Thiếu sắt gây bệnh gì? 4 dấu hiệu thiếu sắt cơ thể ‘cảnh báo’

(VOH) – Sắt là nhân tố quan trọng tham gia tạo máu, là thành phần của huyết sắt của hồng cầu. Vì vậy để tránh gặp phải những rủi ro sức khỏe, chúng ta phải chú ý tới các dấu hiệu thiếu sắt thường gặp.

Sắt là khoáng tố cơ bản và gần như không thể thiếu trong quá trình tổng hợp huyết sắc tố hemoglobin nhằm vận chuyển oxy đến các mô cùng cơ quan của cơ thể người. Đặc biệt, sắt còn là thành phần của một số enzym oxy hóa khử trong tế bào và trong myglobin (sắc tố hô hấp của cơ). Chính vì thế, nếu để cơ thể rơi vào trạng thái thiếu sắt thì rất nhiều hoạt động sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

1. Thiếu sắt là gì?

Thiếu sắt là tình trạng hàm lượng khoáng chất sắt trong cơ thể thấp hơn so với mức cơ bản 10mg/ngày (với phụ nữ mang thai thì nhỏ hơn 45mg/ngày) do một trong các nguyên nhân phổ biến dưới đây gây ra:

1.1 Chế độ dinh dưỡng thiếu sắt

Một trong những tác nhân chủ yếu khiến cơ thể bị thiếu hụt chất sắt chính là bởi chúng ta không bổ sung đủ lượng thực phẩm giàu chất sắt trong chế độ dinh dưỡng. Ngoài ra, nếu kết hợp thực phẩm thiếu khoa học như ăn nhiều đồ cay nóng hoặc chứa chất kích thích cũng có thể ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ sắt, dẫn tới sụt giảm lượng sắt.

thieu-sat-gay-benh-gi-4-dau-hieu-thieu-sat-co-the-canh-bao-voh-0
Chế độ dinh dưỡng thiếu thực phẩm giàu chất sắt là nguyên nhân phổ biến khiến cơ thể thiếu sắt (Nguồn: Internet)

1.2 Mất máu quá nhiều

Nguy cơ bị thiếu sắt thường tăng cao trong trường hợp cơ thể mất máu nhiều do gặp các chấn thương nặng hoặc tổn thương, viêm loét từ bên trong.

1.3 Hồng cầu bị phá vỡ

Chúng ta đều biết rằng phần lớn lượng khoáng tố sắt sẽ tập trung ở các tế bào máu (nhất là tế bào hồng cầu), do vậy khi không may mắc các bệnh phá hồng cầu như sốt rét thì nguy cơ thiếu sắt hoàn toàn có thể xảy ra. Cùng với đó, tỉ lệ hồng cầu bị phá vỡ sẽ ngày càng tăng lên nếu lạm dụng và sử dụng sai quy cách các loại thuốc tan máu.

Xem thêm: Sốt rét gây ra triệu chứng nào, làm sao nhận biết và phòng ngừa hiệu quả?

1.4 Mắc bệnh di truyền về máu

Người có tiền sử mắc bệnh di truyền về máu, chẳng hạn như bệnh thiếu máu huyết tán Thalassemia cũng là đối tượng cần được theo dõi chỉ số lượng chất sắt trong máu trong thường xuyên, bởi rất dễ bị thiếu sắt.

2. Thiếu sắt gây bệnh gì?

Như đã chia sẻ, sự có mặt của khoáng tố sắt góp phần vận hành hàng loạt hoạt động quan trọng trong cơ thể con người và khi nồng độ vi chất này giảm xuống thấp, khả năng cao sẽ xuất hiện các vấn đề sức khỏe sau:

2.1 Thiếu máu thiếu sắt

Có thể nói rằng, khoáng chất sắt được đánh giá là thành tố then chốt tạo nên các huyết sắc tố hemoglobin của tế bào máu. Vì vậy, điều này đồng nghĩa rằng khi cơ thể không được cung ứng đủ lượng chất sắt, hoạt động sản sinh huyết sắc tố sẽ bị gián đoạn, tăng nguy cơ mắc bệnh lý thiếu máu thiếu sắt.

Xem thêm: Nhận biết bệnh thiếu máu thiếu sắt để có kế hoạch điều trị và phòng ngừa tốt nhất

2.2 Suy giảm hệ miễn dịch

Các nghiên cứu y khoa đã chỉ ra rằng thiếu hụt chất sắt còn để lại ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình hình thành tế bào bạch cầu trung tính (T- Lymphocytes). Tình trạng “thiếu thốn” này tác động trực tiếp tới khả năng ngăn chặn sự xâm nhập mầm bệnh vào cơ thể, làm suy giảm nghiêm trọng hệ miễn dịch.

2.3 Rối loạn nhịp tim

Tế bào hồng cầu được biết đến như tế bào “chuyên chở” oxy tới hầu khắp các cơ quan trong cơ thể để duy trì sự sống. Tuy nhiên, vì thiếu sắt nên lượng hồng cầu sụt giảm, buộc tim phải làm việc với tần suất cao, dẫn tới rối loạn nhịp tim.

thieu-sat-gay-benh-gi-4-dau-hieu-thieu-sat-co-the-canh-bao-voh-1
Tình trạng thiếu sắt kéo dài sẽ gây rối loạn nhịp tim, khó thở (Nguồn: Internet)

2.4 Hội chứng chân không yên

Nguyên nhân gây hội chứng chân không yên (cảm thấy khó chịu, ngứa, đau nhức khi ngồi hoặc nằm xuống) tuy chưa được xác định rõ ràng, song các chuyên gia nhận thấy nó thường xảy ra ở các đối tượng bị thiếu sắt.

