8 tác dụng của quả thanh long dành cho sức khỏe

(VOH) - Quả thanh long được biết tới là một trong những loại trái cây ‘đại bổ’ thơm ngon. Đồng thời, nhiều người còn công nhận những tác dụng của quả thanh long là vô cùng tốt cho sức khỏe.

Thanh long là một loại trái cây nhiệt đới, có nguồn gốc từ miền nam Mexico và Trung Mỹ. Ngày nay, thanh long được trồng rộng rãi trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia, miền nam Trung Quốc, Đài Loan và một số khu vực khác.

Cây thanh long được trồng chủ yếu để lấy quả, thuộc họ xương rồng. Nhiều nơi coi thanh long như một loại cây xương rồng màu xanh lá, hoa chỉ nở vào ban đêm.

Thanh long hiện có 2 loại phổ biến, đó là: Thanh long ruột đỏ (có da và cùi thịt màu hồng đỏ, hạt đen) và thanh long ruột trắng (vỏ màu hồng đỏ, cùi trắng, hạt đen). Một số nơi còn lai tạo ra giống thanh long vàng (vỏ màu vàng, cùi trắng, hạt đen).

8-tac-dung-cua-qua-thanh-long-danh-cho-suc-khoe-voh-0
Có 2 loại thanh long phổ biến nhất là thanh long ruột đỏ và thanh long ruột trắng (Nguồn: Internet)

Thanh long là loại quả chứa nhiều chất dinh dưỡng quý giá như vitamin C, B1, B2, B3 cùng các khoáng chất như canxi, sắt, photpho..., mang đến cho con người những lợi ích to lớn.

1. Tác dụng của thanh long đối với sức khỏe

Chính sự thơm ngon, hấp dẫn mà thanh long đã trở nên phổ biến đối với nhiều người, nhất là những người quan tâm đến sức khỏe. Dưới đây là những lợi ích của thanh long, xứng danh là một trong những loại trái cây “siêu tốt”:

1.1 Giàu chất chống oxy hóa

Quả thanh long là nguồn tự nhiên cung cấp chất chống oxy hóa cao. Chất chống oxy hóa này có tác dụng bảo vệ tế bào, ngăn chặn sự tấn công của các gốc tự do gây hại, vốn là tác nhân gây ung thư cũng như các vấn đề sức khỏe khác.

Một số chất chống oxy hóa có trong quả thanh long bao gồm:

  • Betalains: Có tác dụng bảo vệ cholesterol “xấu” không bị oxy hóa hoặc hư hỏng.
  • Hydroxycinnamates: Có đặc tính chống ung thư trong các nghiên cứu được thực hiện trên động vật và ống nghiệm.(1)
  • Flavonoid: Nhóm chất chống oxy hóa có liên quan đến sức khỏe não bộ, có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch bằng cách ổn định huyết áp và bổ sung thêm cholesterol tốt.

1.2 Kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tiểu đường

Quả thanh long là nguồn cung cấp rất nhiều chất xơ. Chất xơ trong thanh long là loại carbohydrate không tiêu hóa được, loại chất xơ này rất có lợi đối với hệ tiêu hóa con người.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ăn thanh long có thể giúp ổn định mức đường huyết, đặc biệt tốt cho những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Tuy nhiên, những bệnh nhân tiểu đường nên tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn trước khi thêm thanh long trong chế độ ăn uống.

Xem thêm: ‘Rối như tơ vò’ vì chẳng rõ có nên ăn thanh long khi điều trị tiểu đường không, 3 lợi ích quan trọng sau sẽ ‘gỡ nút’ cho bạn

1.3 Cải thiện hệ tiêu hóa, chữa táo bón, rôm sảy 

Thanh long được biết đến với thuộc tính làm sạch đường ruột. Đường ruột là nơi cư trú của khoảng 1000 nghìn tỷ vi sinh vật đa dạng, với hơn 400 loài vi khuẩn. Sự mất cân bằng ở đường ruột có thể dẫn đến hen suyễn hay các bệnh lý khác.

Trong thanh long chứa nhiều prebiotics, có khả năng cải thiện sự cân bằng vi khuẩn tốt trong đường ruột, thúc đẩy sự phát triển của các vi khuẩn có lợi, từ đó giúp làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa.

