

Về thực phẩm, mẹ không cần mua hoặc chuẩn bị các món ăn đặc biệt nào dành cho bé, bởi những món ăn tốt cho sức khỏe trong gia đình mẹ có thể điều chỉnh phù hợp và an toàn hơn để bé có thể ăn được.

5 điều mẹ cần biết trước khi tập cho bé ăn dặm tự chỉ huy (BLW) 3
Thức ăn dặm cho bé không cần phải quá đặc biệt (Nguồn: Internet)

Trong những tháng đầu tiên, mẹ cũng không cần dùng đến muỗng hay thìa vì bé sẽ dùng tay. Điều quan trọng là mẹ cần đảm bảo tay bé sạch sẽ trước khi ăn.

2.2 Thời điểm ăn

Giống như các phương pháp ăn dặm khác, ăn dặm bé tự chỉ huy cũng bắt đầu cho bé tập ăn dặm 1 lần 1 ngày, sau đó nâng lên thành 2 và 3 bữa sau vài tháng.

Điểm khác biệt duy nhất là mẹ có thể cho bé “nhập cuộc” ở bất cứ thời gian nào – có thể là bữa sáng, bữa trưa, bữa tối hoặc khi ba mẹ ăn bữa phụ. Nên nhớ, trong những tuần đầu tập bé ăn dặm, “bữa ăn” không giúp bé no bụng mà chỉ nhằm giúp bé chơi đùa, chia sẻ và là cơ hội để bé học hỏi, bắt chước.

3. Những nguyên tắc cơ bản khi áp dụng phương pháp ăn dặm BLW

3.1 Về thức ăn

Bí quyết của phương pháp BLW trong những tháng đầu là cho bé làm quen với các món dễ ăn, an toàn giúp bé có thể cầm và đưa vào miệng. Vì thế, mẹ cần lưu ý:

  • Thức ăn dành cho bé không nên quá dày hoặc quá to.
  • Thức ăn nên có kích thước và hình dạng dễ cầm, ví dụ mẫu thức ăn dài sẽ dễ cầm hơn mẫu thức ăn ngắn.
  • Bé có thể ăn hầu hết các loại rau,củ, quả và phần lớn các loại thịt. Tuy nhiên, thời gian đầu, tốt nhất vẫn nên cho bé ăn các loại rau, củ như cà rốt, bông cải xanh hấp, các loại thực phẩm giàu chất sắt và dễ tiêu hóa như ngũ cốc.
  • Với các loại thịt mềm hãy cắt thành từng miếng nhỏ. Các loại rau không nên nấu quá mềm hoặc quá cứng.

3.2 Về cách ăn

Mẹ cho bé ngồi thẳng người, quay mặt về phía bàn, có thể ngồi trên ghế ăn hoặc trên đùi mẹ. Tuy nhiên, cần đảm bảo là bé đã ngồi vững và có thể dùng bàn tay và cánh tay thoải mái.

Đặt đồ ăn trước mặt bé hoặc cho bé lấy nó từ tay mẹ và để bé tự quyết định.

Chọn những thời điểm bé không mệt và đói để bé có thể tập trung ăn. Đừng hối thúc bé hoặc làm bé rối trí khi xử lý thức ăn.

Đừng đút thức ăn vào miệng bé hoặc cố thuyết phục bé ăn nhiều hơn mức mình muốn.

3.3 Những việc nên làm và không nên làm

Những việc nên làm

  • Đảm bảo bé được hỗ trợ trong tư thế ngồi thẳng lưng trong khi ăn.
  • Bắt đầu bằng cách cho bé các món ăn dễ cầm nắm.
  • Cho bé ăn thức ăn đa dạng.
  • Tiếp tục cho bé bú mẹ hoặc uống sữa công thức như trước đây.
  • Thảo luận việc cho bé tập ăn dặm với chuyên gia tư vấn sức khỏe.
5 điều mẹ cần biết trước khi tập cho bé ăn dặm tự chỉ huy (BLW) 4
Bông cải xanh lựa chọn tốt cho bé tập ặn dặm tự chỉ hủy giai đoạn đầu (Nguồn: Internet)

Những việc nên tránh

  • Đừng cho bé ăn những loại thức ăn không tốt cho sức khỏe.
  • Không cho bé ăn thức ăn dặm khi bé đang đói sữa.
  • Không hối thúc bé hoặc khiến bé xao nhãng trong khi bé đang cầm thức ăn.
  • Không giúp bé đưa thức ăn vào miệng.
  • Không cố gắng thuyết phục bé ăn hơn mức bé muốn. Không cần phải dỗ dành, đe dọa hoặc bày trò chơi.
  • Không bao giờ để bé ngồi một mình với thức ăn.

Xem thêm: Tập trẻ ăn dặm đúng cách – 5  nguyên tắc quan trọng mẹ cần phải nhớ

4. Những món ăn đầu tiên cho bé ăn dặm theo phương pháp BLW

Khi cho bé ăn dặm bằng phương pháp tự chỉ huy, mẹ cần lưu ý những nguyên tắc cơ bản sau đây:

  • Lựa chọn thức ăn giàu dinh dưỡng. Trong quá trình chế biến không nêm muối hoặc đường.
  • Tối thiểu 1 lần một ngày phải có một loại thức ăn thuộc nhóm thực phẩm chính, tức là nhóm thức ăn từ ngũ cốc (cháo, cơm...)
  • Thay đổi nhiều loại món ăn trong tuần để bé có cơ hội thử nghiệm các hương vị và độ thô mịn khác nhau của thức ăn.
  • Chế biến thức ăn ở hình dạng và kích thước giúp bé dễ dàng cầm nắm.

4.1 Những món ăn bốc đầu tiên dễ làm

  • Hấp (hoặc luộc sơ) các loại, ví dụ như đậu cô ve, ngô bao tử, đậu Hà Lan, súp lơ xanh hoặc súp lơ trắng.
  • Hấp, nướng hoặc chiên các que rau củ, ví dụ cà rốt, khoai tây, cà tím, khoai lang, củ cải Thụy Điển, củ cải vàng, bí xanh, bí ngô.
  • Các que dưa leo (dưa chuột).
  • Miếng bơ dày. Lưu ý, không dùng bơ quá chín vì sẽ dễ bị nát.
  • Thịt gà (nên chọn phần thịt ức hoặc đùi gà).
  • Các loại qua quả có thể cho bé ăn bằng cách cắt hình que như: lê, táo, chuối, đào, xoài.
  • Các que phomai, ví dụ cheddar hoặc gloucester.
  • Bánh mì cắt dạng que.
  • Bánh gạo hoặc bánh mì nướng.
5 điều mẹ cần biết trước khi tập cho bé ăn dặm tự chỉ huy (BLW) 5
Những món ăn bóc đầu tiên của bé nên cắt thành hình dạng que (Nguồn: Internet)

Nếu muốn sáng tạo bữa ăn dặm cho bé, mẹ có thể thử làm các món sau:

  • Thịt viên hoặc thì bò băm viên.
  • Thịt cừu hoặc thịt gà bọc bột chiên.
  • Chả cá chiên hoặc lát cá tẩm bột.
  • Chả đậu lăng.
  • Cơm nắm.

