6 nguyên nhân dẫn đến mọc mụn ở vùng kín phụ nữ

Những vấn đề tế nhị xoay quanh vùng ‘tam giác mật’ luôn là chuyện khó nói của chị em phụ nữ. Trong đó, việc mọc mụn ở vùng kín là vấn đề gây hoang mang cho các chị em nhưng lại không biết tỏ cùng ai?

Những dấu hiệu bất thường ở vùng nhạy cảm luôn là mối lo ngại hàng đầu của các chị em phụ nữ, bởi vì các vấn đề tại đây thường rất khó nói, khó thăm khám. Ở khu vực này, rất dễ xuất hiện các dấu hiệu viêm nhiễm thông thường, hay gặp nhất là nổi mụn.

Những dạng mụn thường gặp ở khu vực ‘cô bé’ tồn tại dưới dạng: mụn thịt, mụn mủ, mụn nước... mỗi loại mụn được xem là biểu hiện của từng căn bệnh khác nhau.

1. Các loại mụn mọc ở vùng kín

1.1 Mụn thịt

Nguyên nhân gây mụn thịt ở vùng kín phụ nữ có thể là do u ống tuyến mồ hôi (syringoma). Khi có sự tiếp xúc hay ma sát mạnh ở vùng kín làm ống mồ hôi tại khu vực này tắc nghẽn.

Triệu chứng điển hình chính là sự xuất hiện của những nốt mụn thịt có kích thước nhỏ (nhỏ hơn khối cứng của bệnh u nang tuyến Bartholin) và có màu tệp với màu da.

Không chỉ mọc mụn ở vùng kín, khi bị u ống tuyến mồ hôi những nốt mụn này còn có thể xuất hiện quanh mắt, nách, ngực hay tại vùng bụng phụ nữ.

Cách giải quyết những nốt mụn thịt mọc ở vùng nhạy cảm chính là chị em cần phải chú trọng việc vệ sinh cơ thể kỹ càng và theo dõi sự lan rộng của mụn. Phần lớn trường hợp, mụn sẽ tự biến mất. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp chúng xuất hiện nhiều hơn và chị em có thể sẽ phải thực hiện thủ thuật đốt điện hoặc tia laser để tiêu diệt mụn.

1.2 Mụn mủ

6-nguyen-nhan-dan-den-moc-mun-o-vung-kin-o-phu-nu-voh

Mụn mủ ở vùng nhạy cảm có thể được gây ra bởi việc cạo lông hay wax lông không cẩn thận (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân khiến phụ nữ bị mụn mủ ở vùng kín có thể là do nhọt âm đạo gây ra bởi việc cạo lông hay wax lông ‘vùng nhạy cảm’ không cẩn thận. Lưỡi dao cùn khiến cho lông mọc ngược hoặc do nhiễm trùng nang lông không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể sẽ phát triển thành mụn mủ.

Theo nguyên tắc chung, khi sử dụng bất kỳ dụng cụ nào lên cơ thể cũng đều cần phải được vệ sinh, khử trùng sạch sẽ ít nhất mỗi tuần một lần. Nếu thường xuyên dùng, hãy đổi lưỡi dao trước khi sử dụng và bảo vệ ‘cô bé’ bằng lớp kem chuyên dụng trước khi cạo.

Nếu phát hiện có mụn mủ ở vùng kín, chị em tuyệt đối không được nặn, nắn bóp để lấy phần mủ trong mụn bởi việc này sẽ khiến việc nhiễm trùng càng thêm lan rộng và nghiêm trọng hơn.

Thay vào đó, chị em có thể sử dụng miếng gạc ấm để băng nốt mụn, mặc quần lót và quần ngoài rộng rãi để giảm bớt sự khó chịu. Nếu phần mụn không bớt sau 2 tuần hoặc các triệu chứng diễn tiến nặng hơn như: mụn lan rộng, sốt... thì cần đi gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị.

1.3 Mụn ruồi

Mụn ruồi ở vùng kín thường tạo ra những mảng da sáng hoặc sẫm màu hơn so với vùng da còn lại.

Nếu chị em phát hiện có vùng da khác màu ở âm đạo thì cũng không cần quá lo lắng bởi nó có thể chỉ là triệu chứng lành tính như nốt ruồi. Tuy nhiên, nếu chị em có hiện tượng ngứa ngáy, sưng hoặc vùng da khác màu ngày càng lan rộng thì nên đến bác sĩ để kiểm tra. Việc này sẽ giúp xác định được hiện tượng này do mọc nốt mụn ruồi lành tính hay do mắc bệnh ung thư sắc tố.

2. Sưng nhẹ ở lỗ mở âm đạo

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể là do u nang tuyến Bartholin. Căn bệnh này xảy ra khi hai tuyến nhờn (kích cỡ bằng hạt đậu) nằm 2 bên lỗ vào âm đạo bị viêm, khi sờ vào giống nổi mụn nhưng không phải mụn.

6-nguyen-nhan-dan-den-moc-mun-o-vung-kin-o-phu-nu-1voh

U nang tuyến Bartholin gây ra tình trạng sưng nhẹ ở lỗ mở âm đạo (Nguồn: Internet)

Chất nhờn ở hai tuyến này thường được tiết ra để giữ ẩm âm đạo nhưng lại chảy ngược vào trong, khiến cho ống dẫn tuyến Bartholin bị tắc nghẽn và gây nhiễm trùng.

Triệu chứng khi bị u nang tuyến Bartholin được chia thành 2 giai đoạn:

  • Giai đoạn cấp tính: Thường xuất hiện các triệu chứng đau nhẹ, sưng tấy gây khó chịu ‘vùng nhạy cảm’. Ở giai đoạn này chị em có thể điều trị bằng cách vệ sinh vùng kín bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ, nước ấm và kết hợp uống thuốc kháng viêm (nếu cần).
  • Giai đoạn mãn tính : Bệnh sẽ có những triệu chứng nghiêm trọng hơn như sốt, khó tiểu, có mủ, đau khi quan hệ, sờ thấy có khối u cứng nằm một bên. Khi ở giai đoạn này chị em nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời, hiệu quả.

3. Những trường hợp mọc mụn vùng kín được xem là nguy hiểm

3.1 Sùi mào gà

Nguyên nhân gây bệnh sùi mào gà là do việc quan hệ không an toàn, đây là căn bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Một trong những dấu hiệu bệnh đó là mọc mụn đầu trắng li ti ở vùng kín, lâu ngày sẽ thành mụn mủ, gây lở loét,...

Các mụn này có thể mọc thành cụm nhỏ hoặc rải rác. Tuy những nốt mụn này không gây đau, ngứa nhưng thường có mủ và xuất hiện mùi khó chịu.

3.2 Bệnh mụn rộp sinh dục

Đây là bệnh xã hội cũng lây nhiễm qua đường tình dục không an toàn. Khi bị bệnh này, các vết mụn đầu trắng sẽ xuất hiện kèm theo ngứa rát, khó chịu. Sau khoảng 1 - 2 tuần, mụn sẽ bị vỡ gây lở loét, nhiễm trùng vùng kín.

Đối với những căn bệnh này, chị em cần đến thăm khám bác sĩ để xác định mức độ bệnh cũng như được tư vấn những phương pháp điều trị phù hợp an toàn, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như làm lây lan thêm.