Ngoài ra, trong điều trị táo bón và chữa rôm sảy, ăn quả thanh long cũng là giải pháp mà bạn có thể tham khảo.

Xem thêm: Phương pháp giúp bạn thoát khỏi nỗi ám ảnh 'táo bón' mà không cần dùng thuốc nhuận trường

1.4 Tăng cường hệ miễn dịch

8-tac-dung-cua-qua-thanh-long-danh-cho-suc-khoe-voh-1
Ăn thanh long giúp tăng cường hệ miễn dịch (Nguồn: Internet)

Hàm lượng vitamin C và carotenoid trong quả thanh long có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể. Đồng thời, ăn thanh long cũng giúp ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách bảo vệ các tế bào bạch cầu khỏi bị hư hại.

1.5 Ngăn ngừa thiếu máu

Thanh long là một trong những loại trái cây chứa nhiều sắt. Trong 227gr thanh long chứa 8% lượng tiêu thụ hàng ngày được khuyến nghị (RDI). Ngoài ra, thanh long cũng là thực phẩm giàu vitamin C, giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn.

Xem thêm: Top 13 thực phẩm bổ sung sắt, nên cho vào chế độ ăn ngay để tránh thiếu máu

1.6 Cung cấp magie cho cơ thể

Một trong những lợi ích của thanh long là cung cấp magie cho cơ thể nhiều hơn các loại trái cây khác, với 18% RDI chỉ trong một cốc (227gr). Trung bình, cơ thể bạn sẽ chứa khoảng 24g magie/ngày.

Magie là một khoáng chất cần có trong tế bào, tham gia vào các phản ứng hóa học quan trọng trong cơ thể như: phân hủy thức ăn thành năng lượng, co cơ, hình thành xương, thậm chí tạo ra DNA.

1.7 Làm dịu da

Nếu bạn bị cháy nắng do nhiệt độ ngoài trời tăng cao, hãy thử ngay mẹo đơn giản này với quả thanh long. Bạn có thể kết hợp thanh long với mật ong và nước ép dưa chuột và thoa lên các vùng da bị cháy nắng, giúp da có cảm giác mát và dịu hơn. Ngoài ra, tác dụng của quả thanh long còn giúp thoát nhiệt và giữ ẩm vùng da bị cháy nắng rất hiệu quả.

1.8 Chống viêm khớp

Với một chế độ ăn uống cung cấp đủ magie cho cho cơ thể sẽ giúp hỗ trợ tốt cho sức khỏe của xương. Thanh long giàu magie nên ăn thanh long có thể giúp giảm viêm khớp.

Lượng chất nhầy khá dồi dào trong loại quả này, còn giúp làm giảm sự kích thích của các khớp xương. Những người bị viêm khớp được khuyến khích nên thêm thanh long vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày.

Lưu ý: Thanh long có vị chua tính mát nên người tỳ vị hư hàn, đang đi cầu phân lỏng, đầy bụng, hoặc chị em phụ nữ có thể trạng lạnh, đang đến kỳ kinh nguyệt...dùng hạn chế hoặc không nên dùng loại quả này.

2. Bà bầu ăn thanh long có được không?

8-tac-dung-cua-qua-thanh-long-danh-cho-suc-khoe-voh-2
Thanh long là loại quả tốt cho phụ nữ mang thai (Nguồn: Internet)

Với vị chua chua, ngọt ngọt, đây sẽ là loại trái cây được rất nhiều mẹ bầu yêu thích. Ngoài ra với hàm lượng dinh dưỡng đa dạng, phong phú, bạn bầu ăn thanh long không chỉ thỏa mãn cảm giác thèm ăn mà còn nhận được nhiều lợi ích như:

  • Tăng cường sức khỏe tổng thể
  • Tăng năng lượng cho cơ thể
  • Hỗ trợ sự phát triển của thai nhi
  • Ngăn ngừa được chứng táo bón
  • Ngăn ngừa các khuyết tật thai nhi

Xem thêm: Trái thanh long - thanh mát, giàu dinh dưỡng nên được mẹ bầu xếp ngay vào ‘món tủ’ là đúng rồi!

