Áp xe phổi và những điều nên biết

(VOH) - Áp xe phổi là bệnh nhiễm trùng phổi. Tìm hiểu nguyên nhân gây áp xe phổi sẽ giúp bạn điều trị đúng cách cũng như phòng tránh một cách hiệu quả.

1. Áp xe phổi là gì?

Áp xe phổi là bệnh nhiễm trùng phổi. Bệnh gây ra tình trạng sưng mủ, hoại tử mô phổi và hình thành các khoang chứa các mảnh vụn hoại tử hoặc dịch do bị nhiễm vi sinh vật. Sự hình thành của nhiều áp xe có thể dẫn đến viêm phổi hoặc hoại tử phổi.

ap-xe-phoi-va-nhung-dieu-nen-biet-voh-1

Ổ áp xe hình thành trên phổi (Nguồn: Internet)

Người ta chia áp xe phổi thành 2 loại:

  • Nung mủ phổi tiên phát: Là sự nung mủ cấp tính ở vùng phổi chưa có tổn thương cũ.
  • Nung mủ phổi thứ phát: Là sự nung mủ xảy ra ở trên một thương tổn phổi đã có sẵn như hang lao, nang phổi, ung thư phổi hoại tử, giãn phế quản.

2. Các nguyên nhân gây áp xe phổi

Nguyên nhân chủ yếu gây áp xe phổi là vi khuẩn, ký sinh trùng. Cụ thể:

  • Vi khuẩn kỵ khí: Khi nhiễm vi khuẩn kỵ khí rất dễ phát hiện vì chúng khiến cho hơi thở và đờm của bệnh nhân có mùi hôi, có thể gây nên những áp xe lan tỏa, bán cấp và thường kết hợp với các loại vi khuẩn khác như liên cầu, phế cầu.
  • Tụ cầu vàng: Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ còn bú với các triệu chứng như sốt cao, rối loạn tiêu hóa, sụt cân. Bệnh cảnh lâm sàng vừa phổi vừa màng phổi gây suy hô hấp, nhiễm trùng nhiễm độc nặng.
  • Nhiễm Klebsiella Pneumoniae: Tiến triển lan rất nhanh, khái huyết, bệnh cảnh rất nặng và nguy cơ tử vong cao.
  • Những vi khuẩn khác: Phế cầu, liên cầu nhóm A hay  tan máu, các vi khuẩn Gram (-) như Pseudomonas aeruginosa, Hemophillus influenzae, Legionella pneumophila cũng gây áp xe phổi.
  • Ký sinh trùng: Thường gặp nhất là amip, có thể là nguyên phát nhưng hầu hết là thứ phát sau áp xe gan, ruột. Thương tổn thường gặp ở đáy phổi phải, sát với cơ hoành và thường kèm thương tổn ở màng phổi, đờm có thể có màu nâu sẫm nhưng thường gặp là máu tươi.

Các yếu tố thuận lợi để các vi khuẩn, ký sinh trùng trên xâm nhập và gây áp xe phổi gồm có:

2.1 Dị vật

Hít phải dị vật là nguyên nhân chủ yếu hình thành áp xe phổi. Các dị vật thường là thức ăn, thức uống, chất nôn ra hoặc chất bài tiết từ miệng được hít vào phổi. Sau đó, tình trạng sưng, viêm phổi và hình thành áp xe có thể xảy ra trong 7 – 14 ngày.

2.2 Các bệnh lý ở phổi

Đối với những bệnh nhân mắc các bệnh lý như phổi gây tắc nghẽn, ung thư phổi gây bội nhiễm hay hoại tử, nhồi máu phổi, giãn phế quản, lao phổi có hang, kén phổi bẩm sinh, chấn thương lồng ngực hở,…sẽ có nguy cơ bị áp xe phổi cao.

2.3 Các yếu tố thuận lợi khác

Ở những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, động kinh, suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng nặng, nghiện rượu,…cũng có nguy cơ cao bị áp xe phổi.

3. Triệu chứng của bệnh áp xe phổi

Bạn có thể nhận biết áp xe phổi qua những biểu hiện sau đây:

  • Sốt: Khi bị áp xe phổi bạn có thể bị sốt 38 – 39 độ C hoặc cao hơn, có thể kèm rét run hoặc không.
  • Mệt mỏi, toàn trạng thay đổi nhiều.
  • Đau ngực bên phổi tổn thương, có thể có đau bụng ở những bệnh nhân áp xe phổi thuỳ dưới.
  • Ho, khạc đờm có mủ nhiều (còn gọi là ộc mủ), đờm có mùi hôi hoặc thối, đôi khi có thể ho ra máu lẫn mủ, có khi ho khan.
  • Khó thở: Nhịp thở nhanh, một số bệnh nhân có thể có biểu hiện suy hô hấp như thở nhanh, tím môi,…

ap-xe-phoi-va-nhung-dieu-nen-biet-voh-2

Đau ngực có thể là triệu chứng cảnh báo áp xe phổi (Nguồn: Internet)

