Áp xe là gì, có nguy hiểm không?

(VOH) - Áp xe có thể hình thành ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, nó thường gây đau nhức nhiều, không điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng. Vậy áp xe là gì và chữa trị ra sao?

1. Áp xe là gì?

Áp xe là tên gọi của một tổ viêm nhiễm, khu trú thành một khối mềm, bên trong chứa đầy mủ, thường cấu tạo từ vi khuẩn, xác bạch cầu và các mảnh vụn. Áp xe có thể hình thành ở khắp các vùng trên cơ thể. Chia thành 2 nhóm chính là:

  • Áp xe ở mô dưới da: Là những ổ, bọc mụn nhọt, vị trí thường gặp nhất là nách (áp xe nách) do lỗ chân lông bị nhiễm trùng, âm đạo (áp xe vùng kín) do các tuyến ở cửa âm đạo bị nhiễm trùng hoặc áp xe mông, áp xe răng,…
  • Áp xe bên trong cơ thể: Các ổ áp xe thỉnh thoảng hình thành bên trong cơ thể, ngay tại mô của các cơ quan như áp xe gan, áp xe não, áp xe thận, áp xe vú, áp xe phổi, áp xe ruột thừa…

ap-xe-la-gi-co-nguy-hiem-khong-voh

Hình ảnh áp xe quanh răng (Nguồn: Internet)

2. Nguyên nhân bị áp xe?

Áp xe hình thành là do sự tắc nghẽn tuyến dầu (bã nhờn) hoặc tuyến mồ hôi, viêm nang lông hoặc những vết rạn, thủng trên da. Vi trùng xâm nhập vào dưới da hoặc vào các tuyến này, gây ra phản ứng viêm – phản ứng phòng thủ của cơ thể để giết vi trùng.

Một số tác nhân nhiễm trùng có thể gây áp xe gồm:

  • Vi khuẩn: Vi khuẩn xâm nhập vào mô dưới da hoặc các tuyến bài tiết, gây nên phản ứng viêm, hoạt hóa các chất hóa học trung gian và các tế bào bạch cầu. Sự tắc nghẽn chất tiết của các tuyến mồ hôi, tuyến bã là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển. Quá trình hệ miễn dịch cơ thể chống lại vi khuẩn sinh ra một chất lỏng gọi là mủ, chứa nhiều vi khuẩn và xác bạch cầu. Staphylococcus aureus là loại vi khuẩn chiếm tỷ lệ cao nhất ở nhiều khu vực trên thế giới, gây áp xe dưới da, áp xe màng cứng cột sống.
  • Ký sinh trùng: Các loại như giun chỉ, sán lá gan, giòi,…chúng thường gây áp xe bên trong tại các tạng của cơ thể như áp xe gan do sán lá gan,…

Những đối tượng dễ bị áp xe gồm có:

  • Người có điều kiện sống thiếu vệ sinh.
  • Thường xuyên tiếp xúc với người bị nhiễm trùng da.
  • Người gầy còm, suy kiệt, sức đề kháng kém.
  • Nghiện rượu, lạm dụng tiêm chích ma túy.
  • Mắc bệnh tiểu đường, ung thư, AIDS, viêm loét đại tràng, bệnh Crohn.
  • Các bệnh về máu như bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh bạch cầu.
  • Chấn thương nặng.
  • Sử dụng thuốc corticoid lâu dài, các thuốc tiêm tĩnh mạch.
  • Đang trong liệu trình hóa trị.

3. Dấu hiệu bị áp xe

3.1 Đối với áp xe ở mô dưới da

Thông thường, khi bị áp xe da, bạn sẽ dễ dàng nhận diện trên lâm sàng qua các biểu hiện như:

  • Khối áp xe gây đau đớn, căng tức khi nó có màu đỏ, chạm vào thấy mềm và ấm.
  • Khi bệnh tiến triển, bạn có thể nhìn thấy đầu mủ nhọn và sau một thời gian mủ tự vỡ ra.
  • Hầu hết các ổ áp xe trên da sẽ nặng dần nếu không được chăm sóc. Nhiễm trùng có thể lan sang các mô dưới da và thậm chí đi vào máu. Nếu nhiễm trùng lây lan vào các mô sâu hơn, bạn có thể bị sốt và cảm thấy mệt mỏi.

3.2 Đối với áp xe bên trong cơ thể

Nhận biết áp xe bên trong thường khó khăn hơn, một số triệu chứng thể hiện ra bên ngoài có thể là:

  • Đau vùng bị ảnh hưởng.
  • Sốt cao, rét run, ớn lạnh.
  • Môi khô, lưỡi bẩn.
  • Cảm thấy trong người không được khỏe, toàn thân mệt mỏi, suy kiệt.

Tùy vào vị trí của ổ áp xe mà biểu hiện trên lâm sàng có thể khác nhau, ví dụ như đau tức vùng hạ sườn phải có thể là do áp xe gan, đau ngực một bên hoặc 2 bên có thể là áp xe phổi,…

4. Áp xe có nguy hiểm không?

Một tổ chức áp xe nếu không được điều trị sẽ tiến triển nặng dần lên, tăng kích thước, đau nhiều hơn, xâm lấn rộng ra các mô xung quanh, cuối cùng có thể vỡ. Áp xe ở mô dưới da có thể vỡ ra da và chảy mủ ra bên ngoài, một số trường hợp còn tạo ra đường dò, phá hủy một vùng mô sâu rộng, gây khó khăn cho việc điều trị sau này.

Các khối áp xe trong cơ thể cũng có thể vỡ vào ổ phúc mạc, gây viêm phúc mạc khu trú hoặc toàn thể, nặng hơn có thể dẫn tới nhiễm trùng máu.

5. Bị áp xe phải làm sao?

Một khối áp xe nhỏ thường tự chảy dịch hoặc đơn giản là co lại, khô và biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên, đối với ổ áp xe lớn, bạn cần phải được thăm khám và điều trị đúng cách theo chỉ định của các bác sĩ.

ap-xe-la-gi-co-nguy-hiem-khong-voh

Áp xe nhỏ có thể tự vỡ, khô lại và biến mất (Nguồn: Internet)

5.1 Đối với ổ áp xe dưới da

Bác sĩ có thể thực hiện kỹ thuật chích rạch áp xe, dẫn dịch ra ngoài đối với các ổ áp xe dưới da. Khi hết chảy dịch, bác sĩ có thể chèn gạc để cầm máu và băng vết thương. Thuốc giảm đau như paracetamol, aspirin có thể được chỉ định ở các bệnh nhân nhạy cảm.

5.2 Đối với ổ áp xe bên trong

Can thiệp ngoại khoa như rạch, dẫn lưu ổ áp xe cần phối hợp với thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh nên được sử dụng theo kết quả kháng sinh đồ, sử dụng sớm và đủ liều.

6. Biện pháp phòng ngừa áp xe

Áp xe có thể được phòng ngừa bằng những cách sau:

  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt.
  • Nâng cao, cải thiện môi trường sống.
  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
  • Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao.
  • Xây dựng lối sống lành mạnh, tăng cường hệ miễn dịch.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc chất thải của người bệnh.
  • Không lạm dụng rượu, bia, chất ma túy.
  • Tuân thủ điều trị tốt các bệnh lý nhiễm khuẩn.
  • Thăm khám khi cơ thể có triệu chứng bất thường, không tự ý điều trị để tránh tổn thương lan rộng và nặng nề hơn.