Bà bầu ăn đu đủ chín có được không?

(VOH) - Được xếp vào danh mục những loại trái cây ngon, bổ, rẻ, đu đủ chín được nhiều chị em phụ nữ yêu thích. Tuy nhiên, khi mang thai bà bầu ăn đu đủ có được không?

Trong suốt thai kỳ, mẹ bầu luôn được khuyến nghị về những thực phẩm nên ăn và nên tránh, bởi chế độ ăn uống và dinh dưỡng rất quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Đu đủ cũng là một phần trong chế độ ăn uống cân bằng, thế nhưng bà bầu ăn đu đủ được không thì không phải ai cũng biết.

1. Bà bầu ăn đu đủ được không?

Chúng ta biết rằng, khi mang thai mọi thứ bạn ăn vào đều sẽ được thai nhi hấp thụ. Một số loại trái cây có thể không gây ảnh hưởng đến bạn, nhưng chúng có thể gây hại cho bé yêu trong bụng và đu đủ là một trong những loại trái cây mà mẹ bầu cần lưu ý khi ăn.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, quả đu đủ chín rất tốt cho thai kỳ của mẹ bầu, tuy nhiên, quả đu đủ xanh thì không như thế. Thậm chí, bà bầu ăn đu đủ xanh trong thai kỳ có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng sảy thai, sinh non.

Chính chất papain trong nhựa đu đủ xanh là nguyên nhân gây ra những cơn co thắt tử cung khá mạnh, làm tăng nguy cơ sảy thai. Không chỉ vậy, chất papain cũng có thể làm chậm sự tăng trưởng tế bào và phát triển mô ở bào thai. Đồng thời có thể gây phù và xuất huyết nhau thai.

ba-bau-an-du-du-chin-co-duoc-khong-voh-0
Bà bầu không nên ăn đu đủ xanh khi mang thai (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, dưới tác động của papain và chymopapain – hai chất có trong đu đủ xanh sẽ làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, quái thai. Ở những người có cơ địa mẫn cảm, chất nhựa trong đu đủ xanh còn có thể sẽ gây ra tình trạng dị ứng, các vấn đề hô hấp và kích ứng da, thậm chí gây khó thở.

Thế nhưng, khi đu đủ đã chín thì bà bầu hoàn toàn có thể ăn một cách thoải mái, bởi những chất gây hại chỉ còn trong hạt đu đủ. Nếu bà bầu chỉ ăn phần thịt đu đủ sẽ không gặp bất cứ nguy hiểm, thậm chí còn rất tốt cho sức khỏe cũng như sự phát triển của thai nhi.

2. Bà bầu ăn đu đủ chín nhận được lợi ích gì?

Đu đủ chín chứa một nguồn dinh dưỡng tự nhiên và lành mạnh, bao gồm các chất như: beta-caroten, choline, chất xơ, folate, kali, vitamin A, B và C. Bên cạnh đó, hàm lượng nước trong đu đủ rất cao (chiếm khoảng 70%), vì thế, bà bầu nên ăn đu đủ chín trong thai kỳ vì sẽ nhận được những lợi ích sau đây:

2.1 Tăng cường sức đề kháng

Hàm lượng beta-carotene và kali trong đu đủ nhiều hơn so với một số loại quả khác. Đây là một tiền chất của vitamin A và khi vào cơ thể sẽ được chuyển thành vitamin A, vi chất này có vai trò chống oxy hóa mạnh giúp cơ thể mẹ bầu tăng cường hệ miễn dịch, các bệnh nhiễm trùng và tốt cho mắt.

2.2 Bổ sung vitamin

Đu đủ chín có chứa rất nhiều loại vitamin như vitamin A, C, vitamin B1, B2, B6, PP... đặc biệt là vitamin B1 có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa, nếu thiếu vitamin B1 sẽ gây rối loạn chuyển hóa chất dinh dưỡng, làm tổn thương thần kinh trung ương và hệ tim mạch khi mang thai. Bên cạnh đó, vitamin B2 giúp phát triển thị giác, cơ và hệ thần kinh thai nhi.

ba-bau-an-du-du-chin-co-duoc-khong-voh-1
Đu đủ chín chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe mẹ bầu (Nguồn: Internet)

2.3 Cung cấp chất khoáng

Không chỉ nhiều vitamin, đu đủ chín còn chứa rất nhiều khoáng chất quan trọng cần thiết cho sự phát triển của thai nhi trong 9 tháng thai kỳ như kali, magie, kẽm, canxi... Đặc biệt, chất sắt trong đu đủ chín sẽ giúp mẹ bầu ngăn ngừa được tình trạng thiếu máu do thiếu sắt khi mang thai.