Để biết chính xác hơn về tình trạng áp xe trong phổi thì bạn hãy đến các cơ sở y tế để thăm khám. Khi đó, các bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng mà bạn gặp phải kết hợp với các phương pháp chẩn đoán sau đây nhằm đưa ra kết luận chính xác và chỉ định phương pháp điều trị thích hợp. Các phương pháp chẩn đoán gồm:

  • Công thức máu: Nếu áp xe phổi do vi khuẩn, có thể có bạch cầu tăng, công thức bạch cầu chuyển trái. Tốc độ máu lắng tăng.
  • X-quang phổi: Hình ảnh điển hình của áp xe phổi là dạng hình tròn có bờ không đều, khá dày và có mức hơi dịch bên trong. Cần chụp phim nghiêng để xác định chính xác vị trí ổ áp xe.

4. Áp xe phổi có nguy hiểm không?

Đối với áp xe phổi, khi không được phát hiện và điều trị sớm, người bệnh chủ quan hoặc điều trị không đúng cách sẽ có khả năng gây ra một loạt các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Các biến chứng có thể là:

  • Tràn mủ màng phổi: Đây là biến chứng đầu tiên do áp xe phổi gây ra. Khi ổ áp xe bị vỡ thông với màng phổi sẽ gây tràn mủ màng phổi, nguy hiểm cho người bệnh.
  • Ho ra máu: Với người bệnh bị áp xe phổi mạn tính, các triệu chứng ho có thể kèm ra máu do tình trạng vỡ mạch máu lớn, đặc biệt nghiêm trọng hơn khi áp xe ở gần rốn phổi.
  • Nhiễm trùng huyết: Đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra khi mà vi khuẩn trong ổ áp xe xâm nhập vào máu, gây sốc và có thể tử vong.

ap-xe-phoi-va-nhung-dieu-nen-biet-voh-3

Ho ra máu là biến chứng của bệnh áp xe phổi (Nguồn: Internet)

Ngoài các biến chứng trên, áp xe phổi còn dẫn tới các biến chứng như xơ phổi, giãn phế quản, áp xe não... Các biến chứng nặng có thể đe dọa đến tính mạng bệnh nhân.

Chính vì thế, bất cứ ai cũng không nên chủ quan với bệnh áp xe phổi. Hãy theo dõi biểu hiện của cơ thể hàng ngày để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường và nhanh chóng điều trị.

5. Điều trị áp xe phổi

Điều trị áp xe phổi cần sự phối hợp của nhiều biện pháp. Các phương pháp điều trị áp xe phổi thường là:

5.1 Điều trị bằng thuốc kháng sinh

Người bệnh dùng kháng sinh sớm, dùng ít nhất từ 2 kháng sinh trở lên. Kháng sinh có thể được tiêm đường tĩnh mạch hoặc tiêm bắp. Bác sĩ có thể thay đổi kháng sinh dựa vào diễn tiến lâm sàng và kháng sinh đồ nếu có.

Thời gian dùng kháng sinh ít nhất là 4 tuần.

5.2 Điều trị can thiệp

Dẫn lưu ổ áp xe

Dựa vào phim chụp X-quang phổi thẳng, nghiêng để xác định ổ áp xe và chọn tư thế bệnh nhân phù hợp để dẫn lưu và vỗ rung lồng ngực. Có thể dùng ống soi phế quản để hút mủ ở phế quản dẫn lưu ổ áp xe. Chọc dẫn lưu mủ qua da áp dụng đối với những ổ áp xe phổi ở ngoại vi, sát thành ngực, ổ áp xe không thông với phế quản.

Phẫu thuật

Phẫu thuật cắt phân thùy phổi hoặc cả một bên phổi tùy theo mức độ trong các trường hợp sau:

  • Ổ áp xe lớn hơn 10cm.
  • Áp xe phổi mạn tính điều trị nội khoa 3 tháng không có kết quả.
  • Ho ra máu tái phát, liên tiếp nhiều lần, đe dọa tính mạng.
  • Áp xe phối hợp với giãn phế quản khu trú nặng.
  • Có biến chứng rò phế quản - khoang màng phổi.
  • Bệnh lý nền nghi ngờ u phổi, ung thư phổi.

5.3 Điều trị hỗ trợ

6. Cách phòng tránh áp xe phổi?

Việc phòng bệnh áp xe phổi cần thực hiện một cách nghiêm túc và thường xuyên bằng cách sau:

  • Luôn luôn giữ gìn vệ sinh răng, miệng, mũi và họng sạch sẽ để tránh viêm nhiễm từ trên lan xuống phổi gây áp xe.
  • Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh, nhất là vùng cổ và ngực.
  • Phòng ngừa các dị vật rơi vào đường thở.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Bổ sung các loại hoa quả, trái cây và thực phẩm dinh dưỡng chứa nhiều vitamin C và nhóm B để nâng cao sức đề kháng cơ thể.
  • Khi có dấu hiệu ho, đau ngực, sốt cao cần phải tới gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán từ đó có hướng điều trị kịp thời.