3. Lợi ích sức khỏe khi trẻ ăn thanh long

Với trẻ nhỏ, thanh long là thức quả cực kỳ hấp dẫn. Tuy nhiên, đây không phải là thức quả “an toàn” cho trẻ dưới 1 tuổi, bởi chúng có thể gây dị ứng.

Trẻ từ 1 tuổi, bạn có thể thêm quả thanh long vào chế độ ăn dặm hàng ngày của bé để giúp:

  • Tăng cường chất chống oxy hóa cho cơ thể
  • Tốt cho tim mạch
  • Giúp xương chắc khỏe
  • Bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cần thiết
  • Tốt cho hệ thần kinh của bé
  • Tốt cho thận
  • Giúp bé có được làn da khỏe mạnh

Xem thêm: ‘Dỗ ngọt’ bé ăn trái thanh long mát lành – thức quả ‘lấy lòng’ cả mẹ và con dễ dàng vì lợi cho sức khỏe biết nhường nào!

4. Ai không nên ăn thanh long?

Mặc dù là thực phẩm bổ dưỡng nhưng thanh long cũng rất hạn chế đối tượng sử dụng. Do đó, nếu bạn nằm trong nhóm các đối tượng sau đây thì nên hạn chế việc tiêu thụ thanh long trong chế độ ăn uống hàng ngày:

  • Phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt
  • Người đang bị tiêu chảy
  • Người bị tiểu đường
  • Người có tiền sử bị dị ứng

5. Món ngon từ thanh long

8-tac-dung-cua-qua-thanh-long-danh-cho-suc-khoe-voh-3
Sinh tố thanh long bổ dưỡng, ngon miệng (Nguồn: Internet)

Mặc dù có vỏ dày nhưng việc ăn loại quả này lại khá đơn giản. Với thanh long, bạn có thể ăn trực tiếp, làm nước ép thanh long và biến tấu thành các món ngon bổ dưỡng như:

  • Sinh tố thanh long
  • Rượu thanh long
  • Siro thanh long
  • Kem thanh long
  • Rau câu thanh long

Xem thêm: Bạn thích ăn thanh long? Có ngay 8 món ăn, thức uống ngon từ thanh long để bạn tha hồ trổ tài dịp Tết

6. Cách chọn và bảo quản thanh long

Quả thanh long có khá nhiều giống khác nhau, tùy theo nhu cầu và sở thích bạn có thể chọn thanh long ruột đỏ hoặc thanh long ruột trắng để ăn. Tuy nhiên, để có thể thưởng thức được vị chua ngọt tự nhiên, bạn cần biết cách chọn và bảo quản thanh long.

Khi chọn thanh long, hãy chọn những quả vừa chín tới sẽ có độ chua ngọt vừa phải. Không chỉ nhìn vào hình dáng bên ngoài, bạn có thể sờ và ngửi thử mùi của quả thanh long để chọn loại quả ngon nhất.

Sau khi mua về bạn cần bảo quản ở nơi thoáng mát có nhiệt độ giống như nhiệt độ phòng, tránh để nơi có ánh nắng trực tiếp. Với những quả thanh long chín, bạn có thể để vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản được lâu hơn.

Xem thêm: ‘Chỉ nhìn cũng biết’ thanh long ngon chuẩn chỉnh hay không nếu bạn có kĩ thuật ‘soi’ sau đây

7. Hàm lượng dinh dưỡng có trong quả thanh long

Như đã nói, quả thanh long có chứa một lượng lớn vitamin C và khoáng chất thiết yếu bao gồm sắt, canxi và photpho. Dưới đây là thành phần chi tiết trong một cốc thanh long (227 gram).

  • Calo: 136
  • Chất đạm: 3gr
  • Chất béo: 0gr
  • Carbohydrate: 29gr
  • Chất xơ: 7gr
  • Sắt: 8% RDI
  • Magie: 8% RDI
  • Vitamin C: 9% RDI
  • Vitamin E: 4% RDI

Ngoài các dưỡng chất thiết yếu, trong thanh long còn có hàm lượng calo thấp nhưng giàu vitamin, khoáng chất và các hợp chất thực vật có lợi như polyphenol, carotenoid và betacyanins.

Như vậy, thanh long đúng thực là loại quả ngọt lành bổ dưỡng, không chỉ có tác dụng giúp giải khát mà còn có nhiều công dụng đối với sức khỏe.