Xem thêm: Hội chứng chân không yên là bệnh gì, chữa được không?

2.5 Giảm khả năng ghi nhớ

Dòng luân chuyển oxy lên hệ thần kinh và não bộ có thể bị “đứt gãy” nếu bạn không kịp thời bù đắp đủ lượng khoáng chất sắt. Khi đó, lượng oxy lên não bị thiếu hụt, kéo theo các hiện tượng suy giảm trí nhớ, mất tập trung và đau nửa đầu.

3. Nhận biết dấu hiệu thiếu sắt

Nếu quan sát và nhận thấy các dấu hiệu bất thường sau, bạn nên cẩn trọng theo dõi sức khỏe của bản thân hơn nữa vì đó có thể là “tín hiệu” cảnh báo rằng cơ thể đang thiếu sắt:

3.1 Màu sắc da nhợt nhạt

Màu đỏ của huyết sắc tố trong tế bào hồng cầu chính là yếu tố tạo nên vẻ hồng hào và tươi tắn cho làn da. Song cũng chính vì vậy, nếu lượng sắt quá thấp làm giảm nồng độ huyết sắc tố, màu sắc của da bị biến đổi và trở nên nhợt nhạt.

Xem thêm: 7 thay đổi về màu sắc trên da dự báo căn bệnh tiềm ẩn bên trong

3.2 Hoa mắt chóng mặt

Nhắc tới dấu hiệu điển hình của thiếu sắt bạn phải đặc biệt chú ý hiện tượng hoa mắt chóng mặt khi đứng lên ngồi xuống hoặc chuyển từ nằm sang ngồi. Theo đó, lúc này lưu lượng máu lên não giảm xuống và không đủ lượng oxy cần thiết, làm rối loạn hoạt động của hệ tiền đình.

3.3 Rụng tóc, bong móng

Rụng tóc hoặc bong móng tay, móng chân là một trong những triệu chứng thiếu sắt ít người biết tới. Thế nhưng, nếu chúng xuất hiện thì bạn nên khẩn trương đi thăm khám và điều trị, bởi cơ thể đang thiếu sắt trầm trọng.

Xem thêm: Khắc phục tình trạng rụng tóc từ những thói quen hàng ngày

3.4 Nứt nẻ môi

Một số thống kê y khoa cho thấy khoảng 35% người thiếu sắt sẽ có biểu hiện nứt nẻ, bong tróc môi, thậm chí còn sưng đau và gặp khó khăn khi ăn uống, nói chuyện.  

4. Chẩn đoán tình trạng thiếu sắt

Để sớm khắc phục các bệnh lý do thiếu sắt gây nên, điều quan trọng bạn cần làm là phải phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt. Vì lẽ đó, thông qua các dấu hiệu được nêu trên đây, nếu cảm thấy nghi ngờ cơ thể thiếu sắt, hãy nhanh chóng tới các cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác.

Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm như xét nghiệm máu, sắt huyết thanh hay độ bão transferrin,…nhằm đưa ra phác đồ điều trị hợp lý.

thieu-sat-gay-benh-gi-4-dau-hieu-thieu-sat-co-the-canh-bao-voh-2
Cần tiến hành các xét nghiệm để chẩn đoán mức độ thiếu sắt (Nguồn: Internet)

5. Một số biện pháp điều trị thiếu sắt

Sau khi thăm khám và xem xét mức độ thiếu sắt, các bác sĩ sẽ đề xuất các phương pháp điều trị phù hợp, gồm uống thuốc bổ sung hoặc tăng cường thực phẩm giàu chất sắt.

5.1 Thiếu sắt nên ăn gì?

Bổ sung thực phẩm giàu chất sắt vào chế độ dinh dưỡng là cách “bù đắp” đơn giản và an toàn nhất mà bạn có thể tham khảo áp dụng. Trong trường hợp thiếu sắt nên ăn thêm các loại cá biển, động vật thân mềm như nghêu, trai, sò hoặc một số loại đậu bổ dưỡng như đậu đỏ, đậu đen, đậu Hà Lan,…

Xem thêm: Những thực phẩm ‘vàng’ dành riêng cho người bị thiếu máu

5.2 Thiếu sắt nên uống thuốc gì?

Khi thiếu sắt nên uống các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý tìm mua và dùng quá liều lượng bất cứ nhóm thuốc nào, nhằm tránh bị dư thừa sắt.

5.3 Các lưu ý khác cần biết

Trong quá trình uống thuốc sắt hoặc ăn các thực phẩm giàu chất sắt, hãy kết hợp cùng với nhóm thực phẩm giàu vitamin C để tăng khả năng chuyển hóa và hấp thu sắt trong cơ thể. Đồng thời, hạn chế sử dụng kèm với thực phẩm chứa nhiều canxi, khiến sắt bị đào thải ra ngoài nhanh hơn.

Có thể thấy rằng, tuy chỉ là một trong vô vàn dưỡng chất thiết yếu, song nếu chú ý bổ sung đủ lượng sắt và không để cơ thể bị thiếu sắt sẽ giúp bạn duy trì tốt mọi hoạt động cũng như sống vui, sống khỏe hơn đúng không nào! 

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới: