Ăn rau nhút có tác dụng gì? Cách chế biến và sử dụng an toàn

(VOH) – Dễ canh trồng lại có vị giòn ngọt, thanh mát nên từ lâu, rau nhút đã trở thành loại rau dân dã được nhiều gia đình yêu thích. Vậy bạn có biết ăn rau nhút có tác dụng gì với sức khỏe chưa?

Vốn được thiên nhiên ưu đãi với kiểu khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, thế giới rau xanh của Việt Nam ta rất đa dạng, thậm chí có những giống rau rất riêng biệt và tạo nên đặc trưng cho ẩm thực nước nhà như rau nhút.

1. Rau nhút là rau gì?

Rau nhút hay rau rút (tên khoa học: Neptunia oleracea), là loài thực vật có hoa thuộc họ Đậu, chủ yếu sinh trưởng ở môi trường nước (ao hồ, ruộng hoặc các bãi bồi khi mùa nước lên,…). Tuy nhiên, không giống các loại khác cây rau nhút sử dụng các phao màu trắng dính ở thân cây để nổi trên mặt nước.

Ngoài ra, phần thân cây được che phủ bằng các lá hình lông chim kép, dáng nhỏ, giống như lá trinh nữ rất nhạy cảm và khép lại khi chúng ta chạm tay vào, nên mới có tên gọi rau nhút – nhút nhát. Các hoa nhỏ màu vàng ánh lục mọc dày dặc thành cụm hoa hình cầu mượt như lông tơ, thường nở rộ vào mùa hè.

an-rau-nhut-co-tac-dung-gi-cach-che-bien-va-su-dung-an-toan-voh-0
Rau rút sinh trưởng trong môi trường nước, ưa khí hậu ấm áp (Nguồn: Internet)

Rau nhút thuộc nhóm rau xanh ưa khí hậu ấm áp, khả năng chịu lạnh kém. Vì thế, mùa thu hoạch ở miền Bắc sẽ diễn ra từ độ tháng 3 – 9 lịch, trở vào phía Nam – ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ thì có thể thu hoạch quanh năm nhưng ngọt giòn nhất là khi mùa nước lên, từ tháng 8 – 11 âm lịch.

2. Ăn rau nhút có tác dụng gì với sức khỏe?

Tưởng chỉ là loại rau “mọc hoang”, nổi bồng bềnh theo dòng nước lên nhưng rau nhút lại cung cấp vô vàn dưỡng chất quý giá cho cơ thể. Theo đó, nếu chế biến đúng cách và sử dụng khoa học, ăn rau nhút có tác dụng cải thiện một số vấn đề sức khỏe thường gặp như:

2.1 Làm mát cơ thể, giảm mụn nhọt

Trong y học cổ truyền, rau nhút được xếp vào nhóm thảo dược có tính hàn mát, rất phù hợp để dùng làm mát cơ thể, tiêu sưng hay giảm mụn nhọt ở người thân nhiệt cao, nóng trong người. Lúc này, bạn có thể tham khảo bài thuốc đơn giản từ rau nhút như luộc rau nhút hoặc phơi khô rau rồi sắc nước uống hàng ngày.

Xem thêm: 4 loại nước thanh nhiệt bạn nên uống ngay để không lo nóng trong người, khô họng, tiểu ít

2.2 Tác dụng của rau nhút cải thiện chứng mất ngủ

Một trong những tác dụng của rau nhút với sức khỏe luôn được đánh giá cao đó chính là hỗ trợ cải thiện chứng mất ngủ. Hàm lượng lớn vitamin B12 từ rau rút khi vào cơ thể sẽ kích thích sản sinh melatonin, góp phần thư giãn tâm trí, điều chỉnh chu kỳ ngủ, giúp bạn ngủ ngon và ngủ sâu giấc hơn.

2.3 Phòng chống thiếu máu

Cùng với vai trò điều hòa giấc ngủ, lượng vitamin B12 còn trực tiếp tham gia hình thành tế bào hồng cầu trong máu, ngăn ngừa tình trạng thiếu máu và đảm bảo quá trình luân chuyển thuận lợi oxy từ máu đi nuôi các tế bào.

Xem thêm: Tất tần tật về bệnh thiếu máu, chủ động nhận biết để điều trị kịp thời và đúng cách

2.4 Bổ sung chất đạm

Giống như rau mồng tơi hay rau ngót,…hàm lượng chất đạm được tìm thấy trong rau nhút cũng tương đối lớn. Nhóm chất dinh dưỡng này là một thành tố cực kì quan trọng xây dựng, sửa chữa và duy trì các mô tế bào, thúc đẩy hoạt động phân chia tế bào để cung cấp năng lượng cũng như bảo vệ một cơ thể khỏe mạnh.

2.5 Cải thiện táo bón

Vừa có tính mát, vừa bổ sung lượng chất xơ dồi dào cho cơ thể nên có thể nói rau nhút là thực phẩm khá lý tưởng dành cho người đang mắc chứng táo bón kéo dài. Cụ thể, chất xơ từ rau vào đường ruột sẽ tăng hút nước, hỗ trợ làm mềm phân, từ đó làm dịu việc đi đại tiện.

an-rau-nhut-co-tac-dung-gi-cach-che-bien-va-su-dung-an-toan-voh-1
Bổ sung thêm chất xơ từ rau nhút sẽ giúp cải thiện táo bón hiệu quả (Nguồn: Internet)

2.6 Củng cố xương chắc khỏe

Nhiều người cho rằng ăn rau rút có thể làm “rút xương” và gây đau nhức, thế nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Theo đó, các chuyên dinh dưỡng đã chỉ ra rằng, trong rau nhút có chứa phong phú các khoáng chất cần thiết cho xương khớp, điển như canxi hay photpho với đặc tính tăng kết nối khớp xương, củng cố hệ vận động dẻo dai, giảm đau nhức.