4.2 Món ăn cần tránh

Khi thực hiện phương pháp ăn dặm BLW, sẽ có một số loại thực phẩm không an toàn và phù hợp với bé mà mẹ cần tránh, đó là:

  • Các loại thực phẩm có nguy cơ gây nghẹn cao như: nho, cà chua, quả hạch,...
  • Các loại loại đồ ăn dễ gây dị ứng như: mật ong, lòng trắng trứng, hải sản, cam quýt cũng không nên cho bé ăn. Nếu gia đình có tiền sử dị ứng cần tìm hiểu kĩ các loại thức ăn trước khi cho bé ăn.
  • Các loại thực phẩm không lành mạnh và thực phẩm chế biến sẵn như khoai tây chiên, bỏng ngô, ngũ cốc ăn sáng, kẹo cao su, kẹo cứng, những thực phẩm có chứa đường và muối... cũng không nên cho bé ăn.
Các món ăn có thể ăn 1 hoặc 2 lần/tuần, với số lượng ít Các món ăn nên tránh
Phomai cứng
Xúc xích
Thịt giăm bông
Thịt hun khói
Đậu nướng
Bánh pizza
 
Thực phẩm chế biến sẵn
Một số loại ngũ cốc ăn sáng (mẹ có thể kiểm tra tờ nhãn của sản phẩm).
Thức ăn nhanh, ví dụ khoai tây chiên
Các loại bánh cay hoặc mặn
Mì sợi làm sẵn
Các loại nước sốt như: nước sốt cà ri, nước sốt cà chua, nước sốt thịt đặc màu nâu.
Nước dùng làm từ viên nước dùng.
Thịt hun khói và cá muối.
Cá cơm.
Quả ô liu (ngâm muối).

4.3 Thức uống cần tránh

Ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức, thời điểm này bé vẫn chưa cần uống bất kỳ món đồ uống nào khác hoặc nước. Đặc biệt, mẹ nên tránh cho bé uống các loại đồ uống sau đây:

  • Cà phê, trà và nước uống có ga do chúng có chứa cafein – đây là chất kích thích có thể khiến bé bị kích và cản trở quá trình hấp thu sắt.
  • Không cho uống các loại thức uống tạo ngọt và nước nước ép trái cây nguyên chất, bởi các loại đồ uống này thường có chứa lượng đường cao và có đặc tính axit.
  • Tránh cho bé uống sữa tươi vì sẽ khiến bé nhanh no và có nguy cơ khiến bé giảm cơn thèm sữa mẹ hoặc sữa công thức.

5. Một số vấn đề bé có thể gặp khi tập ăn dặm tự chỉ huy

Một số trẻ ăn dặm tự chỉ huy có thể bị hóc thức ăn, tuy nhiên nhiều bác sĩ cho rằng, thực tế bé sẽ dễ bị nghẹn hoặc hóc hơn khi bị đút thức ăn, vì về cơ bản đó là kiểu ăn thụ động – bé không kiểm soát được lượng thức ăn đưa vào. Nếu bé tự cho thức ăn vào miệng bé sẽ kiểm soát được lượng thức ăn mình ăn, từ đó giảm nguy cơ mắc nghẹn thức ăn.

5 điều mẹ cần biết trước khi tập cho bé ăn dặm tự chỉ huy (BLW) 6
Trẻ ăn dặm theo phương pháp BLW thường có xu hướng ăn những món mà trẻ thích (Nguồn: Internet)

Trong phương pháp ăn dặm tự chỉ huy, trẻ được tôn trọng về khẩu vị và cách ăn. Do đó, trẻ sẽ có xu hướng ăn những món mà trẻ thích, điều này có thể dẫn đến nguy cơ thiếu một số chất dinh dưỡng có trong khẩu phần ăn của trẻ như sắt....

Chỉ số BMI (chỉ số khối của cơ thể) giai đoạn đầu sẽ thấp hơn hẳn so với những trẻ ăn dặm theo các phương pháp khác. Vì vậy, khi quyết định cho trẻ ăn dặm chỉ huy, mẹ cần tìm lựa chọn kỹ các món ăn cung cấp cho trẻ cũng như dạy trẻ về thói quen ăn uống.

Với phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy mẹ cần nắm được những nguyên tắc cơ bản và cho bé ăn đúng ngay từ đầu, sẽ giúp con có được một quá trình ăn dặm vui vẻ thú vị, mẹ cũng sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều trong việc chăm con.