7 tác dụng của xuyên tâm liên và lưu ý dùng an toàn

(VOH) – Trong các y thư cổ truyền và cả y học hiện đại, tác dụng của xuyên tâm liên với cải thiện sức khỏe cũng như hỗ trợ điều trị bệnh lý luôn được đánh giá rất cao.

Xuyên tâm liên là một vị thuốc dưỡng như đã bị lãng quên và ngày nay chỉ dùng để làm cây cảnh trong vườn nhà. Tuy nhiên, trong Đông y, tác dụng của xuyên tâm liên rất hiệu quả trong việc điều trị bệnh. Để hiểu rõ hơn về tác dụng của xuyên tâm liên, mời bạn đọc theo dõi bài viết sau đây.

1. Xuyên tâm liên là gì?

Xuyên tâm liên (tên khoa học Andrographis paniculata) hay công cộng, hùng bút, nguyên cộng, lam khái liên, cây lá đắng, khô đảm thảo, nhất kiến kỷ, là một loài cây thân thảo thuộc họ Ô rô (Acanthaceae). Cây vốn sinh sống chủ yếu ở khu vực Ấn Độ và Sri Lanka, sau đó di thực và trồng phổ biến ở Nam Á, Đông Nam Á, miền nam Trung Quốc.

7-tac-dung-cua-xuyen-tam-lien-va-luu-y-dung-an-toan-voh-0
Lá xuyên tâm liên có hình trứng thuôn dài hay hơi có hình mác (Nguồn:Internet)

Dược liệu này có thân mọc thẳng đứng, cao từ 0.3-0.8 m, nhiều đốt, nhiều cành. Lá có hình trứng thuôn dài hay hơi có hình mác, hai đầu nhọn, mặt nhẵn, dài 3–12 cm, rộng 1–3 cm, mọc đối nhau, cuống ngắn. Hoa màu trắng, điểm hồng, mọc thành chùm hình chuỳ ở nách lá hay đầu cành. Quả dài khoảng 15 mm, rộng 3.5 mm, hơi nhẵn. Bên trong có hạt hình trụ, thuôn dài. Theo đó, phần lá cùng phần rễ của cây sẽ được thu hái để điều chế các bài thuốc.

2. Tác dụng của xuyên tâm liên với sức khỏe

Nhiền nghiên cứu thành phần dược tính của xuyên tâm liên đã được tiến hành và nhận thấy thảo dược này có thể góp mặt trong các bài thuốc hỗ trợ phòng ngừa, điều trị một số vấn đề sức khỏe:

2.1 Thanh nhiệt giải độc

Một trong những tác dụng của xuyên tâm liên cần phải nhắc đến đầu tiên đó là khả năng thanh nhiệt, giải độc hữu hiệu. Với đặc tính hàn, vị đắng, nước sắc từ xuyên tâm liên và lá xạ đen sẽ giúp gan bài tiết độc tố hiệu quả hơn, từ đây phòng ngừa tổn thương cũng như các bệnh lý liên quan đến gan.

2.2 Tác dụng của xuyên tâm liên hạ sốt

Theo phân tích dinh dưỡng, chiết xuất từ xuyên tâm liên có chứa Diterpen lacton – hoạt chất có tính kháng khuẩn cực kì mạnh. Chưa hết, các chuyên gia cũng thấy rằng lượng chất này sẽ đảm nhiệm vai trò hạ sốt, chống sốt rét hay các cơn giật nguy hiểm.

Xem thêm: Những lưu ý cần nắm rõ khi dùng thuốc hạ sốt tại nhà

2.3 Hỗ trợ điều trị vết rắn cắn

Nhờ có đặc tính giải độc và chứa lượng lớn chất kháng khuẩn, xuyên tâm liên (đặc biệt là phần lá) thường được dùng trong sơ cứu vết rắn hoặc côn trùng cắn. Lúc này, bạn hãy giã nhuyễn lá, đắp trực tiếp lên vùng tổn thương, rồi nhanh chóng tới các cơ sở y tế để tiến hành điều trị kịp thời.

2.4 Ngăn ngừa bệnh hô hấp

Sử dụng bổ sung các bài thuốc điều chế từ xuyên tâm liên cùng một số dược liệu như kim ngân hoa, huyền sâm hay mạch môn là phương pháp bổ trợ, giúp giảm thiểu tỉ lệ mắc bệnh hô hấp như viêm họng, viêm xoangviêm phế quản phổi.

7-tac-dung-cua-xuyen-tam-lien-va-luu-y-dung-an-toan-voh-1
Các bài thuốc từ xuyên tâm liên giúp phòng ngừa bệnh lý liên quan đến đường hô hấp (Nguồn: Internet)

2.5 Phòng chống cao huyết áp

Bên cạnh Diterpen lacton, xuyên tâm liên rất giàu chất chống oxy hóa nhóm flavonoid. Theo đó, các hoạt chất này sẽ góp phần điều chỉnh lượng angiotensin, khắc phục tình trạng co thắt mạch máu và huyết áp tăng cao đột ngột.

