7 thứ mà người mắc bệnh viêm loét dạ dày kinh niên phải kiêng !

(VOH) - Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng là hậu quả từ chế độ ăn uống và lối sống thiếu khoa học mà ra. Để việc điều trị đạt hiệu quả cao, người bệnh cần tuân thủ các chế độ kiêng cữ.

1. Không ăn quá nhanh

Khi ăn quá nhanh, hoặc nếu khi ăn nhai không kỹ, ăn nhanh nuốt vội, thức ăn chưa được nghiền nhỏ thì sẽ khiến cho dạ dày phải co bóp mạnh, hoạt động kéo dài, lượng axit tiết ra nhiều hơn, lại thêm thời gian lưu giữ thức ăn trong dạ dày lâu... những điều này gây trầm trọng thêm các vết viêm loét, làm vết thương khó hồi phục.

Nhai chậm, nhai kỹ làm tăng tiết dịch tụy, làm giảm dịch mật và axit hydrochloric, có lợi cho dạ dày.

2. Đừng nên ăn lạnh

Khi mắc bệnh viêm dạ dày, chức năng tiêu hóa kém nên khi ăn thức ăn lạnh dễ bị kích thích đường tiêu hóa, ảnh hưởng xấu khiến bệnh trầm trọng hơn.

Sau bữa ăn, người mắc bệnh viêm dạ dày tá tràng cũng không nên uống đồ uống lạnh vì sẽ làm loãng dịch dạ dày, ảnh hưởng đến tiêu hóa.

3. Bị viêm loét dạ dày, hãy kiêng cà phê, chất kích thích

Ngoài việc kiêng cử rượu bia và các chất kích thích, ngay cả cà phê, trà đặc cũng cần hạn chế do các chất này gây tình trạng thiếu máu cho niêm mạc dạ dày, làm giảm khả năng bảo vệ niêm mạc dạ dày từ đó gây ra viêm loét dạ dày.

Tránh ăn thức ăn kích thích để không bị viêm loét dạ dày tá tràng nặng thêm

Tránh ăn thức ăn kích thích để không bị viêm loét dạ dày tá tràng nặng thêm

4. Tránh lạm dụng thuốc giảm đau

Có nhiều loại thuốc giảm đau cực kỳ có hại cho dạ dày, dễ gây ra tổn thương cho niêm mạc dạ dày, đó là: nhóm axit acetylsalicylic (ví dụ như Aspirin) hay như là các loại thuốc chống viêm; thuốc điều trị đau nhức bằng liệu pháp hormone như sterol.

>>> Cách điều trị và chăm sóc người bệnh viêm loét dạ dày tá tràng

Nếu cần thiết phải dùng thuốc giảm đau thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị nhằm hạn chế liều lượng và liệu trình.

Tốt nhất là nên uống các loại thuốc sau khi bữa ăn.

5. Người đau dạ dày cần hạn chế ăn loại trái cây họ cam quýt

Các loại trái cây có múi như cam, quýt, chanh, tắc...  vốn chứa nhiều axit và giàu vitamin C. Lượng axit trong dạ dày sẽ tăng lên khi người mắc bệnh ăn các loại trái cây này và điều đó ảnh hưởng xấu đến dạ dày.

Ngoài ra, người bệnh viêm dạ dày tá tràng cần tránh ăn gia vị tính kích thích như hành, tỏi, ớt, tiêu... hay các món đồ ăn quá mặn do loại thức ăn này thường làm tăng sự bài tiết axit của dạ dày, gây đau bụng.

Đặc biệt, người bệnh viêm dạ dày tá trạng hãy nói không nên các loại nấm, nhất là các loại nấm non, mới nhú chồi (kể cả nấm rơm, nấm hương). Trong các loại nấm non có chất phalin chưa bị hủy, có thể làm tổn thương thành dạ dày.

Một số loại củ, rễ cũng cần nên tránh cụ thể như măng, khoai mì vì chúng có một hàm lượng acid cyanhydric gây độc hại cho dạ dày.

6. Tránh xa căng thẳng, buồn phiền

Khi một người cảm thấy căng thẳng, buồn phiền hoặc tức giận sẽ kích thích đường tiêu hóa tiết vị toan (axit hydrochloric) và pepsin, khiến lớp niêm mạc dạ dày bị tổn thương.

>>> Bài thuốc dân gian chữa bệnh và cách phòng tránh bệnh viêm loét dạ dày tá tràng

Ngoài ra khi cơ thể mệt mỏi cũng khiến lượng máu để nuôi các cơ quan tiêu hóa không được cung cấp đầy đủ, dẫn đến tình trạng mất cân bằng chức năng bài tiết, từ đó gây rối loạn axit và tác động tiêu cực đến thành dạ dày.

7. Thận trọng với các loại thức ăn tươi sống

Một lưu ý cần thiết cho người đau dạ dày kinh niên là hạn chế loại cá, thịt sống trong các món gỏi…

Nếu không được chế biến hợp vệ sinh có thể là nguồn gây nhiễm khuẩn dạ dày cũng như nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP - loại vi khuẩn duy nhất có thể sống được trong môi trường axit của dạ dày và gây nhiều biến chứng nguy hiểm như Ung thư dạ dày, Loét dạ dày-tá tràng, Viêm dạ dày-tá tràng...

>>> Bài thuốc Đông y chữa trào ngược dạ dày