2.7 Hỗ trợ điều trị bướu cổ

Trong điều trị bướu cổ, người bệnh thường được khuyến cáo nên sử dụng thêm các loại rau xanh lá đậm. Do đó, nếu không may mắc bệnh lý này, bạn có thể tham khảo bổ sung các món ăn từ rau rút vào chế độ dinh dưỡng để sớm cải thiện.  

3. Bà bầu có ăn rau nhút được không?

Giòn giòn, thanh mát nên khá nhiều mẹ bầu muốn lựa chọn rau nhút để chế biến các món ngon dưỡng thai, song cũng có mẹ còn khá “e ngại” loại rau miền sông nước này. Tuy nhiên, theo chia sẻ của các chuyên gia sức khỏe, nếu sơ chế sạch sẽ, kĩ càng và dùng với hàm lượng vừa phải thì bà bầu có ăn rau nhút được.

Đa dạng thực đơn với món ngon từ rau nhút sẽ giúp mẹ nhận được lợi ích như:

  • Giảm táo bón thai kì
  • Xoa dịu căng thẳng, lo âu
  • Ngăn ngừa thiếu máu thai kì
  • Thanh nhiệt, giảm bốc hỏa

Xem thêm: Bà bầu có ăn rau nhút được không - 6 lý giải mẹ nên biết để 'sáng tỏ' thắc mắc!

4. Rau rút nấu món gì ngon?

Tới mùa tìm mua được rau rút thì bạn đừng quá lo lắng khi chưa biết rau rút nấu món gì ngon, bởi loại rau dân dã và “rẻ bèo” này lại là nguyên liệu cho vô vàn món ăn vừa lạ vừa hấp dẫn đấy.

an-rau-nhut-co-tac-dung-gi-cach-che-bien-va-su-dung-an-toan-voh-2
Rút nhút có thể làm nguyên liệu của khá nhiều món ngon (Nguồn: Internet)

Vẫn là món xào, món canh đơn giản nhưng “biến tấu” rau nhút theo một số gợi ý dưới đây thì  ngon hết ý:

  • Rau nhút xào tỏi
  • Canh rau rút khoai sọ
  • Rau nhút xào nấm rơm
  • Canh cua rau nhút
  • Gỏi gà rau nhút

Xem thêm: Tổng hợp 10 ‘chỉ dẫn’ để bạn bớt lăn tăn rau rút nấu món gì ngon!

5. Những lưu ý cần biết khi ăn rau nhút

Mặc dù rau rút có tác dụng tuyệt vời với sức khỏe nhưng nếu chúng ta không biết cách sử dụng hợp lý, an toàn sẽ rất khó tránh khỏi những tác dụng phụ. Do vậy hãy nhớ thực hiện một số lưu ý quan trọng sau:

5.1 Ngâm rửa sạch trước khi chế biến

Rau rút sinh sống ở ao hồ, ruộng nước nên dễ bị nhiễm kim loại nặng hoặc giun sán. Lời khuyên là trước khi đem chế biến rau, hãy gọt bỏ lớp phao (lớp trắng) bên ngoài, đem ngâm rửa rau với nước muối loãng từ 20 – 30 phút để làm sạch. Đặc biệt, chỉ sử dụng rau đã chụng (trần) chín, tuyệt đối không ăn rau nhút còn sống.

5.2 Không ăn quá nhiều

Ăn rau rút với hàm lượng vừa phải sẽ giúp bạn hấp thu các dưỡng chất hiệu quả hơn thay vì lạm dụng và ăn liên tục trong thời gian dài. Tốt nhất mỗi tuần chỉ nên ăn tối đa 3 bữa, khoảng 150 – 200g một lần là hợp lý.

5.3 Hạn chế ăn nếu thể trạng hư hàn

Rau nhút có tính hàn nên với những người bị yếu bụng, thể hàn yếu và người dễ bị tiêu chảy, trẻ nhỏ không nên ăn loại rau này vì có thể làm cho bệnh nặng hơn.

Xem thêm: Bác sĩ BV ĐH Y Dược chia sẻ cách chống ‘tào tháo rượt’ cực hiệu quả ngay tại nhà

6. Thành phần dinh dưỡng của rau nhút

Theo Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam, trong rau nhút còn có những thành phần, vitamin và các khoáng chất như:

Thành phần dinh dưỡng Hàm lượng
Nước 90,4 g
Năng lượng 28 KCAL
115 KJ
Protein 5,1 g
Glucid 1,8 g
Celluloza 1,9 g
Tro 0,8 g
Calci 180 mg
Phospho 59 mg

Hiểu thêm về tác dụng của rau nhút có lẽ càng khiến chúng ta yêu thích hơn đúng không nào? Đừng quên thực hiện những lưu ý an toàn trên đây khi bổ sung loại rau “đặc sản” này vào thực đơn để cải thiện sức khỏe thật tốt nhé!