Xem thêm: Bị thiếu máu khi mang thai – lời khuyên hữu ích về cách điều trị và chế độ ăn uống

2.4 Giảm hiện tượng bị chuột rút

Với hàm lượng kali cao, mẹ bầu ăn đu đủ chín sẽ giảm được tình trạng bị chuột rút ở chân. Bên cạnh đó, khi mang thai thể tích máu của người mẹ có thể tăng lên đến 50% vì thế kali là một chất cực kỳ cần thiết để cân bằng nước và điện giải trong các tế bào.

2.5 Giảm ốm nghén

Với vị ngọt nhẹ và dễ ăn, đu đủ được xem như một "thần dược" giúp mẹ bầu tránh khỏi những cơn ốm nghén trong thai kỳ.

2.6 Duy trì cân nặng trong mức kiểm soát

Những mẹ nào bầu muốn bổ sung thật nhiều dưỡng chất để bé yêu phát triển toàn diện nhưng lại sợ tăng cân thì giải pháp dành cho mẹ là ăn đu đủ chín. Tuy rất bổ dưỡng nên đu đủ không hề chứa nhiều calo nên sẽ không làm mẹ bầu tăng cân quá nhiều trong thời gian mang thai.

2.7 Hạn chế táo bón

Mẹ bầu rất dễ gặp phải tình trạng táo bón thai kỳ và ăn đu đủ chín sẽ là cách điều trị cũng như ngăn ngừa táo bón hiệu quả. Vì trong đu đủ có chứa vitamin B nên sẽ rất có lợi cho hệ tiêu hóa.

2.8 Bảo vệ khớp

Khi mang thai, mẹ bầu có thể sẽ gặp phải cảm giác tê cứng, đau nhức tại các khớp như khủy tay, ngón tay, đầu gối và hông, khiến cho việc đi lại trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên,  nếu bà bầu ăn đủ chín thường xuyên, triệu chứng này sẽ không “ghé thăm”, vì vitamin C trong đu đủ sẽ giúp cơ thể tạo nên chất nền ngoài tế bào sụn khớp, bảo vệ khớp.

3. Bà bầu ăn đu đủ bao nhiêu là đủ?

Để đảm bảo an toàn cho cả thai kỳ cũng như nhận về những lợi ích sức khỏe, phụ nữ mang thai chỉ nên ăn đu đủ mỗi tuần 2 – 3 lần, mỗi lần ăn một miếng vừa. Đồng thời cần lưu ý thêm một số điều sau đây:

3.1 Không ăn hạt đu đủ

Mẹ bầu nên loại bỏ hết hạt đu đủ trước ăn khi ăn, bởi mọi chất gây hại cho sức khỏe mẹ bầu và bé đều nằm trong hạt đu đủ chín.

ba-bau-an-du-du-chin-co-duoc-khong-voh-2
Bà bầu nên loại bỏ hết hạt đu đủ trước khi ăn (Nguồn: Internet)

3.2 Không ăn quá nhiều

Không nên lạm dụng mà ăn quá nhiều đu đủ chín cùng một lúc vì chất beta carotene có trong đu đủ có thể khiến mẹ bầu bị vàng da ở lòng và mu bàn tay, bàn chân. Ngoài ra, ăn quá nhiều đu đủ có thể gây kích thích ruột già bài tiết nhiều, từ đó gây áp lực cho dạ dày và đường ruột.

3.3 Bà bầu bị tiểu đường nên hạn chế ăn đu đủ

Người bị bệnh tiểu đường nên tránh tất cả các loại trái cây có chứa đường, một trong số đó là đu đủ. Do đó, nếu mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ tốt nhất nên hạn chế ăn đu đủ.

3.4 Bà bầu bị hen suyễn không nên ăn đu đủ

Những mẹ bầu bị hen suyễn hoặc gặp vấn đề về hô hấp cũng nên hạn chế ăn đu đủ vì chất papain trong đu đủ có thể gây dị ứng nặng, sổ mũi, nghẹt mũi và khó thở.

Như vậy, đu đủ chín là loại trái cây bổ dưỡng và bà bầu hoàn toàn có thể ăn chúng trong thai kỳ, tuy nhiên, đu đủ xanh thì ngược lại. Do đó, nếu mẹ bầu lo lắng thì có thể thay thế đu đủ bằng các loại trái cây khác để thưởng thức chúng một cách an toàn trong thai kỳ.