Xem thêm: Cách hạ huyết áp cho người huyết áp cao

2.6 Chữa tiểu rắt, tiểu buốt

Với tác dụng thanh nhiệt giải độc, xuyên tâm liên cũng thuộc nhóm thảo dược phù hợp với các đối tượng đang gặp phải tình trạng tiểu rắt, tiểu buốt.

2.7 Tốt cho hệ tiêu hóa

Tuy vẫn cần phân tích chuyên sâu hơn nữa, song tác dụng của xuyên tâm liên trong việc bảo vệ hệ tiêu hóa rất được kỳ vọng. Điều này là bởi các nhà nghiên cứu cho rằng hoạt chất Diterpen lacton từ xuyên tâm liên có khả năng ức chế hoạt động của vi khuẩn Escherichia Coli – tác nhân gây nhiễm trùng đường ruột và rối loạn tiêu hóa trầm trọng.

Xem thêm: Bạn đã biết gì về hoạt động của hệ tiêu hóa?

3. Sử dụng xuyên tâm liên điều trị Covid-19 được không?

Trong Hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền, phương pháp y học cổ truyền trong phòng và hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 (nCoV), xuyên tâm liên cũng được đưa vào danh sách các dược liệu hỗ trợ cải thiện tình trạng bệnh ở giai đoạn khởi phát và toàn phát.

Thế nhưng cần lưu ý rằng tác dụng của xuyên tâm liên chỉ mang tính bổ trợ tăng cường sức khỏe, không thể kháng hay tiêu diệt virus Covid-19. Vì vậy, lời khuyên là bạn không nên tự ý tìm mua và sử dụng xuyên tâm liên mà cần liên hệ hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định liều lượng thật phù hợp.

Xem thêm: Khuyến nghị TPHCM sử dụng thuốc đông y hỗ trợ điều trị cho đối tượng F0

4. Tác dụng phụ của xuyên tâm liên

Mặc dù xuyên tâm liên mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe quý giá, nhưng nguy cơ mắc phải các tác dụng phụ của xuyên tâm liên vẫn có thể xảy ra khi chúng ta lạm dụng. Cụ thể, bạn cần chủ động phòng tránh một số rủi ro tiềm ẩn sau:

4.1 Hạ huyết áp thấp quá mức

Một vài trường hợp sau khi sử dụng các bài thuốc có nguyên liệu từ cây xuyên tâm liên xuất hiện triệu chứng hạ huyết áp, chóng mặt hoặc buồn nôn. Do đó, với các đối tượng có huyết áp thấp hoặc đang sử dụng thuốc giảm huyết áp thì nên hạn chế dùng thảo dược này.

Xem thêm: Chế độ ăn uống dành cho người bị huyết áp thấp

4.2 Tương tác với thuốc

Nếu bệnh nhân quyết định sử dụng cây xuyên tâm liên trong điều trị bệnh, tuy nhiên trong thời gian đó vẫn đang sử dụng thuốc Tây y để chữa trị căn bệnh khác thì cần phải tham khảo thật kỹ ý kiến từ bác sĩ. Các thành phần được tìm thấy trong xuyên tâm liên có thể tương tác với một số thành phần của thuốc hoặc làm giảm tác dụng của một số loại thuốc hóa trị liệu.

7-tac-dung-cua-xuyen-tam-lien-va-luu-y-dung-an-toan-voh-2
Cần sử dụng xuyên tâm liên đúng cách, đúng liều để tránh tương tác với thuốc (Nguồn: Internet)

5. Một số lưu ý an toàn khác cần biết khi dùng xuyên tâm liên

Để tận dụng hiệu quả các tác dụng của xuyên tâm liên và bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất, đừng quên thực hiện đúng các lưu ý an toàn sau:

  • Trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú các bạn không nên cho sử dụng vì đây là những đối tượng thường rất nhạy cảm đối với các chất lạ.
  • Không dùng xuyên tâm liên khi thuộc nhóm người có thể trạng hư hàn, dễ bị lạnh bụng và tiêu chảy.
  • Chú ý tìm mua chính xác xuyên tâm liên, ngâm rửa sạch trước khi đem điều chế bài thuốc.

6. Thành phần dưỡng chất của xuyên tâm liên

Trong lá và thân cây xuyên tâm liên có chứa tanin, đường, chất nhựa và các axit hữu cơ,…Rễ cây có chứa andrographin, apigenin-7, mono-O-methylwithtin, 4′-dimethyl ether,…Ngoài ra, dược liệu này còn có chứa 14-deoxy-11-oxoandrographolide, vitamin B, vitamin C, vitamin A và 12-didehydroandrographolide. 

Trên đây là tất cả những thông tin về đặc điểm, tác dụng của xuyên tâm liên cũng như lưu ý khi sử dụng thảo dược này. Loại cây này có tác dụng chữa bệnh nhưng cũng để lại nhiều tác dụng phụ, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.